Thứ hai 25/11/2024 21:39
Nắng nóng ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị

Kỳ cuối: Xóm chạy thận tốt duyên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trời nắng nóng, sức khỏe dần héo mòn, thế nhưng nơi xóm trọ nhỏ vẫn có những mối tình chớm nở rồi viên mãn trong cuộc sống đầy nhọc nhằn.
Kỳ cuối: Xóm chạy thận tốt duyên
Chị Nguyễn Thị Hương gặp người bạn đời của mình khi cùng đi chạy thận. Ảnh: Duy Linh

Chị Lê Thị Hoài, quê Thanh Hóa ngước đầu nhìn nắng nóng, nói vui rằng, cho dù thế nào, thì xóm chạy thận cũng rất tốt duyên. Chị cho biết, đã có hơn chục đôi nên duyên ở xóm chạy thận này. “Đôi Hương – Phúc, Học – Vương Anh, Yến – Sai, Hương – Hưng… và mấy đôi nữa. Không như những cặp đôi lứa bình thường ngoài đời, ở xóm chạy thận này, những cặp đôi này chỉ đơn thuần là nương tựa, chia sẻ và cùng đồng cảm sự thiệt thòi của một kiếp người…” – chị Hoài nói.

Chằng chịt những u máu, dấu của vết kim đâm còn nguyên vẹn trên đôi cánh tay, chị Nguyễn Thị Hương, 34 tuổi, quê Nam Định vẫn nhanh nhẹn bắc nồi nấu cơm. Bữa cơm hàng ngày với chị giờ không còn đơn độc, bởi bên cạnh chị đã có bạn tâm tình, chia sẻ những nỗi đau và nương tựa mỗi khi trái gió, trở trời.

Chị kể, ngày ấy khi vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng, chị đã đăng ký vào Lâm Đồng làm giáo viên. Vừa ra trường đã có công ăn việc làm, lại đúng ngành nghề mình yêu thích cho nên dù xa nhà, chị Hương vẫn cảm thấy vui vẻ, may mắn. Hạnh phúc như nhân đôi khi ngày ấy bên chị là người đàn ông chị yêu. Hai người đã tính đến chuyện về một nhà, hai gia đình đã đi lại và chỉ chờ ngày lành, tháng tốt.

Nhưng những ngày vui ngắn ngủi qua mau, chỉ sau 1 năm dạy học, chị phát hiện ra mình suy thận. Cuộc sống từ đó đến cuối đời sẽ gắn liền với chiếc máy lọc máu. Nếu may mắn thì được thay thận, thế nhưng ước muốn đó mong manh như người mong trúng số độc đắc. Vậy nên chị ngậm ngùi chia tay mối tình đầu để về Hà Nội gắn đời mình với chiếc giường bệnh.

“Cuộc đời người con gái đúng trong giai đoạn đẹp nhất, hạnh phúc nhất bỗng chốc buộc phải dừng tất cả chỉ để lo duy trì sự sống. Sự nghiệp, cuộc sống, hạnh phúc lứa đôi cũng thế mà tiêu tan. Tất cả những điều ấy khiến tôi thực sự chán chường. Đã có lúc tôi đã tính lao đầu vào ô tô để sớm chấm dứt tất cả” – chị Hương kể.

Chị bảo, thực ra người yêu lúc ấy của chị cũng không đòi bỏ chị, nhưng chị biết chị sẽ không giữ được anh, chị bệnh tật chưa biết sẽ ra đi lúc nào, mà người bệnh thận thì làm sao có được con. Không lẽ cứ bắt người ta gắn với mình mãi, mà có khi muốn họ gắn bó với mình họ cũng chẳng đủ tình thương. Thế nên chi bằng dứt khoát sớm cho xong.

“Ngày tôi nằm chạy thận, bạn tôi mang cho tôi quyết định tôi được vào biên chế mà tôi trào nước mắt. Bố mẹ vốn làm nông nghiệp, đã vậy bố lại bị bệnh tim nên một mình mẹ lo cho cả bố lẫn con” – chị Hương nói. Và thế là mẹ chị lên Hà Nội để đi làm giúp việc, lương được 6 triệu bà không giữ cho mình mà chia đôi cho bố một nửa, con một nửa. Chị cho biết, do bố đã đặt stent nên hàng tháng phải duy trì tiền thuốc, còn chị thì ngoài tiền thuê nhà, điện nước, thuốc thêm bên ngoài tháng cũng phải 3 - 4 triệu mới đủ chi phí.

Hồi mới đi chạy thận, do sức khỏe còn ổn nên chị có đi bán nước để có thêm thu nhập, nhưng càng ngày sức khỏe càng yếu, nhiều khi chỉ đến bệnh viện cách vài trăm mét còn đi không nổi nói gì đến buôn bán. Vậy nên giờ chỉ còn trông chờ vào tiền cứu viện của mẹ chị.

Kể về người bạn hiện giờ của chị, chị cười bảo, vốn anh cũng là bệnh nhân chạy thận. Anh tên Nguyễn Văn Phúc, 42 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội. Chị gặp anh cách đây khoảng 8 năm trước khi hai người là bệnh nhân chạy thận cùng ca. Ban đầu chị cũng không để ý nhiều, nhưng do các bệnh nhân cùng ca đều hùn vào, nói chị chưa chồng, anh chưa vợ vậy thì yêu thương lấy nhau để cùng nương tựa. Mọi người trêu chọc nhiều, xong thấy anh cũng hiền lành, chân chất nên anh chị chủ động tìm đến nhau.

Kỳ cuối: Xóm chạy thận tốt duyên
Vợ chồng anh Phúc, chị Hương chở nhau ra bệnh viện để chạy thận. Ảnh: Duy Linh

Nói đến người đàn ông hiện tại, chị Hương cho rằng, với anh chị bây giờ, điều đáng trân trọng nhất đó là sự nương tựa, chia sẻ bệnh tật với nhau chứ không có điều gì to tát. Cũng như bao cặp đôi khác, anh chị cũng có lúc giận hờn, cũng có lúc cãi cọ hoặc cáu bẳn. “Đa phần bởi vì về kinh tế, lúc thiếu thốn mà tiền viện, tiền thuốc thì không chậm được ngày nào nên chuyện bậm bục, gắt gỏng nhau cũng thường xảy ra”.

Tuy nhiên, theo chị Hương, ngoài những lúc như thế, anh Phúc rất yêu thương chị. Ngày sinh nhật chị hoặc những ngày lễ, Tết anh không quên mua quà cho chị. Đó có khi chỉ là những món quà nhỏ, hay những lần anh đưa chị đi mua những món đồ chị thích, đơn giản vậy cũng là đủ để chị cảm thấy viên mãn và hạnh phúc lắm rồi.

Căn phòng chị cũng nhỏ xinh xinh như những căn phòng mà những bệnh nhân thận trọ khác, nó vẻn vẹn chỉ vài mét vuông với nóng bức, với mưa dột. Sức khỏe chị cũng càng xuống dốc, nhưng với chị, hạnh phúc đôi khi chỉ là sự tự bằng lòng với số phận của mình. Và khi có người bạn đồng hành trên quãng con đường này, với chị, có lẽ thế là đủ để chị tiếp tục sống và chiến đấu với bệnh tật.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động