Thứ ba 23/04/2024 17:52
Trăm đường khổ vì trẻ chưa được trở lại trường:

Kỳ 3: Giáo viên loay hoay vẫn khó bám trụ đến khi trường được mở cửa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc học sinh nghỉ học kéo dài nhiều tháng qua không chỉ khiến các trường, cơ sở giáo dục tư thục đứng trước nhiều khó khăn mà ngay cả bản thân giáo viên tại các cơ sở này cũng phải vất vả kiếm kiếm sống bằng nhiều nghề, thận chí bỏ nghề để tìm công việc khác.
Kỳ 3: Giáo viên loay hoay vẫn khó bám trụ đến khi trường được mở cửa
Giáo viên mầm non tư thực gặp nhiều khó khăn khi nghỉ việc do dịch

"Muốn bỏ nghề đi làm công nhân"

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã cho học sinh các cấp nghỉ học để nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, việc học sinh nghỉ học kéo dài nhiều tháng qua không chỉ khiến các trường, cơ sở giáo dục tư thục đứng trước nhiều khó khăn mà ngay cả bản thân giáo viên tại các cơ sở này cũng phải vất vả kiếm kiếm sống bằng nhiều nghề.

10 năm nay, chị Lê Thị Nhài (ở Dương Hà, Gia Lâm) vẫn quyết tâm bám trụ nghề giáo viên mầm non. Công việc vất vả nhưng vì tình yêu nghề nên chị luôn cố gắng đến cùng.

Hiện chị Nhài là giáo viên tại một trường mầm non tư thục tại quận Long Biên, với mức lương khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Chừng đó thu nhập của chị cộng với lương của chồng, tằn tiện mới lo đủ chi tiêu hàng tháng.

Thế nhưng dịch Covid-19 ập đến kéo theo vô vàn khó khăn, đặc biệt là những gia đình có thu nhập ở mức trung bình như trường hợp chị Nhài. Trường đóng cửa, chị Nhài không có việc để làm, đồng nghĩa không có thu nhập. Tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình đều một tay chồng lo toan.

“Gia đình tôi có 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn nên chi phí cho các cháu cũng nhiều. Chồng tôi làm lao động tự do, chưa có dịch đã phải dè xẻn rồi, giờ thì khó khăn chồng chất. Nghỉ ở nhà, tôi cũng không tìm được việc làm thêm nên mọi khoản chi tiêu của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Bình thường, nếu tôi đi làm, lương được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, thêm vào lo cho gia đình còn đỡ, giờ không đi làm được nên cuộc sống khó khăn đủ bề”, chị Nhài chia sẻ.

“Cả năm nay tôi chỉ đi dạy 2 tháng. Nhiều khi chán tôi muốn bỏ nghề đi làm công nhân. Làm công nhân, lương lậu còn ổn định hơn, còn có tăng ca thêm thu nhập, giáo viên mầm non tư thục như tôi nghỉ dịch không có lương, trường cũng khó khăn không hỗ trợ được gì”, chị Nhài trải lòng.

Lúc chưa có Chỉ thị 16, chị Nhài kiếm đồ hoa quả mang ra chợ bán nhưng cũng không có chỗ ngồi, bị đuổi nên cũng không buôn bán được gì. Khi áp dụng Chỉ thị 16, hai vợ chồng ở nhà nhìn nhau, thu nhập không có, còn các khoản chi thì vẫn thế hoặc tăng lên.

“Gần 1 năm nghỉ làm, kinh tế vốn khó khăn giờ càng thêm khó. Chồng tôi đợt áp dụng Chỉ thị 16 cũng phải nghỉ, thế là cả nhà ngồi nhìn nhau. May sao anh ấy chỉ nghỉ ít thời gian đó thôi chứ không thì cả gia đình cũng không biết làm thế nào. Đồng nghiệp của tôi ai cũng buồn chán. Không biết còn nghỉ dịch đến bao giờ nữa”, chị Nhài cho biết.

Không bán hàng được ở chợ, chị Nhài quyết định vay chút vốn để đồ ăn trên facebook. Nếu có ai đặt hàng thì chị sẽ gom đơn lại rồi đến đại lý lấy giao cho khách. Dịch dã, mọi người thường tận dụng mạng xã hội để bán hàng nên sự cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là về giá cả. Lượng đơn đặt hàng của chị Nhài vì thế không nhiều, chủ yếu là khách quen.

Chị mong mỏi: “Kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, có những lúc chỉ muốn bỏ nghề nhưng lại tiếc vì bao nhiêu năm gắn bó với nghề. Tôi mong lắm có những chế độ cho giáo viên mầm non tư thục bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Chứ cứ thế này tôi không biết có trụ lại với nghề được không”.

Phiền lòng vì để bố mẹ “nuôi”

Nhiều tháng qua, chị Nguyễn Thị Phương Anh (26 tuổi), giáo viên mầm non của một trường tư thục tại quận Hà Đông phải nghỉ việc, ở nhà. Thu nhập không có, chị đành để bố mẹ “nuôi” bởi nếu không thì cũng không biết làm cách nào.

Trước đó, lương của chị cũng thấp, đều đặn đi dạy thì đủ chi tiêu cho bản thân hàng tháng và đóng góp chút ít với bố mẹ tiền điện, nước. Gia cảnh nhà chị Phương Anh cũng không khá giả gì. Từ khi chị nghỉ làm, gánh nặng kinh tế đè lên vai bố mẹ khiến chị không yên lòng.

Để kiếm thêm thu nhập, chị Phương Anh vay tiền của mẹ bán đồ online nhưng lãi lờ không được là bao, thậm chí nhiều phen còn bị “bom” hàng dẫn đến bị lỗ.

"Dù rất buồn vì ở nhà để bố mẹ “nuôi” nhưng bản thân tôi cũng chưa biết nên làm thế nào cho tốt hơn. Cũng tính toán bán hàng nhưng có lẽ chưa có duyên, cộng với đó không phải sở thích của mình nên tôi cũng không hứng thú, càng không có động lực khi nhiều lần người ta đặt hàng rồi lại “bom” hàng không thương tiếc”, chị Phương Anh chia sẻ.

Chị Phương Anh cho biết thêm: “Biết con cái suy nghĩ vì lớn rồi vẫn để bố mẹ nuôi nên bố mẹ thường động viên tôi, bảo cứ ở nhà với bố mẹ đi, bố mẹ vất vả một chút không sao cả. Ít nữa lấy chồng, muốn chẳng được”.

Đó là trường hợp may mắn của chị Phương Anh khi được ở cùng và được bố mẹ hỗ trợ. Còn nhiều giáo viên mầm non khác, nhất là những người từ quê lên lập nghiệp ở Thủ đô, phải thuê trọ… sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều người còn không thể về quê do dịch thời gian vừa qua, phải làm nhiều nghề từ giúp việc, bán hàng online... để kiếm sống.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, TP có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%.

Các cơ sở giáo dục tư thục cũng là đối tượng chịu va đập đầu tiên khi có dịch bệnh. Còn có trường, cơ sở mầm non phải đi vay tiền để trả lương cho giáo viên, tiền thuê địa điểm trong thời gian nghỉ dịch. Trường hợp các cơ sở giáo dục nhận được những hỗ trợ về mặt vật chất thì cũng chỉ duy trì được 1, 2 tháng. Nói về thực trạng này tại buổi tổng kết năm học vừa qua, bậc học giáo dục mầm non đã nhắc đến "những tổn thương chưa từng có" vì đại dịch Covid-19.

Thực tế, các trường mầm non tư thục là những đơn vị tự chủ tài chính nên khi trường tạm dừng hoạt động thì sẽ không có nguồn thu. Đội ngũ giáo viên nghỉ dạy hầu như không được nhận lương, nhưng họ cũng không dám đòi hỏi vì trường cũng khó khăn. Nhiều người cố gắng tìm công việc làm thêm, chờ ngày được đi dạy trở lại nhưng cũng không ít người dù không muốn vẫn phải quyết định từ bỏ nghề để chuyển hẳn sang những công việc khác.

Về lâu dài, đây thực sự là nỗi lo của ngành giáo dục bởi khi trường học được phép hoạt động thì đã mất đi lượng lớn giáo viên mầm non, dẫn đến nhiều khó khăn cho các cơ sở mầm non tư thục, nhất là việc tuyển người, đào tạo người mới… thậm chí có nguy cơ bị giải thể. Khi đó, áp lực chỗ học sẽ đổ dồn sang các trường công lập. Tình trạng lớp học quá đông cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của các nhà trường.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời hơn nữa để các trường, cơ sở mầm non tư thục có thể trụ vững và hoạt động trở lại, để các giáo viên tiếp tục gắn bó với nghề thay vì phải "chia tay" trong sự tiếc nuối.

(Còn nữa)

HĐND TP Hà Nội đã có Nghị quyết số 15 quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cụ thể, hỗ trợ người lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Người được hỗ trợ đồng thời đảm bảo các điều kiện gồm: thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (tính từ 1-5 đến hết 31-12). Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Hà Nội cũng hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động có trụ sở chính tại thành phố phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên từ ngày 1-5 đến 31-12 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch. Đối tượng này được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Kỳ 2: Cô vẫn giảng, còn trò... làm việc riêng Kỳ 2: Cô vẫn giảng, còn trò... làm việc riêng
Kỳ 1: Bố mẹ “điêu đứng” vì con vẫn phải ở nhà do dịch Kỳ 1: Bố mẹ “điêu đứng” vì con vẫn phải ở nhà do dịch
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động