Thứ bảy 04/05/2024 09:31
Từ vụ việc 6 học sinh phải nhập viện do ăn nhầm “kẹo ma túy”:

Nhận rõ kỹ năng phòng ngừa ma túy của học sinh còn thiếu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự việc nhiều học sinh cấp 3 tại TP Hạ Long phải nhập viện do ăn nhầm “kẹo ma túy”, đã nhiều phụ huynh trăn trở. Điều đáng lo là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường, hướng đến đối tượng học sinh sinh viên dưới nhiều hình thức phức tạp. Trong khi đó, học sinh vẫn thiếu kỹ năng phòng ngừa hiểm họa ma túy
Nhận rõ kỹ năng phòng ngừa ma túy của học sinh còn thiếu
Mẫu vỏ "kẹo" mà nhóm học sinh ở Quảng Ninh ăn và phải vào bệnh viện cấp cứu

Cảnh báo ma túy trước cổng trường

Trước đó, vào ngày 25-10, tại trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trong giờ chào cờ đầu tuần, 1 học sinh lớp 10 có biểu hiện ngộ độc, bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Ngay sau đó, có thêm 12 bạn học sinh cũng có biểu hiện tương tự.

Phát hiện sự việc, nhà trường đã sơ cứu và chuyển các em học sinh đến BVĐK Hạ Long để điều trị. Khi tỉnh táo lại, nhóm học sinh cho biết vừa ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc, có in chữ nước ngoài, do một em học sinh cùng lớp mang đến. Đáng chú ý, sau khi test nhanh cho kết quả 6 học sinh… dương tính với ma túy (cần sa).

CQCA tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng điều tra, làm rõ: Tối 24-10, em M.T.S, SN 2006, trú tại khu Trới 7, phường Hoành Bồ, là học sinh lớp 10 trường THPT Hoành Bồ, đến chơi với người chị họ tại tổ 5, khu Trới 3, phường Hoành Bồ. Tại đây, em S nhìn thấy 1 túi có nhiều gói dạng thanh (giống như kẹo dẻo) trong chiếc hộp, nghĩ là kẹo nên đã cầm về. Sáng hôm sau, em S mang đến trường và mời các bạn cùng ăn (tổng cộng có 13 em đã ăn). Sau đó, có 10 em có biểu hiện ngộ độc, phải đưa đi cấp cứu; và qua test nhanh, phát hiện 6 em dương tính với THC (một loại chất có trong cây cần sa).

Bước đầu, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh xác định đây là vụ ngộ độc thực phẩm chức năng, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Tuy nhiên, với sự phát triển liên tục và không ngừng của đời sống xã hội, sự du nhập của các “trào lưu thời thượng”, sự tinh vi của các đối tượng buôn bán, vận chuyển kinh doanh các sản phẩm có chứa chất cấm, đã gây nên nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm này vào đời sống học đường.

Để bảo vệ chính con em mình, các bậc phụ huynh cần chủ động quan sát, theo dõi cũng như giáo dục, nâng cao nhận thức của chính con em mình về tác hại của các chất gây nghiện cũng như các sản phẩm chứa chất gây nghiện “đội lốt” bánh kẹo nơi cổng trường.

Nhà phân phối “bánh cần sa” Nguyễn Lan Hương bị CA Hà Nội xử lý
Nhà phân phối “bánh cần sa” Nguyễn Lan Hương bị CA Hà Nội xử lý

Khi ngày càng nhiều chiêu đối phó tinh vi

Theo đại diện Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý - CATP Hà Nội, thực tiễn công tác đấu tranh cho thấy, các đối tượng mua bán ma tuý luôn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ đối tượng, nhất là các bạn trẻ, sử dụng ma tuý.

Dẫn chứng sự nguy hiểm của thủ đoạn này là vụ án do Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý - CATP Hà Nội phát hiện, xử lý, liên quan đến 2 đối tượng Nguyễn Lan Hương, SN 1996, trú tại quận Hoàn Kiếm và Hoàng Minh Quang, SN 1999, trú tại quận Hai Bà Trưng.

Theo đó, vào cuối năm 2020, trước thông tin một số đối tượng mua bán bánh kẹo có chứa ma túy (cần sa), để bán qua mạng xã hội cho "dân chơi" sử dụng, Lực lượng CA Hà Nội đã khẩn trương điều tra xác minh và phát hiện một số đối tượng thông qua mạng xã hội đã đăng ảnh bánh kẹo chứa chất cần sa, rao bán từ 230.000 đồng đến 270.000 đồng/bánh cho "dân chơi".

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý - CATP Hà Nội làm rõ nhóm đối tượng liên quan trong đó nổi lên là Nguyễn Lan Hương và Hoàng Minh Quang.

Tại CQCA, các đối tượng khai nhận từng ra nước ngoài để… học cách làm bánh chứa ma túy (cần sa). Sau đó, tự mua cần sa khô qua mạng xã hội, tách chiết tinh dầu cần sa trộn với các nguyên liệu để làm “bánh”, rồi rao bán qua mạng xã hội.

Nhằm đối phó cơ quan chức năng, các “nhà phân phối” có nhiều phương thức, thủ đoạn như gửi hàng qua shipper; chọn lựa người mua phải tham gia thành viên nhóm, hội kín trên mạng xã hội, hoặc có người quen giới thiệu…

Một buổi tuyên truyền về công tác phòng ngừa ma túy học đường cho học sinh của CATP Hà Nội
Một buổi tuyên truyền về công tác phòng ngừa ma túy học đường cho học sinh của CATP Hà Nội

Cần đưa kỹ năng phòng, chống ma túy vào học đường

Nếu trước đây khi quà vặt cổng trường chỉ tiềm ẩn những nguy hại đối với các loại bánh kẹo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thì nay, quà vặt cổng trường đang có thêm nhiều sự biến tướng với sự xuất hiện của các chất cấm dưới những “vỏ bọc” không ngờ.

Sự thay đổi liên tục hình thức, hình dạng của các sản phẩm bánh kẹo chứa các chất cấm, chất gây nghiện đã khiến việc ngăn chăn các sản phẩm này xâm nhập và gây hại cho môi trường học đường gặp nhiều khó khăn. Các hình thức mới liên tục được phát hiện, thành phần gây nghiện mới được bổ sung vào thực phẩm ngày càng nhiều hơn, cho thấy mức độ tinh vi của các đối tượng phạm tội. Một số sản phẩm ma túy “đội lốt vô hại” đã được phát hiện trong thời gian vừa qua có thể kể đến như: Kẹo mút cần sa; Ma túy “tem giấy; Ma túy “nước vui”; Nấm thần…

Theo ông PGS.TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD), hiện nay mạng Internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, các em tiếp cận những thông tin hay và không hay nhưng đầu óc còn non nớt không phân biệt được. Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể. Nhiều em trở thành người nghiện ma túy bắt đầu từ những lần dùng thử tại những nơi này.

"Qua nhiều cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy, trong các trường học phần lớn các em học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy; thậm chí không có khả năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy. Vì vậy việc trang bị cho các em các kỹ năng nhận biết và phòng ngừa ma túy là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay", Viện trưởng Viện PSD khẳng định.

Dương Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động