Thứ sáu 19/04/2024 09:03

Người dân, phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm để vui Tết Trung thu là hình ảnh không đẹp với công tác phòng, chống dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc người dân và phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm của Hà Nội để vui Tết Trung thu trong tối 21-9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Qua việc này cho thấy một số địa phương của Thành phố chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch-Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu.

Chiều 22-9, Sở Chỉ huy Phòng chống dịch Covid-19 TP đã giao ban cùng các sở, ban, ngành và các quận, huyện thị xã, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì buổi giao ban.

Báo cáo tại buổi giao ban, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết: Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn từ 18g ngày 21-9 đến 14g ngày 22-9 Hà Nội có 6 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 1 ca cộng đồng ở Kiến Hưng, Hà Đông còn 5 ca ở khu cách ly. Về việc tiêm vắc-xin, đến 14g ngày 22-9 TP đã tiêm 6.410.075 mũi chiếm 68,6% dân số và chiếm 95,6% dân trên 18 tuổi…

Đại diện Sở Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở được phép kinh doanh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 1 và trả mũi cho người tiêm mũi 1; Rà soát di biến động dân cư để tăng cường xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, ho, sốt, khó thở…

Đại diện CATP thông tin, vào tối 21-9 (trung thu) CATP đã bố trí các lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không cản được nên lượng người qua đường quá đông. Theo Chỉ thị 22 các chốt sát khu dân cư vẫn giữ nguyên nhưng một số nơi đã tháo chốt, vì thế cần duy trì để bảo vệ vùng xanh.

CATP đề nghị các sở, ngành cần tăng cường phối hợp trong việc quét mã QR Code để quản lý người ra vào TP, phải quét mã và truy vết ngay khi có tình huống F0, F1.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tinh thần chỉ đạo của TP tại Chỉ thị 22 đã rõ, phân công cụ thể nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cũng như UBND các quận, huyện, thị xã. Chỉ thị 22 đã có nới lỏng giãn cách một số hoạt động về văn hóa, xã hội trên địa bàn TP chứng tỏ phù hợp với nguyện vọng của người dân, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Tuy nhiên Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng đây cũng là gánh nặng cho ngành y tế, đồng thời với trách nhiệm của các quận, huyện và các sở, ban, ngành sẽ rất lớn. Đề nghị các quận huyện xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện Chỉ thị 22 gửi về Ban chỉ đạo TP gửi về cơ quan thường trực là Sở Y tế để có kế hoạch tiếp theo.

Trong chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm vừa qua có sự phối chặt chẽ, khoa học giữa Sở Y tế và các quận, huyện nhịp nhàng, tạo sự thành công nhất định. Tuy nhiên, sự thành công trong công tác phòng chống dịch gây tâm lý chủ quan, lơ là của người dân. Khi người dân được tiêm chủng vắc-xin, được xét nghiệm diện rộng và thấy TP có nhiều biện pháp nới lỏng các hoạt động xã hội và qua theo dõi các ca F0 trong cộng đồng gần đây thấy giảm nên có sự lơ là, chủ quan khiến công tác phòng chống dịch gặp khó khăn.

“Đặc biệt ngày hôm qua Trung thu người dân ra đường rất nhiều, thậm chí có người không đeo khẩu trang; hay là lại cho trẻ con ra đường, mà Hà Nội chưa có chỉ định tiêm với trẻ dưới 18 tuổi”, bà Trần Thị Nhị Hà bày tỏ.

Người dân, phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm để vui Tết Trung thu là hình ảnh không đẹp với công tác phòng, chống dịch
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận buổi giao ban (ảnh P.C)

Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, việc người dân và phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm của Hà Nội để vui Tết Trung thu trong tối 21-9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Qua việc này cho thấy một số địa phương của Thành phố chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành, xây dựng kế hoạch và triển khai Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, đảm bảo rõ người, rõ việc, trong đó phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Các địa phương cần tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại khu dân cư để nắm tình hình di biến động. Chỉ thị 22 cũng nêu rất rõ, các quận, huyện phải triển khai nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị 22 và cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K, phải có quét mã QRCode, cơ sở nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của tiêm vắc-xin, tránh chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sau khi đã tiêm vắc-xin theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.

Bên cạnh đó phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai đưa phần mềm quản lý xét nghiệm đến 11 quận, huyện còn lại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR Code phục vụ công tác quản lý, truy vết.

Đồng chí cũng đề nghị các địa phương, đơn vị căn cứ Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, tổ chức kiểm tra theo các tiêu chí đảm bảo an toàn đối với từng loại hình đơn vị, công ty, công sở. Các sở, ngành cần cụ thể hóa, tham mưu với Thành phố để hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid đối với từng loại hình, từng ngành nghề trên địa bàn.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động