Thứ sáu 22/11/2024 16:11

Tuyên truyền cho 500 học sinh về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 27/9, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội phối hợp cùng Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên toà giả định tại Trường THCS thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Tuyên truyền cho 500 học sinh về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định
Phiên tòa giả định tại Trường THCS thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: L.A.

Tham dự hội nghị có bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội; bà Trương Thanh Hưng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên cùng các đồng chí lãnh đạo UBND thị trấn Phú Minh, các thầy cô giáo và 500 học sinh trường THCS thị trấn Phú Minh.

Tại phiên tòa giả định, cán bộ Tư pháp, kiểm sát viên huyện Phú Xuyên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên và giáo viên Trường THCS thị trấn Phú Minh đóng vai kiểm sát viên, luật sư, Hội thẩm Nhân dân, thư ký phiên tòa. Các em học sinh Trường THCS thị trấn Phú Minh đóng vai bị cáo.

Theo phiên toà giả định, các bị cáo Nguyễn Thị Thảo, Trần Văn Khang, Trần Ngọc Anh bị đưa ra xét xử về tội “Làm nhục người khác” theo điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cáo trạng truy tố, Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh và Nguyễn Thị Phương có chơi với nhau từ trước và có xích mích, mâu thuẫn với nhau.

Tuyên truyền cho 500 học sinh về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định
Phiên tòa có sự tham gia của 500 em học sinh Trường THCS thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: L.A.

Khoảng 15h chiều 31/1/2023, Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh và Trần Văn Khang (bạn trai của Ngọc Anh) sang nhà Phương nói chuyện. Cả 3 tìm vào thẳng phòng Phương. Lúc lên cầu thang, thấy có chiếc gậy bằng nhựa, Thảo đã cầm lấy và vào phòng Phương. Thấy Phương nằm trên giường, Thảo đã dùng gậy đánh vào đầu, tay phải và lưng của Phương để gọi dậy. Khang đè giữ tay Phương lại, chất vấn Phương về mâu thuẫn cướp người yêu, đồng thời bảo Ngọc Anh quay lại.

Lúc sau Thảo thấy có điện thoại của Phương ở đầu giường nên lấy và mở ra xem, lục tìm tin nhắn và thấy có ảnh khỏa thân nửa người của Phương tự chụp. Thảo đã gửi ảnh đó vào máy của Ngọc Anh. Tối hôm đó, Thảo đã nhắn tin cho Ngọc Anh về việc đăng ảnh khỏa thân của Phương lên mạng nhằm mục đích làm xấu Phương. Ngọc Anh đồng ý và chuyển ảnh cho Thảo. Thảo đã đăng ảnh, video của Phương lên 3 mạng xã hội và nhờ Khang, Ngọc Anh chia sẻ, bình luận nhiều trên mạng để tăng tương tác.

Kết luận của cáo trạng, hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh, Trần Văn Khang đã phạm tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi của bị can Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh, Trần Văn Khang là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến sức khỏe và tinh thần của người khác. Xét thấy cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 3 bị cáo để răn đe, giáo dục bản thân bị can và phòng ngừa chung trong xã hội.

Tuyên truyền cho 500 học sinh về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định
3 em học sinh Trường THCS thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đóng vai bị cáo. Ảnh: L.A.

Tại phiên toà giả định, các bị cáo đã thành khẩn khai báo sự thật và thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo cho biết, khi thực hiện việc quay video và chia sẻ video nhạy cảm của người khác trên mạng, các bị cáo không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ đánh ghen giúp bạn cho hả dạ.

Cũng tại toà giả định, Viện Kiểm sát giải thích cho các bị cáo biết, các bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, đang tuổi phải lo tu chí học hành để kiếm công việc ổn định, phụ giúp gia đình. Giữa bị cáo và bị hại đều có hoàn cảnh đáng thương, thiếu đi tình thường của người lớn, đáng lẽ các bị cáo phải biết yêu thương nhau. Nhưng vì yêu đương, ham chơi game và mạng xã hội nên đã đánh mất đi tình bạn đẹp. Các bị cáo sẵn sàng làm nhục bạn mình trên mạng xã hội chỉ để thoả mãn tính hiếu thắng của mình, làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của bạn.

Viện Kiểm sát cũng giải thích để các bị cáo hiểu, khi các bị cáo sử dụng điện thoại, máy tính hoặc công cụ phương tiện khác đăng tải thông tin sai lệch lên mạng xã hội, thì cơ quan điều tra Công an, bộ phận an ninh mạng của cơ quan Công an đều có thể tìm ra địa chỉ nơi gửi, ngày giờ, thời gian gửi, dù là trang mạng xã hội ko có ảnh cá nhân, thông tin thì vẫn tìm ra được nhờ các thiết bị quản lý hiện đại và khi có yêu cầu. Nên mặc dù các đoạn đăng tải nhằm làm nhục cháu Phương mà bị cáo đưa lên 3 trang mạng xã hội đã bị gỡ bỏ nhưng vẫn lưu dấu vết lại và tìm được.

Tuyên truyền cho 500 học sinh về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định
Lãnh đạo Hội LHPN và các cơ quan phối hợp, học sinh tham gia phiên tòa giả định. Ảnh: L.A.

Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX đã tuyên án, hành vi của bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Ngoài ra hành vi của bị cáo đã vi phạm điều cấm của Luật an ninh mạng, nên cần nghiêm trị mới có tác dụng giáo dục răn đe và ngăn ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, như lời bào chữa của trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo: Bị cáo lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, hành động bột phát, có nơi cư trú ổn định nên không cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng. Phiên toà giả định tuyên phạt các bị cáo theo đúng tội danh đã truy tố nhưng cho hưởng án treo. Trong thời gian bị án treo nếu bị cáo tiếp tục phạm tội thì án treo sẽ thành án tù giam cộng với mức hình phạt của tội mới.

Phát biểu về phiên toà giả định, em Nguyễn Đức Thịnh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS thị trấn Phú Minh cho biết, phiên toà giả định rất hay và ý nghĩa, giúp em hiểu thêm được pháp luật về phòng chống bạo lực và xâm hại học đường. Từ đó, các học sinh nói chung và em có cách ứng xử đúng đắn hơn trong cuộc sống, các mối quan hệ bạn bè... từ đó sẽ không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra, cuộc sống cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Anh Trần Xuân Dũng, Giáo viên, Tổng Phụ trách Trường THCS Thị trấn Phú Minh chia sẻ, trong phiên toà giả định, các em học sinh tham dự đã rất chú ý lắng nghe Đây là phương pháp truyền thông hiệu quả để các em học sinh dễ tiếp cận và dễ hiểu nhiều kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường. Anh Dũng mong rằng trong thời gian tới, những chương trình, hoạt động bổ ích tương tự sẽ được lan tỏa, nhân rộng, mang đến ý nghĩa cho cộng đồng.

Tuyên truyền cho 500 học sinh về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên tòa giả định
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó trưởng phòng Hành chính, tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tuyên truyền về trợ giúp pháp lý và phổ biến luật phòng chống xâm hại, bạo lực học đường cho các em học sinh. Ảnh: L.A.

Sau phiên toà giả định, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó trưởng phòng Hành chính, tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tuyên truyền về trợ giúp pháp lý và phổ biến luật phòng chống xâm hại, bạo lực học đường cho các em học sinh. Các em cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về pháp luật nêu trên, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đang phát triển, khi tham gia mạng xã hội, trẻ em cần có kiến thức để biết bảo vệ bản thân và tránh vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng.

Chương trình đã giúp cho các em học sinh Trường THCS thị trấn Phú Minh nói riêng và học sinh trên địa bàn TP Hà Nội nói chung có kiến thức đúng đắn về pháp luật, nhận thức rõ hành vi ứng xử trên mạng xã hội và biết sử dụng mạng xã hội khéo léo, hiệu quả, hướng đến mục đích tích cực cho cuộc sống.

Tuyên truyền phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên toà giả định Tuyên truyền phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường qua phiên toà giả định

Ngày 14/9, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động