Lãi suất tiền gửi giảm, dòng tiền sẽ chảy về đâu?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDòng tiền của người dân vào ngân hàng giảm dần theo các tháng khi mà lãi suất huy động liên tục giảm trong thời gian qua. Ảnh minh họa |
Người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng
Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 1 năm khoảng 6,3 - 7,8%/năm. Riêng với kỳ hạn 6 tháng, có ngân hàng quốc doanh giảm về 5%/năm, tương đương lãi suất thời điểm dịch Covid-19.
Thị trường chịu tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng đầu năm giúp thanh khoản ngân hàng dồi dào. Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Các chuyên gia dự báo, lãi suất có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023.
Trước xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, nguồn tiền nhàn rỗi không còn dồn về ngân hàng. Theo dữ liệu về tổng phương tiện thanh toán và số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng, tính đến hết tháng 5/2023, tiền gửi của các tổ chức ở mức 5,748 triệu tỷ đồng, giảm 3,45% so với hồi đầu năm. Những khó khăn về sản xuất kinh doanh thời gian qua được cho nguyên nhân chính cho xu hướng giảm này. Các doanh nghiệp phải rút tiền gửi tại ngân hàng để xử lý những khó khăn.
Tiền gửi của người dân, dù vẫn tăng nhưng so với các tháng trước tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại. Đến cuối tháng 4/2023, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022.
Nếu so với thời điểm cuối tháng 3/2023, nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 4/2023 sụt giảm thêm 8.833 tỷ đồng trong vòng một tháng. Tháng 5/2023, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho biết, từ thời điểm này cho đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm.
Ông Phan Dũng Khánh- Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, về lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi đi xuống sẽ làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm. Dòng tiền sẽ chuyển sang tìm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… để mong tìm lợi suất tốt hơn.
Tìm kiếm cơ hội đầu tư sau những biến động
Hiện nay, thị trường chứng khoán phục hồi, bất động sản bắt đầu khởi sắc ở một số phân khúc…
Thống kê có 105.000 tài khoản cá nhân mở thêm trong tháng 5/2023 và 146.000 tài khoản trong tháng 6/2023, cho thấy sự trở lại của dòng tiền. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nửa cuối năm nay, nếu mặt bằng lãi suất giảm, GDP phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ đi lên dù mức độ không mạnh.
Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) nhận định, rủi ro với thị trường chứng khoán đã giảm đáng kể nhờ lãi suất giảm và dòng tiền tham gia thị trường nhiều hơn. Về trung hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là hấp dẫn nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ thực hiện sớm hơn nhiều quốc gia khác, cộng thêm nhiều giải pháp hỗ trợ tài khóa (giảm thuế phí, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…). Dù vậy, chuyên gia này cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với “con gió ngược” bởi một số công ty niêm yết sẽ phải đối mặt với kết quả kinh doanh kém khả quan quý II/2023.
Với bất động sản, chị Kim Anh ở quận Đống Đa chia sẻ: “Các kênh đầu tư đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định nhưng bất động sản vẫn được xem là sản phẩm đầu tư dài hạn và mang lại lợi nhuận cao. Tôi cũng đang tìm hiểu một số khu vực có dư địa tăng trưởng trong tương lai, ít xảy ra tình trạng “sốt ảo”, bám theo dòng tiền giải ngân đầu tư công với các dự án hạ tầng giao thông lớn sắp được triển khai”.
Điểm sáng của thị trường bất động sản là một số phân khúc đã phục hồi nhẹ sau một thời gian dài đóng băng. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Ming cho rằng, chưa thể kỳ vọng thị trường bất động sản sớm rã băng khi tiền chảy vào thị trường này còn nhỏ giọt. Song với nhà đầu tư đang có sẵn tiền mặt nhàn rỗi, đây là thời điểm thích hợp để “xuống tiền” do nhiều bất động sản đã chiết khấu khá lớn.
Đối với kênh đầu tư ngoại tệ và vàng, các chuyên gia cho rằng, hiện tại, biến động thị trường ở mức thấp, NHNN duy trì chính sách giữ tỷ giá ổn định, theo đó khả năng sinh lợi của các tài sản này không cao.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam trong quý II/2023 giảm 9%, từ 14 tấn vào quý II/2022 xuống còn 12,7 tấn. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9,6 tấn trong quý II/2022 xuống còn 9,1 tấn trong quý II/2023.
Với những người trẻ, khi lãi suất giảm, cơ cấu danh mục có thể ưu tiên các kênh đầu tư rủi ro nhưng với những người có tuổi lại cần ưu tiên các kênh đầu tư an toàn như kim loại quý, tiền gửi.
Một số nhà đầu tư vẫn đang quan sát để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhà đầu tư vẫn còn sợ, bởi bài học còn đó. “Không nên "tất tay" vào chứng khoán hay bất động sản... ngay cả khi kênh tiết kiệm kém hấp dẫn. Không thể “để trứng ở cùng một giỏ” quá lâu nên 30% dòng tiền nhàn rỗi của tôi gửi vào tiết kiệm, 70% sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư khác. Do đó khi kênh gửi tiết kiệm tôi sẽ chuộng kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng hoặc không kỳ hạn để linh hoạt nguồn vốn”- anh Ngọc Dũng ở Hoàn Kiếm chia sẻ.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, sẽ không huy động vốn bằng mọi giá, mà chỉ huy động đủ nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, qua đó kích thích nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, giúp tín dụng tăng tương ứng với huy động vốn. |
Các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi từ 6/3/2023 | |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành ngân hàng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại