Nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp |
Vai trò quan trọng của bổ trợ tư pháp trong cải cách tư pháp
Cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trong đó, các hoạt động bổ trợ tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp.
Bổ trợ tư pháp gồm các lĩnh vực: Luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản, tư vấn pháp luật, hành nghề quản lý – thanh lý tài sản, trọng tài thương mại, đăng ký biện pháp bảo đảm, giám định tư pháp, hòa giải thương mại.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội, những năm qua hoạt động bổ trợ tư pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó công chứng, luật sư, giám định tư pháp là những lĩnh vực hoạt động có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, chú trọng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã góp phần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Để nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm khảo sát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật đối với hoạt động bổ trợ tư pháp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bổ trợ tư pháp. Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bổ trợ tư pháp…
Những kết quả đạt được
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến các hoạt động bổ trợ tư pháp. Song, dưới sự chỉ đạo của TP và thực hiện Kế hoạch số 02/KH-STP ngày 05-01-2021 về công tác năm 2021 của Sở Tư pháp Hà Nội, Phòng quản lý các hoạt động bộ trợ tư pháp đã đạt kết quả tốt.
Theo đó, lĩnh vực công chứng trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng với 445 công chứng viên hành nghề.
Trong năm 2021, 122 tổ chức hành nghề công chứng đã ký 457.167 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 3.575.737 bản sao; chứng thực chữ ký được 65.765 việc; thu hơn 253 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31-10-2021, tổng số tổ chức hành nghề luật sư là 1.440 tổ chức với 4.768 luật sư hành nghề. Cũng tính đến thời điểm này, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện xong: 4.926 việc, trong đó: 394 việc tố tụng, 4.054 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác và 478 việc trợ giúp pháp lý, doanh thu gần 722 tỷ đồng, nộp thuế gần 185 tỷ đồng.
Hoạt động thừa phát lại, hiện TP có 08 Văn phòng thừa phát lại với 80 thừa phát lại đang hành nghề, từ 01-01-2021 đến 31-10-2021, các Văn phòng đã thực hiện: Tống đạt 61.046 văn bản (của cơ quan tòa án), doanh thu trên 3,3 tỷ đồng. Lập 10.714 vi bằng, doanh thu hơn 11 tỷ đồng.
Lĩnh vực đấu giá tài sản, đến ngày 31-10-2021, TP có 112 DN, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản, trong đó có 01 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp, với trên 250 giá viên, trong đó Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản có 09 đấu giá viên.
Trong năm, các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện 3.777 cuộc đấu giá, 2.071 cuộc đấu giá thành (trong đó có 665 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất); tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá trên 8.868,9 tỷ đồng, giá bán tài sản đạt trên 12.411,28 tỷ đồng; thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được trên 51,72 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 4,74 tỷ đồng.
Về tư vấn pháp luật, năm 2021, Phòng quản lý hoạt động bổ trợ tư pháp tham mưu cấp 02 Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; cấp thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động cho 10 lượt Trung tâm tư vấn pháp luật và cấp thẻ tư vấn viên pháp luật cho 20 trường hợp. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 37 Trung tâm tư vấn pháp luật.
Họat động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, Phòng đã tham mưu đăng ký hoạt động hành nghề quản lý thanh lý tài sản với tư cách cá nhân cho 03 trường hợp. Đến nay, trên địa bàn TP có 09 DN hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với 33 quản tài viên và 64 quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.
Lĩnh vực trọng tài thương mại, thành phố hiện có 10 Trung tâm trọng tài thương mại, 01 chi nhánh. Lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, năm 2021, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội và các Chi nhánh đã thụ lý về đăng ký biện pháp bảo đảm 120.617 việc, đã giải quyết được 120.113 việc.
Về hoạt động giám định tư pháp, năm 2021, các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn TP đã thực hiện giám định tư pháp 12.016 vụ việc, trong đó 11.101 việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, 868 việc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.
Trong năm 2021, họat động hòa giải thương mại đã thực hiện việc thông báo ghi tên và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở danh sách Hòa giải viên thương mại vụ việc đối với 02 cá nhân. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố có 08 Trung tâm hòa giải thương mại với 67 hòa giải viên và 94 hòa giải viên thương mại vụ việc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại