Chủ nhật 21/07/2024 15:22

Luật sư đồng hành cùng báo chí bảo vệ quyền lợi người yếu thế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong các giai đoạn lịch sử, luật sư và báo chí luôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình; giữa luật sư và báo chí cũng có một số những điểm tương đồng.
Chú thích: Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Minh Long Ảnh: bảo nam
Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Minh Long. Ảnh: Bảo Nam

Hỗ trợ nhau bảo vệ người yếu thế

Trong đó, luật sư cùng những kiến thức pháp luật quý giá song hành cùng báo chí là công cụ truyền thông tin hiệu quả, là lực lượng quan trọng để thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, giúp phát triển kinh tế cùng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó còn được ghi nhận tại Quyết định số 68/QĐ - HĐLSTQ ngày 20/7/2011 của Hội đồng Luật sư toàn quốc có quy định mối quan hệ giữa luật sư với các cơ quan thông tin đại chúng như sau: “Luật sư cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội”.

Với tính chất đặc thù của nghề luật sư, luật sư có thể cung cấp cho báo chí những thông tin tức thời, thông tin nóng, đa dạng về mọi mặt của đời sống xã hội; đồng thời nêu lên những quan điểm, ý kiến, đánh giá về một sự việc dưới góc nhìn pháp lý và đưa ra những kiến nghị, khuyến cáo, góp phần không nhỏ vào công cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Ngoài ra, báo chí và luật sư luôn hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ những người yếu thế, góp phần làm sáng tỏ sự thật. Nhiều trường hợp, nhiều người bị oan sai được luật sư luôn đồng hành và báo chí đã cộng hưởng, bằng những bài viết sắc bén để tạo những luồng dư luận giúp cho công việc của luật sư trở nên thuận lợi hơn.

Luật sư và báo chí cùng có thiên chức và xu hướng “bảo vệ kẻ yếu”, cùng có tôn chỉ, mục đích bảo vệ công lý, công bằng. Đặc biệt, đây là hai trong số rất ít nghề thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội và thậm chí là phản biện trực tiếp về các vấn đề trong xã hội.

Luật sư khi đưa ra quan điểm đồng thuận hay không đồng thuận với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, phản đối, đề nghị với các hoạt động của cơ quan và người tiến hành tố tụng mình cho rằng chưa phù hợp. Báo chí với các tin bài, phóng sự, điều tra làm rõ các góc khuất của cuộc sống… Đây chính là những biểu hiện của hoạt động phản biện xã hội trực tiếp, mạnh mẽ của nghề luật sư và nghề báo.

Bảo vệ công lý là chức năng, nhiệm vụ của cả nghề luật sư và nghề báo. Có lẽ vì mối liên hệ mật thiết, sự đồng cảm, đồng điệu trong tâm hồn mà hiện nay nghề luật sư và nghề báo không những đã tạo lập mối liên hệ công tác mà đã và đang chuyển hóa, giao thoa cả về lý trí, tình cảm, cùng nhận thức. Mà đỉnh cao của sự giao thoa đó là hiện có nhiều phóng viên, nhà báo đang học tập và chuyển dần sang kết hợp hành nghề luật sư và ngược lại. Luật sư vừa là nhà báo và nhà báo vừa là luật sư đang trở thành một hiện tượng, xu thế hiện nay.

Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội là cầu nối pháp luật

Không quá khi cho rằng, luật sư và báo chí là người bạn đồng hành vì công lý. Luật sư và nghề luật sư cần hoạt động báo chí để truyền thông về con người, công việc, nghề nghiệp của mình đến với các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân nói riêng và toàn thể xã hội nói chung. Điều đó đặc biệt cần thiết và quan trọng đối với nghề luật sư trong giai đoạn hiện nay khi không gian mạng, đời sống trên không gian mạng đã trở thành xã hội thực, đời sống thực.

Để phục vụ hoạt động nghề nghiệp, cá nhân luật sư cần đưa ra xã hội nguồn thông tin để quảng bá cho mình và báo chí luôn là cách thức thông tin, truyền thông ra xã hội nhanh nhất, hiệu quả nhất, sâu, rộng nhất. Tính độc lập, khách quan cùng yêu cầu chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp đặt ra câu hỏi có nên sử dụng báo chí và sức mạnh của báo chí đồng hành giải quyết một vụ việc cụ thể hay không đang là vấn đề có quan điểm trái ngược nhưng thực tế, trong các vụ án lớn, phức tạp, luật sư và báo chí hiện vẫn đang đồng hành cùng nhau.

Trên thực tế các quyền tư pháp trong đó có quyền hành nghề hợp pháp của luật sư không phải lúc nào cũng được tôn trọng, bảo đảm. Sự đồng hành, vào cuộc của cơ quan báo chí, ngôn luận góp phần quan trọng đảm bảo các quyền tư pháp nói chung trong đó có quyền hành nghề hợp pháp của luật sư được đảm bảo. Nghề luật sư có chức năng bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, nghề rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan báo chí để cùng đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Xuất phát từ tầm quan trọng cùng mối liên hệ mật thiết giữa luật sư và báo chí, bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đã dành Quy tắc 31 và Quy tắc 32 quy định về quan hệ của luật sư với cơ quan truyền thông và quảng cáo. Theo đó, bộ Quy tắc khẳng định, người luật sư có quyền chủ động trong quan hệ với cơ quan báo chí và thực hiện quảng cáo, quyền chủ động cấp thông tin cho báo chí; quyền chủ động viết bài, sử dụng mạng xã hội…; quyền chủ động thực hiện các hoạt động, loại hình quảng cáo theo quy định.

Pháp luật, bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam cho phép và không hạn chế quyền của luật sư trong tiếp cận, sử dụng và phối hợp cơ quan báo chí. Nhưng cũng đặt ra các yêu cầu đối với luật sư khi quan hệ với cơ quan báo chí như yêu cầu về tuân thủ quy định Luật Luật sư, Luật Báo chí và các ngành luật khác có liên quan.

Nhiều năm qua, Công ty Luật Dragon cộng tác với ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, thuộc Báo Kinh tế & Đô thị. Tôi nhận thấy, ấn phẩm có lối khai thác thông tin riêng, đậm nét về các vấn đề liên quan đến pháp luật; thực hiện việc tuyên tuyền pháp luật, truyền thông chính sách rất tốt. Nhiều vụ án do tôi làm luật sư bào chữa, với sự đồng hành, lên tiếng của ấn phẩm đã giúp những người bị oan sai, bị truy cứu trách nhiệm chưa đúng tìm được công lý.

Ngoài ra, các luật sư thuộc Công ty tham gia trả lời trên báo về những từng tình huống pháp luật mà bạn đọc gửi đến ấn phẩm Pháp luật và Xã hội. Trước mỗi câu hỏi của độc giả, chúng tôi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, trách nhiệm để có những giải đáp sát thực tế, đúng pháp luật. Các luật sư cũng luôn quan tâm đến các vấn đề nóng của xã hội, mong muốn đồng hành cùng cơ quan báo chí để giúp bạn đọc trên hành trình kiếm tìm công lý.

Chúng tôi nhận thấy rằng, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị chính là cầu nối giữa các chuyên gia pháp lý, các cơ quan tố tụng, cán bộ cơ sở và Nhân dân cũng có thể trao đổi, “giao lưu” từ các mục diễn đàn, kết nối, chia sẻ…

Mong rằng, mối quan hệ giữa luật sư và báo chí ngày càng được thắt chặt, mối quan hệ đồng hành hữu ích giữa Công ty Luật Dragon và Báo Kinh tế & Đô thị ngày càng vững bền, giúp ích nhiều hơn nữa cho bạn đọc khắp cả nước.

Doanh nghiệp thành công nhờ đồng hành cùng báo chí Doanh nghiệp thành công nhờ đồng hành cùng báo chí

(PL&XH)-“Doanh nghiệp cũng giống như một cô gái đẹp, nếu không có thông tin về số đo 3 vòng, trình độ học vấn và công ...

Người làm báo trong thời đại 4.0: thỏa sức sáng tạo, vững vàng bản lĩnh Người làm báo trong thời đại 4.0: thỏa sức sáng tạo, vững vàng bản lĩnh

Sự “bùng nổ” của công nghệ trong lĩnh vực báo chí giúp cho những người làm báo sáng tạo ra những sản phẩm báo chí ...

Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động