Làm khó chủ phương tiện, trạm thu phí bị xử lý ra sao?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLuật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật Hoàng Hưng. Ảnh: G.B |
Làm cách nào để minh bạch thu phí giữa chủ xe và trạm BOT, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật Hoàng Hưng, thành viên tham gia trực tiếp cuộc họp về việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC do Chính phủ tổ chức vào chiều 24/6/2022.
Tại không ít trạm BOT ghi nhận sự việc, khi vào làn ETC, xe ô tô có đủ tiền trong tài khoản nhưng nhân viên trực không cho xe qua với lý do lỗi hệ thống, yêu cầu chủ xe đi sang làn thanh toán bằng tiền mặt. Trong tình huống này lái xe phải làm gì?
Gặp tình huống trên, nếu chắc chắn tài khoản của mình đủ tiền trả cho lượt phí qua trạm, các chủ xe không thực hiện thanh toán MTC (vé lượt, thu phí bằng tiền mặt), yêu cầu nhân viên thu phí kiểm tra tài khoản và mở barie cho xe qua trạm. Mặt khác sử dụng điện thoại, thiết bị cam hành trình trên xe ghi nhận hiện trường để tính mốc thời gian.
Vì sao tôi nhấn mạnh đến mốc thời gian, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 30/12/2019, nếu nhân viên trạm cố tình không cho xe qua sẽ bị áp dụng chế tài phạt được quy định tại các khoản 7, khoản 8, Điều 15, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150 xe đến hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 1.000 m đến hơn 2.000 m. Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20 phút đến hơn 30 phút.
Mặt khác, khoản 9, Điều 15 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP nói rõ hình thức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Vi phạm khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều này mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; Không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ trạm thu phí cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Nói cách khác, nếu đơn vị vận hành trạm không xả trạm trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý sẽ bị áp dụng hình phạt trên.
Trạm BOT Nội Bài- Lào Cai khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí ETC. Ảnh: G.B |
Là người tham gia trực tiếp vào cuộc họp Chính phủ ngày 26/4, ông đánh giá như thế nào về các nội dung được nêu ra?
Đa số các doanh nghiệp (DN) BOT đều thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng vướng mắc không chỉ nằm ở các DN BOT, mà ở chính cơ quan quản lý Nhà nước. Chẳng hạn, Bộ GTVT ban hành Quyết định 2129/QĐ-BGTVT ngày 12/11/2020 áp đặt mức thu phí của DN dịch vụ thu phí (mức mà DN BOT phải trả) là 2,65% x doanh thu toàn trạm (MTC+ETC).
Tỷ lệ và cách tính phí kết nối theo Quyết định này là chưa hợp lý, phá vỡ phương án tài chính của Hợp đồng BOT đã ký. Cụ thể: Phí dịch vụ kết nối Back End chỉ được tính trên doanh thu thu phí ETC, không được tính trên phần doanh thu MTC. Phương án tài chính của Hợp đồng BOT đã ký, xác định chi phí tổ chức, quản lý từ năm thứ 2 trở đi không phụ thuộc vào doanh thu thu phí mà được xác định theo tỷ lệ trượt giá hàng năm, tức năm sau tăng thêm 6,5% so với năm trước. Do đó, nếu áp dụng cách tính phí theo Quyết định 2129 sẽ phá vỡ phương án tài chính của Hợp đồng BOT.
Phí dịch vụ kết nối ETC bản chất là chi phí để đảm bảo hoạt động, vận hành của trạm thu phí, do đó chi phí này phải nằm trong và được xác định theo tỷ lệ % chi phí tổ chức quản lý mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định tại Hợp đồng BOT.
Ở nội dung này, nếu tôn trọng quyền và nghĩa vụ của DN BOT thì Bộ GTVT chỉ là một bên trung gian để tạo điều kiện cho DN BOT và DN dịch vụ thu phí đàm phán hợp đồng về tỷ lệ chi phí. Việc Bộ GTVT đưa ra mức 2,65% là chưa hợp lý kể cả ở góc độ luật pháp. Từ đó, các DN BOT phải kiến nghị, khiếu nại... và tiến độ thực hiện thu phí không dừng diễn ra chậm chạp.
Chính phủ đã nhìn rõ những bất cập từ các phía, ông đánh giá sao với chỉ đạo nhất định hoàn thành thu phí ETC trên toàn quốc trước ngày 31/7/2022 của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành?
Tại cuộc họp vào chiều 24/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, kiên quyết không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, nhất định hoàn thành trên toàn quốc trước ngày 31/7/2022. Sau thời hạn này, nếu trạm thu phí nào chưa xong sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đây là thời điểm để các chủ phương tiện, chủ DN BOT, đơn vị quản lý… đồng hành cùng Chính phủ tạo ra môi trường minh bạch nhất trong câu chuyện phí điện tử không dừng ETC.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có những chỉ đạo sát thực tế, giao Bộ GTVT chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt việc dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông. Đồng thời làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đây là những chỉ đạo mạnh mẽ, thể hiện rõ bản lĩnh của một Chính phủ hành động.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại