Thứ sáu 22/11/2024 04:11

Doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng quý II sẽ ổn định hoặc tốt hơn quý I

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo “Điều tra xu hướng sản xuất-kinh doanh hằng quý.” Theo đó, nhìn chung các doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng đánh giá tình hình của quý II/2024 sẽ khả quan hơn so với quý I/2024.
Doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng quý II sẽ ổn định hoặc tốt hơn quý I
Báo cáo cho thấy, 82% DN kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh quý II sẽ tốt hơn hoặc giữ ổn định, 18% DN còn lại đánh giá có thể khó khăn hơn. Ảnh minh họa.

Theo đó, 82% DN kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh quý II sẽ tốt hơn hoặc giữ ổn định, 18% DN còn lại đánh giá có thể khó khăn hơn. Trên thực tế, nhiều DN này chia sẻ hoạt động sản xuất kinh doanh quý I của họ khó khăn hơn quý IV/2023. Trong đó, 22% DN cho biết hoạt động tốt hơn, 42,8% giữ ổn định và 35% DN gặp khó khăn.

Về chỉ số cân bằng chung (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm), xu hướng sản xuất kinh doanh quý I so với quý IV/2023 đã âm 13% (trong đó 22% DN cho biết tốt hơn và 35% DN chia sẻ khó khăn).

Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực DN FDI âm 7,8% (24% tốt hơn và 32% khó khăn), khu vực DN Nhà nước âm 11% (25% tốt hơn, 36% khó khăn hơn), khu vực DN ngoài Nhà nước âm 15,5% (21% tốt hơn, 36% khó khăn).

Tuy nhiên, các DN vẫn tin tưởng sang quý II sẽ lạc quan hơn. Theo đó, chỉ số cân bằng chung quý II so với quý I là 27,4%, trong đó 45% DN dự báo tốt hơn, 18% DN cho rằng sẽ khó khăn.

Báo cáo cho biết, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các quý tiếp theo, các DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng kiến nghị như: tạo cơ hội để các DN được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới; hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao vai trò của các ngành nghề trong xã hội, từ đó nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề và lao động tay nghề cao.

Đồng thời, có các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa; có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các DN.

Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các DN, nhà thầu xây dựng cũng mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát giá, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tránh sự độc quyền về nguồn cung dẫn đến tăng giá để hoạt động xây dựng của DN không bị ảnh hưởng. Đồng thời, DN mong muốn giảm bớt điều kiện vay vốn, thủ tục vay vốn để có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi.

Đặc biệt, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, TP nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian; nhanh chóng thanh quyết toán nợ đọng, được giải ngân vốn, tạm ứng vốn đúng kỳ hạn để thanh toán nợ lương cho người lao động.

Báo cáo “Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý” lấy ý kiến 6.500 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.405 DN ngành xây dựng được chọn mẫu điều tra, đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong kỳ điều tra quý I/2024 là 5.751 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trả lời (chiếm 88,5% số DN được chọn mẫu điều tra) và 6.018 DN ngành xây dựng trả lời (chiếm 94,0% số DN được chọn mẫu điều tra).

Việt Nam chuyển sang giai đoạn tăng trưởng dựa vào hiệu quả và năng suất
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng
Hà Nội: Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số IIP 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động