Kỳ 2: Cô vẫn giảng, còn trò... làm việc riêng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSự đồng hành của phụ huynh trong học trực tuyến sẽ giúp các em tiếp thu bài tốt hơn, cảm nhận được sự quan tâm, có thêm động lực phấn đấu |
Tắt camera để... nhắn tin cho bạn
Điều các bậc phụ huynh lo lắng khi con cái vẫn phải học trực tuyến trong khi bố mẹ phải đi làm chính là không sát sao được việc học tập của con, tình trạng học sinh thiếu tập trung, làm việc riêng xảy ra khá nhiều dẫn đến không nắm được nội dung bài học.
Chị Nguyễn Thị Hà, khu Đô Thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) giật mình khi nghe chị giúp việc thông báo về việc cậu con trai học lớp 3 không tập trung học trực tuyến, thậm chí tắt cả camera trong giờ học để nhắn tin cho bạn trong lớp.
“Khi lau dọn trong phòng con trai tôi, chị giúp việc thấy cháu không tập trung học, tắt camera để nhắn tin cho một bạn trong lớp. Cháu còn khoe với chị ấy là: Cháu nhắn thế này có được không bác?” - lời chị Hà. Hóa ra cháu nhắn hẹn bạn bao giờ hết dịch đi chơi. Hỏi lại cháu sao không bật camera để cô theo dõi học bài thì cháu bảo không lo vì “Cô tưởng nhà cháu mất mạng đấy bác ạ”, chị Hà chia sẻ.
Cả hai vợ chồng cùng đi làm giờ hành chính nên anh Phan Văn Kiên ở Hà Đông (Hà Nội) và vợ không thể sát sao được việc học của con. Một hôm, vì quên tập tài liệu ở nhà nên anh quay về nhà lấy, vừa mở cửa đã thấy cậu con trai đang cầm một đống đồ chơi, ngồi ngả cả ra nghế, chân gác lên bàn học trong khi cô giáo vẫn giảng bài. Tiến lại gần nhìn màn hình thì mới biết con tắt camera để làm việc riêng. Sau khi được bố nhắc nhở, cậu bé mới nghiêm túc trở lại lớp học.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến - giáo viên dạy lớp một tại quận Long Biên chia sẻ khó khăn nhất trong khi dạy học trực tuyến là học sinh không tập trung, dễ bị phân tán bởi sự việc nào đó bên ngoài dẫn đế việc tiếp thu bài kém. Bên cạnh đó là học sinh bị sai mà giáo viên không thể ở cạnh bên sửa lỗi cũng như giúp học sinh chỉnh cách cầm bút, luyện chữ trực tiếp.
Học sinh “tự ái” vì xung phong không được cô gọi
Trẻ học trực tuyến lâu dài có thế dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là về tâm lý của học sinh |
Chị Lê Thu Hương, quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ dạo gần đây, những lần theo dõi con học trực tuyến, khi cô giáo đặt câu hỏi trong lớp nhưng con gái chị không hứng thú xung phong dù biết trả lời.
“Khi cô giáo gọi, cháu mới trả lời nhưng có vẻ không hào hứng. Khi học trực tiếp tại trường năm học trước, cháu được các cô giáo khen rất tích cực xây dựng bài nhưng sang năm học này, cháu “lười” phát biểu hẳn. Khi mẹ hỏi nguyên nhân, cháu bảo con không hứng thú vì có ngày con giơ tay nhưng cô không gọi trả lời. Sau đó, mẹ mới phân tích cho cháu hiểu là trong lớp còn rất nhiều bạn nữa, một tiết học cô không thể gọi hết được cả lớp nên lần này cô gọi các bạn thì lần sau cô gọi con", chị Hương chia sẻ.
Ngày nào bé nhà chị Hoàng Thị Giang ở Thanh Xuân (Hà Nội) cũng hỏi mẹ bao giờ được đến trường và tỏ ra không thích học online. Cháu tâm sự với mẹ là bản thân không thích học online nên không hứng thú học. Giờ học, cô giáo gọi thì bé trả lời bài, còn tắt micro xong là không tập trung, thậm chí còn vừa vẽ vời, vừa hát. Dù mẹ khuyên nhủ, phân tích mãi nhưng bé vẫn chưa sửa được.
Khi dịch bệnh Covid-19 còn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, trẻ chưa thể đến trường thì học trực tuyến chính là giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em. Thế nhưng, việc học trực tuyến kéo dài có thể trở thành thách thức rất lớn cho nhà trường, gia đình va bản thân học sinh. Nếu như học sinh thiếu tập trung, không nắm được nội dung bài học trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến lỗ hổng kiến thức trầm trọng. Nguy hiểm hơn chính là vấn đề tâm lý khi trẻ dễ mất tập trung, thiếu tương tác, mệt mỏi, dễ chán, căng thẳng, dễ mắc bệnh về mắt,...
Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu hay thống kê đầy đủ về thực trạng sức khoẻ tâm thần của học sinh trong giai đoạn học online, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng những câu chuyện chân thực từ đời sống khiến chúng ta không thể “dửng dưng” với những điều này.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục Hà Nội), học sinh học trực tuyến cần được tạo điều kiện để vận động thường xuyên nên giáo viên phải rất chú ý đến các hoạt động thể chất xen giữa các tiết dạy của mình, tạo điều kiện cho trẻ được đứng lên khỏi chỗ ngồi và làm một số động tác theo hướng dẫn.
Ngoài ra, giáo viên có thể tận dụng công nghệ để “trò chơi hóa” mọi hoạt động học tập, nhằm kích hoạt sự chú ý, hứng thú và tập trung của trẻ. Giáo viên cố gắng không bỏ sót học sinh mà cần tăng cường tuyên dương, gọi tên học sinh trong quá trình học tập. Để thu hút sự chú ý của học sinh, giáo viên cần làm chủ một số kỹ thuật thu hút và tương tác như trao đổi với trẻ, chia nhóm để thảo luận, tổ chức dạy học theo hình thức tương tác giữa học sinh với học sinh,…
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng phương pháp và kế hoạch giáo dục của giáo viên trong dạy học trực tuyến cần thay đổi so với học trực tiếp. Nếu dạy trực tuyến mà giáo viên giảng bài cả 45 phút thì sẽ rất dễ quá tải, nặng nề cả hai phía thầy và trò. Thay vào đó, giáo viên chỉ nói trong khoảng 50% giờ học, còn lại để HS trao đổi, làm việc. Theo ông Thành, nếu giáo viên giao nhiệm vụ cho HS bằng nhiều hình thức khác nhau trước mỗi giờ học trực tuyến thì học sinh sẽ rất háo hức chờ đến giờ học.
Về phần gia đình, bố mẹ nên sắp xếp không gian học yên tĩnh cho các con; quan tâm, sát sao việc học tập của các con, động viên, khuyến khích các con thực hiện, duy trì thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, tập luyện thể thao, vui chơi giải trí,...; giúp các con kết nối với bạn bè; ghi nhận những điều các con làm được để các con có động lực học tập.
Vì vậy, để học trực tuyến hiệu quả, rất cần sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường cũng như sự tự giác của học sinh.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Bố mẹ “điêu đứng” vì con vẫn phải ở nhà do dịch |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại