Thứ tư 24/04/2024 23:50

Nhan Phúc Vinh: Gã "trai hư" mê hoặc khán giả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Được mệnh danh là “chàng trai vàng trong làng ăn tát” bởi lối sống trăng hoa, giăng bẫy “lưới tình” với rất nhiều cô gái trẻ. Tưởng rằng vai diễn Tuấn Khang (Nhan Phúc Vinh đóng) trong phim “Anh có phải đàn ông không” sẽ khiến khán giả ghét thì chính lối diễn tự nhiên, khắc họa tốt chiều sâu tâm lý nhân vật, Nhan Phúc Vinh đã “mê hoặc” khán giả, tạo được sự đồng cảm cho mẫu nhân vật “trai hư” trên màn ảnh.
Nhan Phúc Vinh đổi chiều diễn xuất ấn tượng
Tạo hình anh chàng "bad boy" của Nhan Phúc Vinh trong phim "Anh có phải đàn ông không?"

Chào diễn viên Nhan Phúc Vinh! Lần thứ hai Bắc tiến sau dự án phim “Tình yêu và tham vọng”, khác với một Minh Tổng cương trực, khô khan thì Tuấn Khang trong phim “Anh có phải là đàn ông?” là người đàn ông trăng hoa, ăn chơi, thay người yêu như thay áo. Đảm nhận mẫu nhân vật khác biệt so với các vai diễn trước đây, anh đã tìm chất liệu diễn xuất ra sao?

Dự án phim “Anh có phải là đàn ông?” là một cái duyên lớn với tôi. Đầu tháng 10-2021, sau thời gian giãn cách trong Sài Gòn, tôi nhận được lời mời từ VFC và chốt kịch bản trong 3 ngày. Quyết định tham gia dự án khi có thời gian dài nghỉ dịch, không được đi làm nên nhận vai diễn mới, tôi có điều kiện đầu tư, tìm tòi về chất liệu vai diễn.

Khi đọc kịch bản thì tôi cảm nhận nhân vật Tuấn Khang là một hình mẫu anh chàng “bad boy” ham chơi, đào hoa, có nhiều mối tình chóng vánh. Từ trước tới nay, tôi đều tò mò về kiểu thanh niên “bad boy” ngoài đời, màn ảnh khai thác ra sao. Từ quan sát của bản thân tôi muốn tạo nhân vật “bad boy” khác lạ và không trùng lặp. Về tạo hình nhân vật, tôi đã suy nghĩ rất là nhiều cách ăn mặc của mình như thế nào, đặc biệt là mái tóc. Tôi quyết định nuôi tóc dài để búi tóc trên đầu, hoặc xõa ra, kết hợp với trang phục khỏe khoắn để tạo hình nhân vật khác biệt.

Điều khó khăn nhất của một nhân vật “bad boy” là sẽ khiến khán giả ghét, thậm chí là quay lưng nhưng với vai diễn Tuấn Khang hoàn toàn ngược lại. Theo anh đâu là lý do khán giả dễ dàng “quay xe” từ ghét thành yêu mến nhân vật Tuấn Khang như vậy?

Nếu diễn theo kịch bản gốc, có thể khán giả sẽ ghét thật. Đúng kiểu một nhân vật ăn chơi, tán gái, bốc phét. Ban đầu, tôi có nói chuyện với đạo diễn Trịnh Lê Phong về quan điểm cá nhân cho vai diễn và tìm được “chìa khóa” nhân vật. Ngoài ra, khi quay hiện trường tôi với đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng trao đổi nhiều về kịch bản, sửa thoại, chi tiết trong mỗi cảnh quay. Có thể nói khi quay phim đã “nắn” lại hết gần như toàn bộ nhân vật Tuấn Khang. Mặc dù vẫn giữ chất “bad boy” nhưng có sự duyên dáng, chiều sâu tâm lý. Đó là nét từng trải của người đàn ông thực thụ, từng đối diện với biến cố gia đình để khi khán giả họ xem sẽ hiểu được tại sao nhân vật này lại tôn thờ “cuộc sống độc thân”. Do một phần có tính cách trăng hoa dễ khiến khán giả có cảm giác không đáng tin cậy. Bù lại, đó là nhân vật thẳng tính và người cư xử khá tinh tế trong các mối quan hệ xung quanh, nhất là với bạn bè. Nhờ đó, khán giả có sự đồng cảm với nhân vật Tuấn Khang.

Màu sắc nhân vật khá mới và được coi là lần đầu tiên khai thác trên màn ảnh. Điểm cộng khác của Tuấn Khang được biết tới là đài từ, lời thoại rõ ràng vốn từng là hạn chế của các diễn viên miền Nam khi Bắc Tiến. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Khán giả miền Bắc thường phàn nàn là chất giọng miền Nam khó nghe từ dự án phim “Tình yêu và tham vọng”. Bắc tiến lần hai với phim “Anh có phải đàn ông không?” tôi xử lý lại cách thoại, để khán giả miền Bắc cảm nhận từng cảm xúc câu thoại. Tôi cải thiện đài từ bằng việc tích cóp cho bản thân vốn từ của Hà Nội. Đó là khó khăn và thú vị để tôi có cơ hội học tập được nhiều hơn.

Nhan Phúc Vinh đổi chiều diễn xuất ấn tượng
Nhan Phúc Vinh ghi điểm với khán giả nỗ lực cống hiến, hết mình với vai diễn

Đóng phim giữa mùa dịch, thời điểm dịch bệnh khá căng thẳng tại Hà Nội, các diễn viên vượt qua áp lực ra sao khi đến trường quay?

Khi quay phim, mọi người trong đoàn phim thường động viên nhau cố gắng giữ an toàn nhất có thể. Nếu lỡ có F0 trong đoàn thì ảnh hưởng lớn đến tiến độ quay mà phim có lịch lên sóng rồi. Rất may đoàn bấm được một nửa phim không có xuất hiện ca bệnh F0 nào, thuận lợi cho việc lên sóng. Tuy nhiên, đợt nghỉ Tết Nguyên đán, đoàn nghỉ quay thì có một số trường hợp diễn viên mắc Covid-19. Vì vậy, mọi người vừa làm việc cũng áp lực giữ gìn sức khỏe cho nhau để đẩy đúng tiến độ. Mong muốn là phim gặp được nhiều thuận lợi, suôn sẻ trong chặng cuối phim vẫn đang bấm máy.

Được biết, Nhan Phúc Vinh đang quay 2 phim truyền hình cùng thời điểm. Anh sắp xếp cân bằng lịch quay ra sao?

Hiện phim “Giấc mơ của mẹ” đã quay được một nửa tiến độ của phim, dự kiến hết mùa hè mới quay xong. Để cân bằng lịch quay, khoảng 2 tuần tôi về Sài Gòn quay dự án “Giấc mơ của mẹ” và 2 tuần sau tôi ra Hà Nội quay phim “Anh có phải đàn ông không?”. Khó khăn lớn nhất là thời tiết thay đổi liên tục. Thời tiết Hà Nội ra Tết vẫn có những đợt rét đậm, rét hại. Tôi cũng vài lần sốc nhiệt và bị ốm, nhưng khi nhận dự án nên phải cố gắng hoàn thành.

Có thể nói anh Nhan Phúc Vinh khá có duyên với bối cảnh phim mùa đông ở miền Bắc?

Điều tôi thích nhất khi quay phim miền Bắc vào mùa đông là được phối đồ nhiều hơn. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất là không tính toán, kiểm soát được thời tiết ngày phim phát sóng. Thực tế, mình mặc đồ quá dày, ngày phát sóng trời nắng ấm sẽ không hợp. Trong đó, mặc đồ không đủ ấm, gió mùa lạnh thì ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe, có thể bị cảm lạnh, nghẹt mũi, giọng thoại bị ảnh hưởng. Khó khăn khi làm việc trong thời tiết thay đổi liên tục, đó là lý do khi quay vào mùa đông, tôi thường chuẩn bị nhiều trang phục giữ ấm, áo len cổ lọ bởi mình biết sức khỏe của mình như thế nào, có chịu đựng được hay không nên cứ chuẩn bị an toàn cho bản thân.

Và cách anh giữ gìn sức khỏe chính là thói quen tập thể dục hằng ngày?

Chơi các môn thể thao, bơi lội, chạy, tập gym là sở thích, đam mê của tôi. Thể thao giúp tôi giải phóng năng lượng tích cực. Thời điểm quay phim với cường độ cao, cơ thể mệt mỏi nhưng về nhà tôi vẫn duy trì lịch tập luyện đều đặn để nâng cao sức khỏe và hình thể cho vai diễn của mình.

Nhan Phúc Vinh đổi chiều diễn xuất ấn tượng
Nhan Phúc Vinh và Đan Lê trong một phân cảnh quay

Phim “Anh có phải đàn ông không?” khai thác góc nhìn khá mới mẻ về những người đàn ông thời hiện đại, và ở chặng cuối bi kịch của Tuấn Khang sẽ ra sao?

Hiện khán giả đang cảm nhận nhân vật Tuấn Khang là một anh chàng đào hoa, nhưng là một người tốt tính giúp bạn bè, một người hiểu chuyện khi cư xử với mọi người xung quanh. Những tập tiếp theo, phim sẽ hé lộ lý do nhân vật Tuấn Khang trong quá khứ chịu nhiều biến cố trong gia đình, khiến cho anh ta tổn thương, không tin vào tình yêu, tôn thờ cuộc sống độc thân. Cuối cùng, Tuấn Khang vẫn tìm được một nửa của mình để anh tin vào tình yêu và tình yêu đủ lớn để anh ta thay đổi quan điểm sống của mình.

Sau tình yêu chớp nhoáng với Vy (Quỳnh Kool đóng) thì sự xuất hiện của hai người phụ nữ Trúc Lam (Thanh Hương) và Mai Ngọc (Đan Lê) sẽ thay đổi cuộc sống của một Tuấn Khang như thế nào?

Nhân vật của Thanh Hương không phải là nhân vật Tuấn Khang yêu nhưng tác động rất lớn vào sự nghiệp của anh. Mối quan hệ này khiến cho một người luôn điềm tĩnh trước mọi thứ lại có những phút bốc đồng và làm những chuyện khá ngớ ngẩn, đẩy bạn bè vào tình thế éo le không kém. Còn với Mai Ngọc, mối quan hệ kiểu “oan gia ngõ hẹp”, sẽ có nhiều va chạm, bất đồng về tính cách. Và cuối cùng có sự cảm thông, đồng cảm.

Cảm ơn diễn viên Nhan Phúc Vinh về những chia sẻ!

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động