Thứ ba 30/04/2024 18:40

Kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối cần được giải quyết một cách triệt để. Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường là vô cùng quan trọng. Cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội cần chung tay phối hợp để bảo vệ trẻ khỏi những hành vi bạo lực.
Kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường
TS.BS Ngô Anh Vinh tư vấn tâm lý cho trẻ. Ảnh: BVCC

TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, cô lập và những hành động này gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ ở học đường. Vấn nạn này gây ra những hậu quả trầm trọng về tinh thần của trẻ như: rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, chán học và bỏ học. Đặc biệt, bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử của học sinh.

Do đó, để phòng ngừa bạo lực học đường, bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, gia đình cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.

Kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra bạo lực học đường

Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà cha mẹ, thầy cô cần giáo dục cho trẻ. Khi thấy bạo lực nguy hiểm đến bản thân, trẻ cần phải biết kêu cứu để được sự trợ giúp từ thầy cô giáo, gia đình, người thân hoặc những người xung quanh như bảo vệ, bạn bè,…

Trẻ có thể kêu cứu bằng cách hét lớn, chạy nhanh đến những nơi an toàn như gặp thầy cô giáo, phòng bảo vệ, nhà dân,… hoặc gọi điện thoại cho người thân ứng cứu. Không để trẻ rơi vào thế bế tắc, trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung.

Kỹ năng nhận biết và chủ động chia sẻ trước nguy cơ bạo lực học đường

Trẻ cần nhận biết sớm các dấu hiệu có nguy cơ bạo lực như: nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay,… Nếu trẻ nhận biết các dấu hiệu nguy cơ này, trẻ sẽ biết cách cách hành xử để né tránh khỏi bạo lực xảy ra.

Khi nhận thấy mình có nguy cơ bị bắt nạt, trẻ nên chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo hoặc bạn bè của mình. Phụ huynh và thầy cô giáo giúp trẻ nhìn nhận sự việc, từ đó có những ứng xử phù hợp. Ngoài ra, trẻ cũng cần được rèn luyện trong cuộc sống để giúp trẻ mạnh mẽ về thể chất, tinh thần, năng lực. Điều này sẽ giúp trẻ không bị yếu thế và tránh khỏi các đối tượng bắt nạt.

Kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với bạn bè

Kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với bạn bè giúp trẻ có được những người bạn thân phù hợp để có thể chia sẻ khi gặp khó khăn. Từ đó trẻ sẽ có được hỗ trợ từ bạn bè nếu trẻ có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường.

Cần giáo dục cho trẻ về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè. Trong mọi tình huống đều nên giải quyết một cách hòa thuận, tránh gây căng thẳng, đối đầu. Nếu sự việc quá khả năng giải quyết, thì trẻ nên tìm sự hỗ trợ từ thầy cô giáo hoặc từ phụ huynh.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhóm

Các hoạt động nhóm như: hoạt động thể thao, ngoại khoá, tiếng Anh… sẽ giúp trẻ có được những người bạn thân phù hợp để có thể chia sẻ khi gặp khó khăn.

Giáo dục cho trẻ hiểu việc che giấu thông tin về bạo lực của bạn bè là điều không được phép làm.

Trẻ cần hiểu rằng, việc che giấu thông tin về bạo lực của bạn bè là không đúng đắn. Trẻ cần có ý thức thông báo với thầy cô giáo hoặc phụ huynh nếu thấy bạn mình bị bắt nạt, bạo lực.

Tuyên truyền cho 500 học sinh về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định
Đánh bạn có thể phạm tội hình sự
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động