Thứ sáu 29/03/2024 04:22

Luật Giao dịch điện tử có nhiều điểm chồng chéo với Luật An ninh mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 2-7-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề tổng kết Luật Giao dịch điện tử phiên thứ hai: “Các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, tổ chức trung gian và giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - tài chính” để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia về vấn đề này.    

Hội thảo có sự tham dự của Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp lớn trên cả nước.

luat giao dich dien tu co nhieu diem chong cheo voi luat an ninh mang
Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Duy Linh

Ngày 29-11-2005, Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 được Quốc hội khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2006. Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế và được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật theo các chuyên ngành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của Chính phủ, các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm sự phân công, phối hợp, tổ chức thực hiện phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử trong cả nước.

Có thể nói sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử đã cùng với các luật chuyên ngành đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính.

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển như: các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định chưa rõ ràng giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng từ điện tử; thiếu quy định trong Luật GDĐT về chứng từ, hồ sơ tương ứng với các quy định về “bản gốc”, “bản chính”, “bản sao” trong pháp luật truyền thống; các vấn đề quy định về quy trình, thủ tục và pháp lý cụ thể của các bước trong giao kết hợp đồng điện tử…

Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng bộc lộ nhiều bất cập trong quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể như giá trị pháp lý, trường hợp sử dụng và việc công nhận, liên thông giữa chữ ký điện tử chuyên dùng trong cơ quan nhà nước và chữ ký điện tử công cộng, gây khó khăn trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân.

Hiện nay, hoạt động Chính phủ điện tử, thành phố thông minh cũng như công cuộc chuyển đổi số đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Các dịch vụ công trực tuyến cũng đã phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhiều dịch vụ công mức độ 4 đã được triển khai. Thực tế đó đòi hỏi các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước cần phải được rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế phát triển.

Việc ban hành các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong Luật Giao dịch điện tử với Luật An toàn thông tin, An ninh mạng dẫn đến các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong Luật Giao dịch điện tử hiện nay có nhiều điểm chồng chéo, không phù hợp với Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng. Luật còn thiếu quy định về sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong giao dịch điện tử sao cho đảm bảo an toàn, bảo mật, tránh được các rủi ro cho người dùng do rò rỉ thông tin, dữ liệu. Luật Giao dịch điện tử cũng mới quy định trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng, mà thiếu quy định trách nhiệm an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và các bên liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 01 ngày 1-1-2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toàn ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ TT&TT đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử. Cùng với việc gửi văn bản đề nghị các bộ ngành thường xuyên tổ chức đánh giá, báo cáo tổng kết thi hành Luật; làm việc trực tiếp với một số cơ quan, Bộ TT&TT cũng tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực.

Hội thảo chuyên đề phiên 1 về “Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử” đã được tổ chức vào ngày 23-6-2020 thu hút hơn 150 đại biểu của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số, cơ quan, doanh nghiệp, người dân sử dụng chữ ký số và các chuyên gia trong ngành. Qua hội thảo này Bộ TT&TT đã ghi nhận nhiều ý kiến, phản ánh quan trọng về phương thức triển khai Luật GDĐT, cần làm rõ quy định, giá trị pháp lý, giá trị xuống túi của doanh nghiệp dữ liệu, tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, áp dụng dấu thời gian, quy định chưa đầy đủ về việc giao kết hợp đồng điện tử, giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng điện tử, công nhận chữ ký điện tử khác với chữ ký số; quy định bắt buộc dùng chữ ký điện tử; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các vấn đề về liên thông, xác định chéo chữ ký số công cộng của Việt Nam với hệ thống chữ ký số Quốc tế và các nền tảng phổ biến.

Ông Hưng cho rằng, cùng với sự phát triển, GDĐT sẽ càng ngày đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt sau mỗi lần đại dịch, GDĐT càng phát triển. Sự bùng phát dịch SARS năm 2003 được xem là một sự thúc đẩy đối với lĩnh vực TMĐT, sinh ra những doanh nghiệp khổng lồ về TMĐT của Trung Quốc như Alibaba, Unicom.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy, tái định hình những chuỗi cung ứng, làm thay đổi cách thức giao tiếp, làm việc từ xa, giao tiếp từ xa, làm việc trực tuyến, thực hiện các dịch vụ trực tuyến. Việc chuyển dịch các phương thức giao tiếp làm việc trong môi trường trực tuyến làm cho các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật trong GDĐT ngày càng trở nên hết sức quan trọng. Trong quá trình triển khai đánh giá các bước thi hành Luật GDĐT, Bộ TT&TT đã tổ chức các buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt nam, qua đó Bộ TT&TT nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và những ý kiến đóng góp thiết thực, mong muốn hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo giá trị pháp lý tin cậy trong GDĐT.

“Các ý kiến đóng góp đã thể hiện tồn tại, vấn đề bất cập, những quy định thiết yếu còn thiếu để đảm bảo GDĐT an toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để người sử dụng có được niềm tin trên môi trường mạng”, ông Hưng cho biết.

Thứ trưởng Bộ TT&TT mong muốn sẽ tiếp tục ghi nhận thêm những ý kiến phản ánh, đóng góp, kiến nghị sửa đổi Luật GDĐT, các vấn đề pháp lý, giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn, bảo mật, tổ chức trung gian, GDĐT trong cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế-tài chính để tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng kết luật Giao dịch điện tử và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả cùng với các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận một số nội dung đang rất được quan tâm như: Tình hình triển khai Luật Giao dịch điện tử, các vấn đề về an toàn thông tin, trung gian trong giao dịch điện tử; Vấn đề giá trị pháp lý, chứng cứ, chứng từ, tài sản ảo trong giao dịch điện tử; Các vấn đề giao dịch điện tử trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và tổ chức trung gian trong giao dịch điện tử; Vấn đề lưu trữ điện tử; Giao dịch điện tử trong cơ quan quản lý nhà nước; Hoạt động của tổ chức trung gian lĩnh vực tài chính; Rủi ro từ các phương thức xác thực điện tử không an toàn - Thực trạng tại Việt Nam; Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và tình hình sử dụng và phát hành hóa đơn điện tử, triển khai hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại điện tử.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động