Thứ ba 10/12/2024 18:52
Luật Thủ đô 2024

Phổ biến Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội xây dựng tài liệu giới thiệu Luật Thủ đô nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân Hà Nội.
Hình ảnh buổi tuyên truyền, phổ biết Luật Thủ đô 2024 cho Nhân dân xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: N.M
Hình ảnh buổi tuyên truyền, phổ biết Luật Thủ đô 2024 cho Nhân dân xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: N.M

Xây dựng tài liệu giới thiệu Luật Thủ đô

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương thông tin về Luật Thủ đô 2024 cũng như Kế hoạch số 254/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, Luật Thủ đô năm 2024 gồm 7 chương với 54 điều (so với Luật Thủ đô năm 2012, nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật). Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá lớn, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết thêm, nhằm thực hiện Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 22/8/2024 của UBND TP Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô, Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP đã phối hợp với chuyên gia xây dựng Luật thủ đô, cơ quan, đơn vị TP, các thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP xây dựng Tài liệu giới thiệu Luật Thủ đô.

Đây là tài liệu hữu ích để tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng Luật Thủ đô đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, đội ngũ cán bộ, công hức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, Nhân dân Thủ đô và Nhân dân trong cả nước góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về Luật Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương thông tin về Luật Thủ đô tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí TP tháng 11/2024. Ảnh: N.M
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương thông tin về Luật Thủ đô tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí TP tháng 11/2024. Ảnh: N.M

Đẩy mạnh tuyên truyền

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, sau khi ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô, ngày 4/9/2024, UBND TP ban hành Kế hoạch số 264 soạn thảo, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô. Cùng với đó, TP cũng tiến hành rà soát các văn bản của TP, của cấp huyện có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thủ đô, các văn bản quy định để thi hành Luật Thủ đô với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của TP. Đồng thời, tổ chức theo dõi thi hành Luật Thủ đô nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện các quy định pháp luật về Thủ đô.

Ngày 11/9/2024, HĐND TP đã ban hành Kế hoạch số 11 triển khai thi hành Luật Thủ đô. Theo đó Thường trực HĐND TP và UBND TP dự kiến có tổng số 125 nhiệm vụ của các cơ quan, trong đó Chính phủ và Thủ tướng có 8 nội dung (6 nội dung văn bản QPPL quy định chi tiết của Chính phủ, 2 nội dung văn bản cá biệt của Thủ tướng); HĐND TP có 89 nội dung (76 nội dung văn bản QPPL và 13 nội dung V cá biệt); UBND TP có 27 nhiệm vụ (19 nội dung văn bản QPPL và 8 nội dung văn bản cá biệt) và HĐND quận, thị xã 1 văn bản QPPL.

Hiện nay các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng các văn bản đang tiến hành thực hiện hoàn thành trước ngày 1/1/2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô. Do đó rất cần sự vào cuộc ngay từ đầu của các cơ quan thông tấn báo chí truyền hình để truyền thông các dự thảo văn bản QPPL để Nhân dân trên địa bàn được biết, cùng tham gia góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cũng nhấn mạnh, việc truyền thông các dự thảo chính sách sẽ góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

“Để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, rất mong các cơ quan báo chí của tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến một cách đầy đủ, kịp thời các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 và truyền thông dự thảo các văn bản QPPL thực thi Luật Thủ đô trên cơ quan báo, đài Trung ương và TP; Cổng/Trang thông tin điện tử; trên mạng xã hội và các hình thức khác đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các DN và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Qua đó, để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của TP cũng như Nhân dân hiểu rõ và nắm vững quy định của Luật Thủ đô năm 2024 đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc triển khai, thi hành Luật đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo đúng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP”-Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết thêm.

Lan toả tuyên truyền tới từng cán bộ, người dân
Đề xuất đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động