Mâm cơm cúng tất niên cần chuẩn bị những gì?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới bất kỳ người Việt Nam nào, mỗi độ Tết đến, xuân về, cảm giác nôn nao, hồi hộp khi được dự bữa cơm cúng tất niên và cùng chờ đợi năm mới với những người thân là một cảm xúc khó quên.
Mâm cơm cúng tất niên
Mâm cơm cúng tất niên không cần quá cầu kỳ, chủ yếu thể hiện được tấm lòng tri ân, biết ơn của người cúng.
Theo lịch âm, năm nay, ngày tất niên là ngày 30 tháng Chạp.
Bữa cơm tất niên ngày cuối năm được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Một mâm cỗ tất niên đơn giản, đầy đủ thường có hương hoa, vàng mã, nến, trầu cau, rượu, bánh chưng và cỗ mặn với các món ăn đặc trưng của ngày Tết.
Hiện nay, mâm cơm cúng tất niên ở miền Bắc thường là 4 bát, 4 đĩa; cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. 4 bát, 4 đĩa gồm: bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc; 4 đĩa gồm: đĩa thịt gà, đĩa thịt heo, đĩa giò lụa, đĩa chả quế.
Mâm cơm tất niên miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua…
Mâm cỗ tất niên miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò…
Mỗi gia đình bày trí mâm lễ cúng một khác, tuy vậy cỗ cúng (mặn hay chay) nên đặt ở dưới bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Các gia đình cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính.
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được.
Hoa quả xanh, hoa quả giả (bằng nhựa) bạn không được dùng cúng gia tiên. Đĩa/mâm ngũ quả không đặt trước chính giữa bát hương, nên để ở hai bên.
Hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, cần phải hoa tươi chứ không dùng hoa giả, hoa nhựa.
Trong bữa cơm tất niên, các thành viên nên có mặt đông đủ, nói những chuyện vui trong năm hay những dự định năm mới, động viên nhau vươn lên, nỗ lực hơn, tạo một bầu không khí đầm ấm, hòa thuận.
Diệu Bình / vietnamnet
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại