Thứ bảy 04/05/2024 12:50

Mở cửa thị trường là "cỗ máy trợ thở " lớn nhất cho nền kinh tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
100 ngày còn lại của năm 2021 chính là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam.

Đó là đánh giá của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022” diễn ra sáng 1-10.

Giảm tăng trưởng ở các ngành quan trọng

Đánh giá bức tranh kinh tế Việt Nam dưới tác động của Covid-19, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường chính sách công và Quản lý Fullbright, cho rằng đợt dịch thứ 4 đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng mạnh.

Theo ông Thành, 9 tháng đầu năm nay GDP của Việt Nam đạt 1,42%, riêng trong quý III - 2021, GDP âm 6,17%. Các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, xây dựng, thương mại, vận tải, thủy sản đều giảm trong quý III. Doanh số bán lẻ và dịch vụ giảm mạnh trong suốt cả 3 tháng của quý III - 2021, trong đó, tháng 8 - 2021 có mức giảm mạnh nhất âm 33,7%. Công nghiệp tăng trưởng tốt cho đến tháng 5, chậm lại vào tháng 6, không có tăng trưởng trong tháng 7, giảm mạnh vào tháng 8 và 9 - 2021.

Sản xuất công nghiệp các tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng) phục hồi, nhưng suy giảm mạnh ở TP.Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Xuất khẩu tăng chậm lại vào tháng 7, đến tháng 8 và 9 đã giảm so với cùng kỳ. Hàng truyền thống thâm dụng lao động (may mặc, giày dép), nội thất và thủy sản giảm mạnh vào tháng 9-2021. Lần lượt là - 18,6%, -44,2%, -35,3%, -26,8%.

Mở cửa thị trường là
Hội thảo và các khách mời

Đề cập tới thách thức đặt ra trong quý IV - 2021 ông Thành nhấn mạnh, các tập đoàn đa quốc gia sẽ chuyển đơn hàng sản xuất cho dịp lễ cuối năm từ Việt Nam sang các nền kinh tế khác nếu Việt Nam không thích ứng và mở cửa bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh thách thức trên vẫn có những yếu tố thuận lợi cho Việt Nam như tất cả các thị trường xuất khẩu chính yếu đều có tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm 2021.

Mở cửa để đẩy mạnh tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Xuân Thành để nền kinh tế phục hồi trong quý IV - 2021 và tăng trưởng trong năm 2022, cần mở cửa kinh tế từ đầu tháng 10. Nếu kịch bản mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10 thì tăng trưởng quý IV - 2021 khả năng sẽ tăng 3,5% và tăng trưởng cả năm 2021 sẽ là 2,1%.

Kinh tế quý IV phục hồi thì chỉ còn nhờ vào lộ trình mở cửa từng bước như: DN sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động khi công nhân quay trở lại làm việc đã tiêm được một liều vaccine, chưa tiêm thì xét nghiệm định kỳ đối với nhóm nguy cơ cao; không tiếp xúc trực tiếp giữa các tổ, dây chuyền sản xuất; ca dương tính xuất hiện ở khâu nào thì chỉ khoanh vùng xử lý ở khâu đó chứ không nên đóng cửa cả DN.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá, 100 ngày còn lại của năm 2021 chính là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam. Hiện tại, các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi trở lại và đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng, trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng. Điều này dẫn tới nguy cơ Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp trong tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mở cửa thị trường là

Mở cửa thích ứng an toàn từ đầu tháng 10, kinh tế có thể tăng 2,1%

Chính vì thế: “Mở cửa là con đường không thể nào khác được. Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn và hiện chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế nhờ việc kiểm soát khá tốt bệnh dịch”

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ DN tái khởi động và phục hồi, TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị cần triển khai 5 mũi giáp công, cụ thể:

Trước hết là mở cửa thị trường - đây là cỗ máy trợ thở lớn nhất cho DN và nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay; Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính. Đây là thời cơ tốt cho sự đồng thuận, chung tay, đẩy nhanh cải cách;

Thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh. Hiện dư địa của chính sách tài khoá vẫn còn lớn trong khi chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa. Các biện pháp hỗ trợ không chỉ cứu các DN khó khăn mà còn nhằm thúc đẩy các ngành và DN có tiềm năng phát triển.

Triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng DN đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Cuối cùng, tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho DN.

Ông Võ Tân Thành Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh “bình thường mới”, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nổ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp DN sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.

Đăng Quý
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động