Thứ bảy 20/04/2024 03:50
Trăm đường khổ vì trẻ chưa được trở lại trường:

Kỳ cuối: Thích ứng trong trạng thái bình thường mới nhưng không chủ quan, nóng vội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mong muốn của phụ huynh về việc cho học sinh đi học trở lại trong điều kiện Hà Nội ở trạng thái bình thường mới là hết sức chính đáng. Tuy nhiên, cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em, bởi nếu chủ quan, nóng vội sẽ dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm bệnh trong trường học.
Kỳ cuối: Thích ứng trong trạng thái bình thường mới nhưng không chủ quan, nóng vội
Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo. Cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em

"Cô ơi, con muốn đi học lắm rồi!"

“Cô ơi, ở nhà con chán lắm, không được chơi với các bạn, không được gặp cô. Con chỉ muốn đi học thôi” hay “Cô ơi, bao giờ thì con được đi học hả cô? Con muốn đi học lắm rồi",...chính là lời chia sẻ của rất nhiều học sinh với cô giáo của mình tại lớp học trực tuyến. Đa phần các em đều muốn được đến trường học tập cùng thầy cô và các bạn, được vui chơi thỏa thích.

Chị Hoàng Thị Hồng có con gái đang học lớp 2 trường Tiểu học Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi muốn các con được đến trường sớm để bố mẹ tập trung vào công việc. Các con đến trường học cũng hiệu quả hơn học online ở nhà. Nhiều khi bố mẹ đi làm cũng cảm thấy không yên vì lo lắng con cái ở nhà học một mình, liệu con có tập trung học không?, có nghịch ngợm gì nguy hiểm không? Lo lắng nhưng vì công việc, bố mẹ bắt buộc phải đi làm, không thể ở nhà với các con được”.

Mong mỏi của chị Hồng là mong mỏi chung của các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi đi học. Khi bố mẹ đã quay trở lại với guồng quay công việc, không thể ở nhà với các con như đợt giãn cách thì phương án cho các con đến trường trong điều kiện dịch bệnh đã ổn định sẽ giúp các phụ huynh yên tâm công tác, cũng như việc học tập, vui chơi của các con cũng hiệu quả hơn.

Phương án 18 huyện và thị xã được đi học trở lại có thể thay đổi?

Từ ngày 8-11, các trường tại đơn vị xã/phường/thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 trong 14 ngày tính đến thời điểm 8-11 không có các ca F0 trong cộng đồng được phép cho học sinh trở lại trường học.

Cụ thể, học trực tiếp đối với học sinh các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp (cấp tiểu học khối lớp 5; cấp trung học cơ sở khối lớp 6 và lớp 9; cấp trung học phổ thông khối lớp 10 và lớp 12). Các khối lớp còn lại vẫn duy trì học trực tuyến. Riêng cấp mầm non nghỉ học tại nhà.

Các trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành của Sở GD&ĐT và Sở Y tế. Đồng thời, có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.

Ngoài ra, nhà trường không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày, tổ chức dạy học luân phiên đảm bảo an toàn sức khoẻ học sinh; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý với những nội dung giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, tại địa phương (xã/phường/thị trấn) nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh những ngày gần đây, nhất là khi một số địa phương nằm trong danh sách 18 huyện, thị xã trên có ca bệnh, phương án đi học của một số địa phương có thể bị thay đổi.

Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh đã chỉ đạo các trường thực hiện đánh giá các tiêu chí trường học an toàn theo hướng dẫn liên ngành, sẵn sàng lên các phương án đón học sinh tới trường. Bên cạnh đó, rà soát việc tiêm vắc xin cho cán bộ giáo viên theo từng tuần. Riêng xã Tiến Thắng được đánh giá ở cấp độ 3 và những khu vực xuất hiện F0 trong vòng 14 ngày sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm có 22 xã, phường thì có tới 9 cơ sở xuất hiện F0, chưa kể, ổ dịch ở Ninh Hiệp đang rất phức tạp. Việc cho học sinh đi học trở lại sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, Phòng GD&ĐT Gia Lâm yêu cầu các nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các phương án về sắp xếp thời khóa biểu, chương trình học, phương án đưa đón học sinh, vệ sinh trường lớp… Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT huyện cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Sở GD&ĐT cũng như UBND TP Hà Nội.

Tại huyện Quốc Oai, hiện nay UBND huyện vẫn đang xem xét, đánh giá, bàn bạc và đợi ý kiến chỉ đạo của thành phố để đưa ra quyết định cuối cùng.

Sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục nhưng đi từng bước, tuyệt đối không nóng vội

Hà Nội có gần 3.000 trường học với khoảng 2,1 triệu học sinh nhưng đến nay học sinh đều chưa được tiêm vắc xin. Việc đưa tất cả trường học trở lại đồng loạt trong bối cảnh hiện tại kéo theo rất nhiều rủi ro.

Đặc biệt là từ ngày 11-10 đến nay, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trung bình trong ngày tăng mạnh, gấp nhiều lần giai đoạn trước đó. Hà Nội liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp tại các quận (huyện): Hoàng Mai, Đống Đa, Quốc Oai, Mê Linh, Gia Lâm, gần đây nhất là ca bệnh tại quận Ba Đình, Hà Đông…

Trong 2 ngày 4 và 5-11, số ca bệnh của Hà Nội đều ở mức trên 100, trong đó có hơn 60 ca trong cộng đồng. Các nguồn lây xâm nhập từ các phía, nguy cơ dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng khiến rủi ro càng lớn hơn. Nhiều tỉnh thành sau khi cho học sinh trở lại trường đã phát sinh ổ dịch lây nhiễm cho học sinh dẫn đến buộc phải đóng cửa trở lại. Đây là kinh nghiệm đòi hỏi Hà Nội càng phải thận trọng, không được chủ quan, nóng vội.

Thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo. Cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em.

Trước mắt, xem xét việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại một số huyện, thị xã bảo đảm điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19. Riêng đối với các quận, do mật độ dân cư đông nên cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh để xem xét trong thời gian tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc xin Pfizer cho Hà Nội trong tháng 11-2021 để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi theo quy định. Đây là điều kiện rất quan trọng để tăng thêm độ an toàn khi tiến hành quá trình khôi phục hoạt động của hệ thống trường học.

Kỳ 1: Bố mẹ “điêu đứng” vì con vẫn phải ở nhà do dịch
Kỳ 2: Cô vẫn giảng, còn trò... làm việc riêng
Kỳ 3: Giáo viên loay hoay vẫn khó bám trụ đến khi trường được mở cửa
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động