Nam thanh niên tự đốt xe của mình khi vi phạm giao thông có thể bị xử lý hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐội CSGT - Trật tự CATP Hải Dương cho biết, cơ quan chức năng điều tra đang xử lý hành vi đốt xe máy của nam thanh niên sau khi vi phạm Luật giao thông đường bộ. Cụ thể, vào khoảng 15h20 ngày 8-1 tại đường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, tổ công tác thuộc Đội CSGT - Trật tự CATP Hải Dương phát hiện Hoàng Văn Trung, SN 1981, ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương điều khiển xe môtô mang BKS 34B1-987.80 vi phạm các lỗi vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu bên trái nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, Trung không hợp tác mà còn rút bật lửa ra đốt xe máy ngay trước mặt lực lượng chức năng. Chỉ ít phút sau, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn chiếc xe. Tổ công tác đã mời CQĐT và tổ kỹ thuật hình sự ra hiện trường lập biên bản vụ việc, đồng thời đưa Trung về trụ sở CATP Hải Dương để lấy lời khai, xử lý theo quy định.
Chiếc xe máy bị Trung đốt cháy |
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá (Cty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật dân sự mọi người đều có quyền tự định đoạt về tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, hành động đốt xe của Hoàng Văn Trung được xem là hành vi xâm hại đến trật tự công cộng và có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định, hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS năm 2015.
Đặc biệt, hành vi đốt xe của người điều khiển, sau khi có lệnh tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm hành chính là có dấu hiệu của hành vi “cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của chính phủ với mức xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tại thời điểm vi phạm, phương tiện là tang vật và là cơ sở để lực lượng CSGT có thể tiến hành lập biên bản sự việc vi phạm hoặc tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm. Do đó, hành vi đốt xe của Hoàng Văn Trung đã trực tiếp gây cản trở cho người đang thi hành nhiệm vụ nên có thể khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 BLHS.
“Theo đó, tại Khoản 1 điều 257 BLHS quy định, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Phạm Quang Xá nhấn mạnh.
Ngoài việc tự ý đốt xe, luật sư Phạm Quang Xá nhận định thêm, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người vi phạm thì không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm liên quan đến tài sản bị hủy hoại. Tuy nhiên, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người khác, đối tượng sử dụng do đi mượn, hoặc thuê, trị giá thiệt hại trên 2 triệu đồng thì còn có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 BLHS.
Theo luật sư Phạm Quang Xá, việc tự ý đốt cháy xe của người vi phạm luật giao thông đường bộ, chưa kể gây cản trở đến quá trình thực thi pháp luật của lực lượng chức năng, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nếu không xử lý kịp thời, hành động đốt xe nơi công cộng có thể gây ra nhiều hệ lụy hoả hoạn, cháy nổ tài sản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của những người xung quanh.
“Nếu như trong trường hợp Hoàng Văn Trung còn có hành vi lăng mạ, xúc phạm lực lượng CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ, thì cơ quan chức năng sẽ xem xét toàn diện về thái độ của người vi phạm và các mặt như nguyên nhân sự việc, hành vi vi phạm, hậu quả gây ra cho xã hội, tính chất nghiêm trọng của vụ việc... để từ đó có thể quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng”, luật sư Phạm Quang Xá nêu quan điểm.
Hiện vụ việc đang được CATP Hải Dương tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Vượt đèn đỏ bị CSGT kiểm tra, người đàn ông tự châm lửa đốt xe |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại