Thứ sáu 22/11/2024 22:35

Hỗ trợ tổ chức kinh doanh tạo tác động từ góc nhìn của doanh nghiệp lớn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước các thách thức về biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và đặc biệt là thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc, thì doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) đã trở thành “chìa khóa” giúp các doanh nghiệp lớn giải bài toán này.
SIB -  “chìa khóa” thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững

Các gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống độc đáo của doanh nghiệp SIB tại SIB Connect 2023. Ảnh: M.Miên

Theo nghiên cứu mới nhất trong Sách trắng về các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam năm 2023 (Dự án ISEE-COVID, DEPOCEN) nước ta có khoảng 26.000 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội, chỉ chiếm 3% trên tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, nhưng lại là một trong những nhân tố chủ chốt giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tính cân bằng các mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại đã cho phép SIB giải quyết các thách thức xã hội và môi trường thông qua các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm làm từ thiên nhiên độc đáo, đầy tính sáng tạo. Đồng thời, tạo ra một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh trong triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, khiến họ ngày càng chú trọng vào chiến lược phát triển bền vững hướng đến tương lai “xanh”, giảm thiểu tác động đối với môi trường. Các mô hình kinh doanh mới cũng được xây dựng để đáp ứng mục tiêu kép về kinh doanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tiên phong đã dần “dấn thân” sâu hơn vào hệ sinh thái SIB, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, từ đó mở ra vô vàn cơ hội liên kết, hợp tác dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ này.

Tuy nhiên, để có thể thành công tiếp cận và nhận được cái “bắt tay” đầu tư từ các nguồn lực lớn thì mỗi SIB phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định, phù hợp với các tiêu chuẩn và giá trị mà những doanh nghiệp lớn đề ra, bao gồm: nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, cải thiện cơ chế vận hành, đẩy mạnh truyền thông cho thương hiệu và xây dựng được hình ảnh thương hiệu tin cậy, uy tín đối với khách hàng. Đây đều là những bài toán nan giải mà các SIB phải đối mặt khi đứng trước ngưỡng cửa liên thông với mạng lưới các doanh nghiệp tiên phong, đòi hỏi mỗi tổ chức SIB phải xây dựng phương hướng phát triển phù hợp để thu hút các đơn vị có tiềm lực đầu tư vào doanh nghiệp của mình.

Chia sẻ góc nhìn thực tế dưới vai trò là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới với hơn 400 nhãn hàng có mặt tại 190 quốc gia, bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông - Đối ngoại và Phát triển bền vững, Unilever Việt Nam cho biết: “Unilever luôn hy vọng có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái SIB tại Việt Nam, cụ thể là thông qua việc hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái này. Tuy nhiên, để các SIB có thể tiếp cận được với những doanh nghiệp như Unilever và ngược lại thì chính các SIB cũng cần nâng cao và hoàn thiện chính mình, đồng thời xây dựng mạng lưới liên kết rộng rãi hơn thông qua truyền thông đa nền tảng, từ đó rút ngắn khoảng cách với nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tiên phong”.

Để tìm ra những giải pháp thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tiên phong vào hệ sinh thái SIB, hàng trăm tổ chức SIB, cơ quan chính phủ, nhà đầu tư, cùng các đơn vị hỗ trợ đã góp mặt tại phiên thảo luận của SIB Connect 2023 - Ngày hội hàng năm của Hệ sinh thái SIB. Cụ thể, phiên thảo luận đã đưa ra 3 giải pháp lớn, bao gồm các giải pháp về truyền thông, huy động nguồn lực và câu chuyện nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đầu vào của các doanh nghiệp lớn.

Trước thực tế các SIB tiềm năng phải đối mặt với “nỗi đau nhức nhối” trong công tác truyền thông - marketing, có sản phẩm nhưng không được công chúng biết đến, không tìm kiếm được đối tác phù hợp, bà Đỗ Thị Hải Đăng - Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Lê Và Anh Em, đã chỉ ra những khác biệt đáng lưu tâm giữa hoạt động truyền thông của SIB và các doanh nghiệp lớn, đó là tính hạn chế trong nguồn lực, chi phí và sự kết nối. “Hãy tận dụng tối ưu nguồn lực nội bộ để làm truyền thông, hướng tới phương pháp truyền thông thông minh mà không cần trả phí, đồng thời củng cố, xây dựng những mạng lưới chia sẻ giá trị giữa con người với con người để kết nối lâu bền với các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp lớn”, bà Đỗ Thị Hải Đăng chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng cho rằng các SIB cần kết nối cộng đồng, khai thác tiềm năng để huy động được nguồn lực lớn mạnh từ nhóm các doanh nghiệp lớn tham gia vào hệ sinh thái SIB. Bà khẳng định, BSA và Hội hàng Việt Nam Chất lượng cao sẵn sàng đồng hành, phát hiện và ươm mầm cộng đồng doanh nông trẻ thông qua các hoạt động tư vấn, huấn luyện, xúc tiến thương mại, các cuộc thi “Khởi nghiệp xanh”, Start-up Tour, Study Tour cùng nhiều chương trình khác.

SIB -  “chìa khóa” thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững
Đại diện các tổ chức SIB chia sẻ bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp. Ảnh: M.Miên

Với vai trò là một doanh nghiệp SIB đã thành công trên thị trường trong nước và quốc tế, bà Lisa Huyền - Tổng Giám đốc Công ty Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) cũng đưa ra lời khuyên cho các SIB trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo nguồn cung ứng về sản lượng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lớn thông qua câu chuyện thực tế về chặng đường 10 năm của Vinasamex. “Không ngừng nâng cấp chất lượng sản phẩm, nâng cao sản lượng và nâng cấp lãnh đạo, đồng thời xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các kênh khác nhau là chìa khóa để doanh nghiệp SIB tiếp cận với những “ông lớn” trên thị trường”, bà Huyền Lisa chia sẻ.

Có thể thấy rằng, sự tương tác giữa các SIB và các doanh nghiệp tiên phong đã góp phần tạo nên một hệ sinh thái SIB năng động, mang lại nhiều giá trị cho chính doanh nghiệp và cho toàn xã hội. Thông qua những giải pháp được thảo luận tại SIB Connect 2023, thời gian tới, các SIB cần xác định phương hướng triển khai và tận dụng thời cơ để kết nối với những nguồn lực lớn mạnh, từ đó khai phá tiềm năng doanh nghiệp, tiếp tục duy trì triển khai mục tiêu kép của một tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội, cân bằng giữa tạo ra lợi nhuận và đồng thời tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường.

Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (ISEE-COVID), được tài trợ bởi Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada (GAC), và được đồng thực hiện bởi UNDP và Cục phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án ISEE COVID có mục tiêu tổng thể: (i) nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,...; (ii) Nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; (iii) Tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, góp phần đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP trong 4 tháng đầu năm Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP trong 4 tháng đầu năm
M.Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động