Dồi dào việc làm cho người lao động ngay sau Tết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự báo của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội, quý 1/2024, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tuyển dụng khoảng 100 nghìn lao động. Ảnh: Khánh Huy |
Ngành nghề nào có nhu cầu tăng việc làm?
Thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngay những ngày đầu năm, không khí sản xuất tại các nhà máy đã trở nên sôi động. Tại những DN thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, người lao động trở lại nhà máy làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ tương đối cao.
Theo ghi nhận, lao động trở lại làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ trên 97%, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%, đây là điểm khác biệt tại các DN năm nay so với mọi năm. Một số DN còn tăng ca, tuyển thêm lao động để kịp hoàn thiện đơn hàng ngay trong những ngày đầu năm này.
Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy nhu cầu thị trường lao động trong quý 1/2024 là 51,7 triệu người, tăng 217.000 người so với quý trước. Ba ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.
Với nhu cầu việc làm cao tại các địa phương, hoạt động tuyển dụng đang diễn ra rộng khắp tại các nhà máy, khu công nghiệp, thậm chí là cả nhà ga, bến xe. Các DN đều khẩn trương tuyển lao động với nhiều chế độ hấp dẫn.
Nộp hồ sơ, vào phỏng vấn, thi tay nghề, tất cả diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong 1 giờ đồng hồ là người lao động biết mình nhận việc hay không. Các DN áp dụng phương pháp tuyển gối đầu trong cả tuần, hôm nay đi xin việc, ngày mai vào làm.
Các DN cho biết, do năm nay công nhân ít tâm lý nhảy việc nên ứng viên không dễ tuyển như mọi năm. DN phải thực hiện nhiều chính sách đặc biệt để mời gọi công nhân.
Người lao động vốn được ví như "xương sống" của ngành sản xuất. Những tín hiệu tích cực trên thị trường lao động đầu năm cũng phần nào giúp chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tháng tăng trưởng hơn 18% so với cùng kỳ. Làm tiền đề thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa trong những tháng tiếp theo của năm.
Công nhân tại Công ty cổ phần sữa Ba Vì. Ảnh: Ngô Sơn |
Người lao động cần nâng cao trình độ
Theo các chuyên gia, thị trường lao động sẽ sôi động vào dịp đầu năm. Tuy nhiên, phải tới giữa năm hoặc cuối năm 2024, thị trường lao động mới thực sự tốt lên. Vì vậy, người lao động cần cân nhắc trước khi chuyển việc và phải tự đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ thích ứng với các yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng.
Báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 16/2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã có hơn 80% DN mở cửa trở lại sản xuất với hơn 90% công nhân đã trở lại làm việc. Tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã không còn trong đại đa số người lao động.
Nhiều lao động cho biết, một tuần nghỉ Tết là khoảng thời gian đủ dài để những công nhân xa nhà có được dịp nghỉ Tết vui vẻ, ấm cúng bên người thân. Nghỉ thêm cũng chẳng giải quyết được việc gì nên hầu hết người lao động quay trở lại Hà Nội để đi làm đúng ngày. Giờ công việc và thu nhập rất khó khăn nên công nhân lao động càng trân trọng công việc đang có.
Dự báo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, quý 1/2024, các DN trên địa bàn sẽ tuyển dụng khoảng 100 nghìn lao động. Điều này thể hiện qua việc đăng ký tuyển dụng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Từ giáp Tết đến nay thị trường lao động ở Hà Nội đã trở nên sôi động và đa dạng về phân khúc tuyển dụng. Điều này thể hiện ở các phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội luôn thu hút nhiều DN tham gia tuyển dụng lao động với số lượng lớn để làm việc toàn thời gian và bán thời gian.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, các DN đăng ký tuyển dụng nhân sự qua trung tâm ở nhiều lĩnh vực, nhóm ngành nghề nhưng nhiều nhất là thương mại dịch vụ, bao gồm bán buôn, bán lẻ, du lịch, ăn uống, lưu trú… Tiếp đến, các DN tuyển dụng nhiều lao động cho nhóm ngành nghề công nghệ chế biến - chế tạo để hoàn thành đơn hàng.
Thời điểm này, các công ty vẫn đang có nhu cầu tuyển nhiều nhân sự cho nhóm ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xây dựng, tài chính. Hy vọng thị trường lao động tiếp tục khởi sắc và DN dần ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, đóng góp cho thị trường lao động ngày một tốt hơn.
Báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 cho thấy, dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng, nhưng 59,1% DN cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm khoảng 25% nhân sự trong năm 2024. Dự báo nhu cầu tuyển dụng của các DN có thể lên đến hàng trăm nghìn người trong quý 1/2024. Theo các chuyên gia lao động, thị trường lao động Việt Nam từ đầu năm 2024 đã có sự tiến triển khi nhiều DN có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Đáng chú ý, một số DN cắt giảm nhiều lao động trong thời gian qua cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại. Đây là những tín hiệu cho thấy các chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước tác động tích cực đến thị trường lao động. |
Sẽ tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm lưu động trong năm 2024 | |
Sau Tết, doanh nghiệp 9 tỉnh phía Bắc tuyển dụng hơn 44.000 lao động |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại