Lá cờ đầu phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChớp thời cơ cách mạng
“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” - (Thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945) nay đã trải qua qua 76 mùa thu lịch sử vẫn vang vọng trong ký ức của Đại tướng Nguyễn Quyết.
Ngày ấy, Đại tướng Nguyễn Quyết khi đó với vai trò Bí thư Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã có quyết định sáng tạo, bản lĩnh, chớp thời cơ cách mạng.
Chân dung Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh tư liệu |
Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh. Ở Hà Nội, quân Nhật rút về phòng thủ trong doanh trại. Tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng trước cao trào mạnh mẽ của quần chúng và căn cứ chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Thành ủy Hà Nội nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến.
Theo Chỉ thị của Xứ ủy Bắc kỳ, tối 15-8-1945, Thành ủy Hà Nội triệu tập hội nghị quân sự bất thường ở chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy), bàn kế hoạch chuẩn bị giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 16-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội được thành lập gồm 5 người, ông Nguyễn Khang (Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ) làm trưởng ban và ông Nguyễn Quyết (lúc này là Bí thư Thành ủy Hà Nội) phụ trách quân sự.
Trước ngày Tổng khởi nghĩa, nắm được tin Tổng hội viên chức của Chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức cuộc mít tinh vào 14g chiều ngày 17-8-1945 tại quảng trường Nhà hát lớn. Quyết định của Ủy ban Khởi nghĩa lúc đó là phải tổ chức lực lượng phá cuộc mít tinh, “biến” cuộc mít tinh của địch thành của ta, với quy mô lớn và đông đảo tự vệ tham gia. Trong đó, Đội thanh niên cứu quốc cùng hàng vạn thanh niên được triệu tập huy động đến dự và nhận nhiệm vụ “biến” buổi lễ thành cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh tiến tới khởi nghĩa.
Đúng như kế hoạch, cuộc mít-tinh đã trở thành đoàn biểu tình lớn, rầm rộ như cơn lũ, đồng bào Nhân dân hai bên đường xuống đường ủng hộ. Ngay cả một số lính cảnh sát, lính bảo an cũng chạy theo. Cuộc mít-tinh đã trở thành diễn đàn của Việt Minh, biến thành hàng chục cuộc biểu tình nhỏ trên khắp con phố Hà Nội, chỉ đến 7 - 8 giờ tối mới kết thúc.
Xác định thời cơ cách mạng đã đến, ngay tối ngày 17-8-1945, Thành ủy Hà Nội quyết định triệu tập hội nghị của Ủy ban Quân sự cách mạng sẽ khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8-1945. Chính cuộc biểu tình rầm rộ ngày 17-8-1945 đã đưa đến quyết định cần phải khởi nghĩa ngay, không thể nhanh hơn được và cũng không thể chậm hơn.
Đúng 11g ngày 19-8-1945, cuộc mít-tinh bắt đầu. Ngay sau khi nghe Ủy ban Khởi nghĩa hiệu triệu, quần chúng nhân dân chia thành hai đoàn biểu tình có lực lượng vũ trang dẫn đầu đi chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại bảo an binh và một số cơ sở hành chính khác. Đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thanh ủy Hà Nội lúc bấy giờ được giao phụ trách việc đánh chiếm trại Bảo an binh (nay có địa chỉ 40A phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến chiều tối ngày 19-8-1945, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay cách mạng...
“Cả cuộc đời vì nước vì dân”
Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại tướng Nguyễn Quyết nay đã bước sang tuổi 100. Một thế kỷ cuộc đời, 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Nguyễn Quyết đã cống hiến cho Đảng, cho Quân đội, cho đất nước bằng đức độ, tài năng và lòng trung kiên bất khuất. Ông đã nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và Huy chương Sao Vàng cao quý.
Thành công Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết được với phân công nhiệm vụ mới trên cương vị lãnh đạo Quân khu 5. Chín năm kháng chiến gắn bó với chiến trường Quân khu 5, Đại tướng Nguyễn Quyết đã cùng với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xây dựng địa bàn miền Trung tự do, anh dũng, đứng vững giữa vòng vây quân địch...
Trong buổi lễ đón nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ: “Đại tướng Nguyễn Quyết là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội. Ở đồng chí hội tụ đầy đủ nhân cách “Trí-dũng-nhân-tín-liêm-trung” của một vị tướng tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh”.
Đại tướng Nguyễn Quyết (sinh ngày 20-8-1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1990, đồng chí Nguyễn Quyết được phong thăng quân hàm Đại tướng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại