Thứ bảy 05/10/2024 16:10

Lớp học “dancesport 0 đồng” dành cho trẻ khiếm thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với tâm niệm “Cánh cửa này đóng lại, có một cánh cửa khác mở ra”, ánh sáng từ những bước nhảy sẽ xóa mọi khoảng cách, giúp người khiếm thị có cơ hội được phát triển toàn diện thể chất và tinh thần. Đó là câu chuyện truyền cảm hứng của thầy Tô Văn Hòa – người gắn kết những trái tim khiếm khuyết chung một bước nhảy.
Thầy và trò trong “Lễ khai giảng lớp Khiêu vũ thể thao dành cho các học viên khiếm thị nhí” tại Hà Nội ngày 10/6. Ảnh: Mộc Miên
Thầy và trò trong “Lễ khai giảng lớp Khiêu vũ thể thao dành cho các học viên khiếm thị nhí” tại Hà Nội ngày 10/6. Ảnh: Mộc Miên

Lan tỏa “vũ điệu ánh sáng”

Khai giảng từ ngày 10/6/2024, lớp học khiêu vũ thể thao (dancesport) dành cho trẻ khiếm thị tại Hà Nội thực sự đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người khiếm thị. Những gương mặt trẻ thơ ngày thường chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ, bàn học thì nay được thoải mái trên sàn diễn không chuyên tại số 7 Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sĩ số lớp học ngày đầu là 35 học viên nhí từ độ tuổi 6-18 tuổi và con số hiện vẫn còn tăng lên.

Mỗi em một độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung niềm yêu thích với môn khiêu vũ thể thao. “Lớp học đặc biệt” không chỉ là lớp học khiêu vũ thể thao dành cho trẻ khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam mà còn là lớp học được tổ chức hoàn toàn miễn phí. Người chèo con đò “vũ điệu ánh sáng” được biết đến là “người thầy đặc biệt” – HLV Tô Văn Hòa.

Hơn 6 năm qua, thầy Tô Văn Hòa đồng hành CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) tổ chức lớp học khiêu vũ thể thao giúp các học viên không chỉ có thể biết khiêu vũ mà còn trở thành các vận động viên khiêu vũ chuyên nghiệp.

Tiêu biểu là thành tích của anh Đỗ Xuân Quang với Huy chương Vàng hạng E1 giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc tế Hà Nội mở rộng năm 2019, Huy chương Vàng nội dung đồng diễn giải khiêu vũ thể thao CLB Linh Anh, Huy chương Đồng hạng E1 giải Hanoi Stars Open Dancesport C và học viên Đỗ Thúy Hà.

Từ cái nôi “lớp nhảy đặc biệt” tại trụ sở Hội Người mù quận Đống Đa (64, ngõ 94 Nguyễn Lương Bằng” đã lan tỏa sâu rộng tới nhiều đơn vị, cấp hội người mù các tỉnh, thành phố Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh,… Có nhiều lớp học khiêu vũ khiếm thị được tổ chức, trở thành sân chơi văn hóa ý nghĩa cho cộng đồng người khiếm thị trên khắp cả nước.

Từ tháng 4/2021, cùng với sự đồng hành của thầy Tô Văn Hòa, CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) cũng hiện thực hóa bằng cuộc thi chuyên nghiệp với tên gọi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Tại Việt Nam, lần đầu tiên giải đấu “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” được tổ chức cần được lan tỏa và kết nối, khuyến khích phát triển bộ môn khiêu vũ thể thao tiệm cận hơn tới cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Đến nay, sau 5 mùa tổ chức, các vận động viên khiêu vũ từ sàn tập cơ sở địa phương sẽ chính thức bước lên sàn đấu quốc tế tại ParaGames sắp tới. Dấu ấn đầu tiên trong lịch sử ParaGames, sẽ có môn khiêu vũ dành cho đối tượng khiếm thị thể hiện nỗ lực của cộng đồng người yếu tố trong hành trình phát triển và tỏa sáng.

Chắp cánh tình yêu tuổi hồng

Gắn kết những trái tim khiếm khuyết chung một bước nhảy, từ đề xuất của các cấp hội người mù Hà Nội, thầy Tô Văn Hòa tiếp tục đồng hành và chắp cánh tình yêu khiêu vũ thể thao đến với trẻ em khiếm thị.

Những buổi học đầu tiên, không ít các học viên khiếm thị nhí còn tâm lý tự ti, rụt rè nhưng nhờ tinh thần truyền lửa của thầy Tô Văn Hòa, các em đã tự tin và cười nói nhiều hơn.

Theo thầy Hòa, trở ngại lớn nhất khi đồng hành với các học viên khiếm thị nhí là nhận thức của các em còn hạn chế về bộ môn nhảy, đa số các em được phụ huynh đăng ký nên chưa hiểu được nhiều về việc học nhảy sẽ giúp ích cho cuộc sống của các con những gì. Nắm vững tâm lý học trò, hai buổi giảng dạy vừa qua, thầy Hòa đã tạo không khí sôi nổi trong lớp học. Quan điểm giảng dạy của thầy Hòa cho rằng, “Nếu không cười được với người khiếm thị, chúng ta sẽ không làm được gì cả?”. Một số gương mặt nhí buổi học đầu lạ lẫm, không nói, cười thì đến buổi học thứ 2 các bạn đã sôi nổi giao tiếp.

“Tôi muốn tạo môi trường cho các trẻ em được trải nghiệm, không đặt áp lực phải biết nhảy hay, nhảy giỏi mà muốn tạo sân chơi cộng đồng ý nghĩa để các có nhu cầu được sống như một người bình thường, dễ dàng hòa nhập cộng đồng, đặc biệt nếu cơ hội trở thành vận động viên khiêu vũ chuyên nghiệp tương” – HLV Tô Văn Hòa bày tỏ.

Trên hành trình gắn kết, các buổi dạy của thầy Tô Văn Hòa đều hoàn toàn miễn phí. Những buổi “dancesport 0 đồng” còn được nhân lên bằng tình yêu và sự trân trọng nỗ lực của những học viên khiếm thị.

Từng được biết đến là “kiện tướng dancesport” nhưng nhiều năm nay, thầy Hòa lựa chọn con đường dạy học tự do để mưu sinh. Giữa sàn diễn và cuộc đời, thầy Hòa luôn coi hành trình đồng hành với người khiếm thị là một cơ duyên, bởi thế anh luôn tâm niệm trong việc truyền lửa đam mê khiêu vũ và mong muốn được thắp lên “ánh sáng thứ hai” cho những cuộc đời kém may mắn.

Hành trình vượt khó của nữ kỳ thủ khiếm thị
Chàng trai khiếm thị với những nỗ lực không ngừng nghỉ
Tấm gương tiêu biểu về tinh thần “tàn nhưng không phế"
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động