Món “đặc sản” để giữ chân độc giả
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTác phẩm đồ họa đa dạng
Cách đây vài năm, một đồng nghiệp ở báo Tiền Phong đã chia sẻ cho tôi đường link một tác phẩm E-Magazine báo chí với sự sáng tạo trong trình bày, xử lý thông tin rất bắt mắt. Thời điểm đó, với tôi tác phẩm E-Magazine là một điều mới lạ, bởi thể loại này cần sự đầu tư lớn về nhân lực, công nghệ, thời gian, chi phí. Để hoàn thiện một tác phẩm E-Magazine cần một tuần, có khi cả tháng. Trong dạng bài đặc biệt này, ngoài ý tưởng kịch bản, thì việc khó nhất chính là công nghệ, các coder sẽ phải viết nhiều lệnh, thực hiện nhiều giao thức khác nhau, trên html 5 hoặc html 6, xây dựng trên cơ sở CSS (mã nguồn mở) để độc giả có thể tiếp cận sản phẩm tin bài này trên nhiều thiết bị khác nhau.
Để tiếp cận với cách làm mới sao cho hoàn thiện, lãnh đạo Pháp luật và Xã hội đã quyết định cử tôi và PV Khánh Huy tham gia lớp tập huấn của Hội Nhà báo Hà Nội để có thể định hình một cách làm bài bản hơn so với những gì tự học và tìm hiểu từ các báo khác, kiến thức về E-Magazine hạn hẹp và “chắp vá”!
Sau đề xuất xin ý kiến của Ban Biên tập, ê-kíp lập nhóm gồm 1 biên tập viên chính, 2 PV, 1 họa sĩ và 1 người dựng cod bắt tay vào khâu chuẩn bị phân kỳ, biên tập, chuyển duyệt, thiết kế đồ họa, dựng video clip... Trước khi sản phẩm lên giao diện, còn trải qua một bước góp ý của Ban Biên tập với toàn ê-kíp. Sản phẩm đầu tay của chúng tôi là chủ đề về Trường Sa. Sau khi đăng lên “fanpage”, nhận được sự quan tâm nhiệt tình của độc giả. Đó là ấn tượng tốt cho một sản phẩm E-Magazine đầu tay.
Họa sĩ thực hiện đồ họa cho tác phẩm E-Magazine. Ảnh: Đình Tuệ |
Sau những những tác phẩm đầu tiên, Pháp luật và Xã hội có thêm phần thiết kế bản riêng biệt cho giao diện mobile, đáp ứng nhu cầu bạn đọc khi họ trải nghiệm dựa trên thiết bị nền tảng di động như điện thoại thông minh hay máy tính bảng ngày một nhiều. Ngoài ra, tôi cùng ê-kíp cũng tham khảo, nghiên cứu thêm cách trình bày của những tờ báo đã có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế E-Magazine như Zing, Lao Động, Tiền Phong…
“Chìa khóa” của tương lai
Chị Đỗ Thị Phương Hoa, Thư ký tòa soạn Ban Pháp luật và Xã hội cho biết, mỗi một tác phẩm E-Magazine là một tác phẩm đồ họa đa dạng khác nhau, ở đó người xem không bị “làm phiền” bởi quảng cáo, được trải nghiệm hình ảnh đẹp, thiết kế trau chuốt. Để có một sản phẩm hoàn tất cần thời gian và phối hợp ăn ý cùng toàn bộ ê-kíp. Hình thức trình bày dạng bài E-Magazine rất quan trọng, thế nên họa sĩ chính là người “vẽ áo”, tạo nên sức hấp dẫn và sự ấn tượng cho các bài viết dạng E-Magazine. Cụ thể, mỗi một nhân vật, một câu chuyện khác nhau sẽ có cách trình bày, thiết kế khác nhau. Cách trình bày, thiết kế đòi hỏi phải logic, thống nhất, phải làm bật được chủ đề của tác phẩm và tạo dựng được phong cách cũng như cá tính cho tác phẩm đó thì mới có thể thu hút độc giả”, chị Phương Hoa chia sẻ.
Sau tác phẩm đầu tay “Trường Sa: Dáng hình quê hương giữa trùng khơi” , tôi cùng ê-kíp tiếp tục triển khai nhiều bài đơn và bài dài kỳ dưới dạng E-Magazine như “Chiến dịch startup và người đồng hành: Những mối lương duyên khó đo đếm giá trị”, “Chứng nhân lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên”… Các tác phẩm này cũng được gửi đi dự thi ở các cuộc thi báo chí của TP và Trung ương.
Hiện, hầu hết các bài viết của mục “MULTIMEDIA” trên ấn phẩm điện tử điện tử Pháp luật và Xã hội đều là những sản phẩm E-Magazine được đầu tư bài bản. Những nhân vật được mời tham gia trải nghiệm đều là những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực của họ hoặc có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội. Họ có thể là một diễn viên, một ca sĩ, chính trị gia, cũng có thể là một nông dân hàng ngày cần mẫn trên cánh đồng, trang trại của mình. Mỗi người một câu chuyện, qua những cuộc trò chuyện ấy, chân dung của họ hiện ra một cách sắc nét. Nhiệm vụ của họa sĩ thiết kế ấy là giúp chân dung của họ trở nên chân thực, gần gũi, đúng với con người của họ hơn qua những câu chuyện mà họ kể.
Với sự quan tâm của độc giả dành cho những tác phẩm E-Magazine đã thể hiện thế mạnh của ấn phẩm điện tử Pháp luật và Xã hội trong xu thế làm báo hiện nay. Đó là động lực để tôi tiếp tục tìm tòi, đầu tư cho các đề tài chất lượng mang đến những sản phẩm có tính mỹ thuật vừa hay phục vụ bạn đọc trong thời gian tới.
“Thật ra dựng một tác phẩm E-Magazine hiện nay đều có sẵn app, widget để các PV sản xuất bài, tuy nhiên thiếu thiết kế nội dung sẽ chỉ là một bài viết dài, không có yếu tố mỹ thuật để thu hút độc giả. Tuy nhiên khâu quan trọng nhất vẫn là làm nội dung. Người họa sĩ sẽ đóng vai trò gần giống như đầu bếp, sử dụng nội dung như nguyên liệu để chế biến. Bài E-Magazine có “ngon” hay dở thì sẽ nhờ tay hoạ sĩ lúc này. Ngoài việc thiết kế đẹp, bắt mắt thì bản thân nhân vật được phỏng vấn, câu chuyện được truyền tải trong tác phẩm E-Magazine cũng phải hấp dẫn thì bài báo mới chạm đến trái tim độc giả”, PV Khánh Huy chia sẻ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại