Lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ khiếm thị tại Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLớp học tiếng Anh đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị Hà Nội nằm trên phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. |
Nỗ lực vì trẻ em khiếm thị
Không bảng, không phấn, không học phí, thầy trò cũng không biết mặt nhau, lớp tiếng Anh do anh Đặng Thế Lâm sáng lập hoạt động đều đặn, liên tục từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Không gian lớp học thật đặc biệt với những bàn tay thoăn thoắt rà từng chữ nổi được đục lỗ trên trang giấy cứng.
Học viên là các em khiếm thị từ 6 đến 18 tuổi, đăng ký online qua trang fanpage Vietnam And Friends hoặc qua các hội người mù. Mỗi lớp có một giáo viên và hai trợ giảng để hỗ trợ cho 6 đến 8 học sinh. Hiện có 32 tình nguyện viên đang tham gia giảng dạy tiếng Anh ở lớp học One World One Language.
Chia sẻ về cơ duyên hình thành lớp học tiếng Anh đặc biệt này, anh Đặng Thế Lâm - GĐ tổ chức Vietnam and Friends, Nhà sáng lập One World One Language bộc bạch: “Năm 2010, chúng tôi bắt đầu tiếp xúc với người khiếm thị, họ đã dạy chúng tôi rất nhiều thứ, những điều mới mẻ, những không gian mới mà chúng tôi chưa từng được tiếp cận trước đó. Đó là một trong những lý do quan trọng nhất mà tôi và những người bạn đã bắt tay vào hoạt động cung cấp lớp học tiếng Anh và theo thời gian, lớp học tiếng Anh ngày ấy đã phát triển thành trung tâm tiếng Anh dành cho học sinh khiếm thị”.
Hiện tại, dự án đang triển khai hai chương trình giảng dạy chính là tiếng Anh giao tiếp và tiếng Anh nâng cao giúp các bạn học sinh khiếm thị có thể tham gia thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL. Lớp học cũng chia ra từng cấp bậc phù hợp với trình độ của các bạn khiếm thị, bắt đầu từ cơ bản đến nâng cao.
Hoạt động đến nay đã được 12 năm, những người điều phối và quản lý dự án One World One Language vẫn luôn trăn trở đi tìm giải pháp cải thiện chất lượng dạy học. Bởi cả thầy và trò đều đang gặp không ít khó khăn, nguyên nhân không chỉ đến từ phía các em khiếm thị.
Chia sẻ về những khó khăn còn tồn tại trong quá trình dạy học, chị Khương Thị Bích Hằng, người điều phối, quản lý kiêm giáo viên tại lớp họctr tiếng Anh One World One Language nhận định: “Khó khăn trước mắt vẫn là tài liệu và phương pháp dạy học với học sinh khiếm thị. Hiện nay hoàn toàn không có tài liệu tiếng Anh nào dành riêng cho học sinh khiếm thị để các bạn có thể dễ tiếp cận, công cụ học tập dành cho học sinh khiếm thị rất hạn chế. Các giáo viên, trợ giảng và tình nguyện viên phải tự làm tài liệu dựa trên nguồn tài liệu, giáo trình có sẵn, sau đó chỉnh sửa, biên soạn lại cho phù hợp”.
Nỗ lực vượt qua những trở ngại trong việc tìm kiếm và biên soạn tài liệu học tập, những người thầy, người cô tại lớp học tiếng Anh đặc biệt này còn miệt mài tìm tòi, học hỏi và liên tục cải tiến phương pháp dạy học. Ngôn ngữ của người khiếm thị là ngôn ngữ rỗng. Các bạn học viên không có khái niệm về hình ảnh, do đó việc học tập là không hề dễ dàng với các em.
Chung nhận định với chị Bích Hằng, anh Thế Lâm đồng cảm với những hạn chế của lớp học: “Hiện tại ở trung tâm, các bạn tình nguyện viên đang làm thẻ từ, giúp các bạn học sinh có thể học từ vựng, ngữ pháp qua xúc giác bằng cách sờ vào chữ nổi. Đó là một cách tiếp cận. Xa hơn, chúng tôi hướng đến phương pháp học qua mô hình, đặc biệt là qua âm thanh. Đó là một trong những thế mạnh của các bạn học sinh khiếm thị”.
Thắp sáng tương lai từ bóng tối
Tuy quá trình dạy và học đều vất vả với cả thầy và trò, khó khăn hơn các lớp học bình thường, nhưng không một ai bỏ cuộc. Hiểu được rằng giáo dục nói chung và ngoại ngữ nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mỗi người, đặc biệt là người khiếm thị. Các bạn học sinh khiếm thị ở đây luôn cố gắng học tập chăm chỉ để có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội, khẳng định năng lực của mình và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Thành lập từ năm 2011, sau gần 12 năm hoạt động, dự án One World One Language đã tạo cơ hội tiếp cận và học tập ngoại ngữ cho hàng nghìn trẻ em khiếm thị trên địa bàn TP Hà Nội. Các bạn học sinh những khóa đầu tiên nay đã trưởng thành, có người là giáo viên, sinh viên ĐH và không ít người có công việc liên quan đến ngoại ngữ.
Là một trong số các bạn học sinh những khóa đầu, nay đã trở về lớp học xưa với vai trò mới là giáo viên, chị Bích Hằng, cử nhân Sư phạm tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội không khỏi bồi hồi: “Chị đề xuất quay lại giảng dạy ở One World One Language từ khi là sinh viên. Là thành viên của cộng đồng người khiếm thị, hơn ai hết chị hiểu những khó khăn mà các bạn đang gặp phải. Chính vì vậy, chị muốn quay lại đây để hỗ trợ những bạn có cùng cảnh ngộ với mình. Đây cũng là lời cảm ơn của chị muốn gửi tới các anh chị tình nguyện viên đã từng giúp đỡ mình trước đây”.
Dù vẫn còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực, nhưng chính sự hào hứng, quyết tâm của các em nhỏ khiếm thị là nguồn động viên to lớn dành cho các tình nguyện viên của lớp học tiếng Anh miễn phí, dành trọn tâm huyết cho công việc ý nghĩa, đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại