Thứ sáu 22/11/2024 01:31

Đề xuất đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quan tâm đến lao động phi chính thức, đại biểu cho rằng, cần đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách được hưởng trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) lần này.
Đề xuất đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: Quốc hội

Đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách

Thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 4/11, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định cho biết, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, có khoảng 33 triệu lao động tự do trên tổng số 52 triệu lao động, chiếm hơn 65% tổng số lao động trong cả nước. Tuy nhiên, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào các nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương. Hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH chiếm 97.9%.

Mặc dù có nhiều chính sách và giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ đối tượng này nhưng đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, đa phần trong số này chưa tiếp cận với các điều kiện về an sinh xã hội, chưa được ký hợp đồng, chưa được tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) hay Bảo hiểm xã hội (BHXH)…

Đại biểu chỉ rõ nguyên nhân là do lao động phi chính thức, lao động tự do di chuyển liên tục, chỗ ở không ổn định, vì thế nhiều lao động khó đóng bảo hiểm tự nguyện được; việc đăng ký BHYT ở một nơi nhưng khám bệnh lại ở nơi khác, do đó việc khám chữa bệnh rất khó khăn. Cùng với đó theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gần 70% lao động trong độ tuổi chưa được thu thập thông tin về việc làm khiến họ khó tiếp cận và tận hưởng các chính sách xã hội…

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy kiến nghị cần có giải pháp cập nhật, quản lý dữ liệu thông tin về lao động phi chính thức, trên cơ sở đó đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách được hưởng trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) lần này. Đồng thời cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động.

Ngoài ra, cần đề ra các giải pháp cụ thể lao động phi chính thức, nhất là các lao động phi chính thức dịch chuyển tạm thời khi mất việc làm tại các thành phố lớn, các doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động và ngược lại. Trên cơ sở đó có sự phân tích và có giải pháp cụ thể cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp, các chính sách hỗ trợ cụ thể, hỗ trợ họ tự nguyện tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ.

Đề xuất đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quốc hội

Tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, đại biểu cho biết, theo báo cáo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 đạt 69%, có bằng cấp ước đạt trên 28%. Đại biểu cho rằng, đây là tín hiệu khả quan, song cần nhìn nhận, đánh giá thêm thực tiễn, bởi qua giám sát, quy định về công tác đào tạo nghề còn không ít bất cập.

Cụ thể, đại biểu nêu dẫn chứng về việc quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động hàng năm trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình.

Đại biểu cho rằng, doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trình độ năng lực cạnh tranh còn thấp, tiềm lực tài chính hạn chế, lao động chủ yếu là lao động phổ thông, xuất thân nông thôn.

Trong thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề cho người lao động chỉ 36%. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp về thủ tục. Theo Nghị quyết số 68 năm 2021 của Chính phủ, điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động là phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 12 tháng trở lên, phải có phương án phối hợp với cơ sở đào tạo nghề, các phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa là 6 tháng chi trực tiếp cho cơ sở đào tạo.

Đại biểu cho biết, việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo, quy mô đào tạo, chưa đảm bảo tương xứng với tiềm năng và yêu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở đô thị lớn không đủ diện tích để giảng dạy, thực hành.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo mà kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, cần đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy ở các trường nghề để đảm bảo phù hợp với thực tế, xu hướng phát triển của xã hội, của doanh nghiệp, hạn chế lãng phí ở các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.

Đề nghị bổ sung quy định bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất Đề nghị bổ sung quy định bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất
Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động