Mô hình "Cầu thang pháp luật”: Thực tế đã chứng minh đây là mô hình có nhiều ưu điểm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh hội thảo |
“Cầu thang pháp luật” đã phát huy tốt vai trò phổ biến, giáo dục pháp luật
Mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Đánh giá hiệu quả mô hình “Cầu thang pháp luật” và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, trong thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua thiết bị điện tử tại các tòa nhà chung cư và màn hình led theo mô hình “Cầu thang pháp luật". Các nội dung tuyên truyền pháp luật về giao thông, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phòng, chống tác hại của rượu bia, môi trường, phòng chống cháy nổ... được xây dựng dưới dạng video, infographic.
Đây được coi là hình thức, giải pháp tuyên truyền hiệu quả, tích hợp vào đó là việc thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật tới người dân được nhanh nhất và đạt hiệu quả cao, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng và phức tạp.
Đồng tình với đánh giá của lãnh đạo Sở Tư pháp, Phó trưởng phòng Tư pháp quận Thanh Xuân Vũ Thị Thu Thủy cho biết, đây là mô hình dựa trên cơ sở khai thác ưu thế của công nghệ thông tin. Sau hơn 2 năm triển khai tuyên truyền qua mô hình “Cầu thang pháp luật” cho thấy mô hình này cũng đã phát huy được những kết quả nhất định, đã thu hút sự chú ý và tác động trực tiếp đến đại bộ phận các cư dân sinh sống tại các khu chung cư thuộc nhiều nhóm lứa tuổi khác nhau, được người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt thời điểm khi tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp thì mô hình này phát huy hiệu quả tối đa thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo thích ứng kịp thời. Nội dung video tuyên truyền gần gũi, thiết thực với các lĩnh vực gắn liền đời sống hàng ngày của người dân…
Cùng nhận định trên, đại diện quận Hoàng Mai cho biết, với số dân đông và tập trung rất nhiều nhà chung cư, nên việc triển khai mô hình “Cầu thang pháp luật” tương đối hiệu quả. Đặc biệt trong các năm 2020, 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp được thay bằng tuyên truyền qua các màn hình quảng cáo tại cầu thang máy các tòa nhà chung cư, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trên mạng xã hội zalo, facebook cũng như trên cổng thông tin điện tử quận được thực hiện thường xuyên.
Qua đó, Nhân dân đã nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhờ có các kênh thông tin tuyên truyền này, quận đã thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; thành công trong công tác GPMB các dự án trên địa bàn quận, đa số các hộ gia đình, cá nhân có đất tại các dự án thu hồi đất đều chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng, rất ít trường hợp phải cưỡng chế thu hồi đất như Dự án tuyến đường phía Đông, Dự án đường 2, 5…
“Cầu thang pháp luật” đã phát huy tốt vai trò phổ biến, giáo dục pháp luật |
Khó khăn do kinh phí cho mô hình quá lớn
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình này cũng nảy sinh những bất cập. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, với các khu nhà tập thể, chung cư thuộc sở hữu Nhà nước do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà quản lý, hiện trạng hầu hết các khu tập thể, chung cư này xuống cấp, có nơi xuống cấp nghiêm trọng, không có thang máy. Vậy nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo mô hình trên chưa thực hiện được và rất khó thực hiện do kinh phí không có, hạ tầng xuống cấp, không có Ban quản lý, thường chỉ thông qua tổ dân phố.
Bên cạnh đó, ở các chung cư thương mại, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa thực hiện được do thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư dự án hoặc do chủ đầu tư tự quyết định.
Còn theo đại diện quận Thanh Xuân, đơn vị này cho rằng nguồn tài liệu được cấp là đĩa video nhưng thiết bị điện tử trong thang máy tại các tòa nhà chỉ sử dụng khe cắm USB nên không phát được đĩa video, Ban quản lý chung cư phải thực hiện sao chép đĩa video sang USB gây mất thời gian và không thuận tiện.
Cũng tương tự như ý kiến của Sở Xây dựng, đại diện quận Long Biên cho rằng, việc truyền tải nội dung tuyên truyền của nhiều văn bản Luật còn hạn chế; cách thức biên tập, xây dựng video cũng gặp nhiều khó khăn; kinh phí cho hình thức tuyên truyền này lớn.
Các tòa nhà chung cư lớn hầu hết đều do các tập đoàn, công ty lớn là chủ đầu tư nên việc UBND phường phối hợp thực hiện mô hình tương đối khó do các tập đoàn, công ty không chịu sự quản lý của UBND phường. Mặt khác, các màn hình led tại các thang máy của nhà chung cư đều phục vụ cho mục đích kinh doanh quảng cáo nên việc dừng để phát các nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ ảnh hưởng đến thời lượng và nguồn thu của đơn vị chủ quản nên ít được chào đón.
Đặc biệt với quận Ba Đình, đơn vị này cho biết cư dân tại nhiều chung cư là người nước ngoài thuê nên việc tuyên truyền theo mô hình này cho đối tượng người nước ngoài là chưa phù hợp.
Góp ý giải pháp cho mô hình này tiếp tục hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, nên linh động cho từng khối nhà. Đơn cử như với nhà tập thể thuộc sở hữu Nhà nước, do thực tế, thay đổi hình thức tuyên truyền bằng các hình thức khác không phải tuyên truyền qua màn hình led.
Với các chung cư thương mại, UBND thành phố cần nghiên cứu, xây dựng quy định bắt buộc các chủ đầu tư, Ban quản lý tòa nhà phải thực hiện tuyên truyền pháp luật theo mô hình thiết bị điện tử, có chế tài xử lý nếu không thực hiện khi các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra.
Phát huy thế mạnh tuyên truyền pháp luật theo mô hình “Cầu thang pháp luật” | |
Nhân rộng nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật hiệu quả | |
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên thanh niên |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại