Thứ bảy 27/04/2024 13:10

Tấm gương tiêu biểu về tinh thần “tàn nhưng không phế"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không còn ánh sáng từ đôi mắt, anh Nguyễn Trung Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội) đã sử dụng “ánh sáng" từ trái tim, khối óc, sức trẻ… để vươn lên.
Ang Nguyễn Trung Thái (thứ 7 từ trái qua) luôn tâm niệm: “Mọi con đường đi, dù gập ghềnh, gian khó đến đâu, chỉ cần mỗi người hãy vững bước, thì con đường ấy sẽ là thẳng, sẽ đến đích mục tiêu”. Ảnh: BBT
Ang Nguyễn Trung Thái (thứ 7 từ trái qua) luôn tâm niệm: “Mọi con đường đi, dù gập ghềnh, gian khó đến đâu, chỉ cần mỗi người hãy vững bước, thì con đường ấy sẽ là thẳng, sẽ đến đích mục tiêu”. Ảnh: BBT

Sinh năm 1985, anh Nguyễn Trung Thái từng có những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp như bao người khác. Tuy nhiên, biến cố ập đến khi anh Thái 14 tuổi. Khi vừa kết thúc học kỳ II của lớp 8, anh phát hiện bản thân mắc bệnh bong võng mạc, thị lực giảm dần, rồi mất hẳn.

Anh chia sẻ, thời gian đầu sống trong bóng tối, từ một cậu bé thông minh, lanh lợi, anh Thái trở nên tự ti, chán nản, không muốn tiếp xúc với ai, không biết ngày mai phải sống như thế nào.

“May mắn nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của gia đình, tôi dần chấp nhận bản thân là người khiếm thị” - anh Nguyễn Trung Thái chia sẻ.

Không còn ánh sáng từ đôi mắt, anh Thái sử dụng “ánh sáng" từ trái tim, khối óc, sức trẻ… để vươn lên. Đặc biệt, từ khi tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù TP Hà Nội và Hội Người mù quận Hà Đông, nhiều cánh cửa bước vào tương lai đã mở ra với chàng trai khiếm thị giàu nghị lực.

Anh Nguyễn Trung Thái cho biết, dấu ấn đậm nét của cuộc đời là vào năm 2006, anh đăng ký học lớp Tin học tại Trung tâm Tia Sáng (nơi duy nhất đào tạo công nghệ thông tin cho người mù ở Hà Nội vào thời điểm đó). Càng học anh càng đam mê, càng phát hiện và tiếp nhận thêm những thông tin, kiến thức bổ ích.

Quá trình học tập cũng giúp anh nhận ra, công nghệ nói chung, công nghệ thông tin nói riêng chính là công cụ giao tiếp, giúp người khiếm thị xóa dần tâm lý mặc cảm, tự ti, tăng chủ động, tự tin hòa nhập xã hội. Nếu phát huy tốt, công nghệ thông tin có thể trở thành vốn liếng để người khiếm thị tạo việc làm, mang lại thu nhập.

“Từ kiến thức lĩnh hội cùng sự trải nghiệm của bản thân, tôi mong muốn đưa công nghệ thông tin đến nhiều người đồng cảnh. Theo hướng này, sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề công nghệ thông tin vào năm 2008, tôi trở thành giáo viên, tham gia giảng dạy nhiều khóa đào tạo tin học cho người khiếm thị” - anh Thái cho hay.

Theo anh Nguyễn Trung Thái, để người khiếm thị có môi trường giao lưu, trao đổi, tương tác, anh đã đề xuất với Ban lãnh đạo Hội Người mù TP Hà Nội thành lập trang Facebook và Fanpage của Hội. Với vai trò quản trị các trang web, trang mạng xã hội của Hội Người mù TP Hà Nội, anh Thái thường xuyên viết, đăng tải các bài viết hữu ích phục vụ người khiếm thị. Đồng thời, sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói, giúp nhiều người có thể tiếp cận thông tin…

Trở thành người thầy truyền đạt kiến thức công nghệ thông tin cho các thế hệ học trò, anh Thái có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong các bài giảng, chủ động bồi đắp, thắp sáng niềm tin vào tương lai cho các học viên. Đối với những học viên ở xa, anh tự di chuyển bằng xe buýt đến nhiều địa điểm dạy kiến thức, dạy nghề cho họ, thậm chí đến tận nhà giúp họ khắc phục các sự cố về thiết bị kết nối mạng internet.

Với nền tảng kiến thức phong phú, tinh thần vươn trong công việc và cuộc sống, anh Nguyễn Trung Thái được các thế hệ học trò yêu mến, kính trọng, cấp trên tin tưởng.

Từ tháng 8/2022, anh Nguyễn Trung Thái được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội).

Ở vị trí mới, dưới góc độ giảng dạy, anh Nguyễn Trung Thái cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người không nhìn thấy ánh sáng.

Bền bỉ “gieo trồng" niềm tin cho người khiếm thị, anh Nguyễn Trung Thái nhận về những trái ngọt. Đó là những thế hệ học viên biết sử dụng công nghệ thông tin, có nghề, có việc làm để hòa nhập xã hội. Anh Nguyễn Trung Thái trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần “tàn nhưng không phế".

Trên cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội), anh Nguyễn Trung Thái chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị chức năng, các tổ chức trong nước, quốc tế tìm hướng mang đến cơ hội việc làm, hòa nhập cho người khiếm thị.

Trung tâm đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho hàng trăm hội viên với các nghề như tẩm quất cơ bản, tẩm quất nâng cao, bán hàng trực tuyến (online), kỹ năng hướng nghiệp, kinh tế khởi nghiệp, tin học văn phòng nâng cao...

Người công nhân hết mình với ngành điện
Tỏa sáng tấm gương những công nhân lao động Thủ đô
Tấm gương sáng cần lan tỏa trong cộng đồng
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động