Thứ bảy 27/04/2024 13:54
Cẩn trọng với những “dịch vụ tâm linh” thời 4.0:

Kỳ cuối: mạnh tay xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các hoạt động tâm linh xuất phát từ nhu cầu chính đáng của một bộ phận Nhân dân. Song, trên thực tế lại xuất hiện các hành vi “buôn bán tâm linh” với nhiều chiêu thức và thủ đoạn khó lường, trở thành một loại hình “dịch vụ” phổ biến. Hành vi lợi dụng tâm linh để lừa đảo, trục lợi là điều không cho phép.
-	Cần nghiêm trị mọi hành vi lừa đảo tâm linh.       Ảnh minh họa
Cần nghiêm trị mọi hành vi lừa đảo tâm linh. Ảnh minh họa

Chính quyền và người dân cần chung tay

Thời gian qua, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua việc tạo ra các trang web, tài khoản mạng xã hội chuyên về xem bói, tử vi… với phương thức quảng cáo rầm rộ về đủ mọi “dịch vụ tâm linh” được xem miễn phí như: tử vi, chọn ngày đẹp, xem tuổi, gọi vong, ngoại cảm tìm mộ, tìm người thất lạc, thậm chí livestream để lên đồng, bói toán… Từ đó, kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm…

Đức tin tín ngưỡng là đức tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Việc tin vào tâm linh có thể giúp con người có động lực, tinh thần để vực dậy trước những biến cố, khó khăn. Nhưng không phải là một thứ mê tín dị đoan, tín ngưỡng mù quáng làm cho trí óc mê muội… gây nguy hại không chỉ đối với đời sống của cá nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng tới cả xã hội.

Việc đặt niềm tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên, không có cơ sở khoa học như tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép, thỉnh bùa cầu may… Không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng, chỉ vì tin theo những lời bói toán nhảm nhí vô căn cứ, dẫn đến những hậu quả xấu, mất thời gian, tiền của, mua về sự lo lắng, hoang mang. Điển hình như một số vụ lừa đảo tâm linh chiếm đoạt tài sản mà Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội đã nêu ở các kỳ trước trong loạt bài này.

Theo một số chuyên gia tâm lý, tình trạng kinh doanh không hợp pháp liên quan vấn đề tâm linh bùng phát là do lợi nhuận rất lớn của hoạt động này. Thói quen thực hiện nhu cầu tâm linh và hành vi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận Nhân dân cũng khiến việc kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Dù pháp luật có những chế tài cụ thể và nghiêm khắc xử lý hành vi lợi dụng thế giới tâm linh để trục lợi nhưng vẫn còn kẽ hở để các đối tượng xấu hoạt động.

Vì thế, chính quyền và người dân cần chung tay để nghiêm trị mọi hành vi lừa đảo tâm linh. Trong thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý, đơn vị quản trị mạng xã hội cần chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng thuộc quản lý của mình, kịp thời lên án, chấn chỉnh, khóa vĩnh viễn các tài khoản có hành vi truyền bá, kinh doanh mê tín dị đoan... Người dân cần trang bị cho mình tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh; nhìn nhận đúng bản chất các hoạt động tâm linh, không tin theo bói toán vô căn cứ khiến tâm trí mê muội để tiền mất tật mang.

-	Nhóm lừa đảo tâm linh trên mạng xã hội bị cơ quan công an bóc gỡ.  Ảnh CQCA
Nhóm lừa đảo tâm linh trên mạng xã hội bị cơ quan công an bóc gỡ. Ảnh CQCA

Nghiêm trị mọi hành vi lừa đảo tâm linh

Liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 đã quy định rõ hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi là hành vi bị nghiêm cấm (tại khoản 5 Điều 5). Theo đó hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”. Theo đó hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính lên đến 5.000.000 đồng.

Hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều: 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Ngoài ra, hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015…

Một cán bộ điều tra CATP Hà Nội chia sẻ và khuyến cáo: đức tin tâm linh là điểm tựa để mỗi chúng ta có sự an tâm, vững tin hơn trong công việc và cuộc sống, chứ không phải nơi bám víu, cầu may. Không có một lá bùa hay một phép giải nào có đủ sức mạnh làm thay đổi vận mệnh của một người nếu như chúng ta không nỗ lực phấn đấu mà trông chờ, dựa dẫm, mê muội tin vào những thứ hư ảo để rồi mất thời gian, tiền bạc cho kẻ xấu trên không gian mạng.

Mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, không chia sẻ hay tham gia các hội, nhóm trên mạng liên quan tới mê tín dị đoan, cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc để trục lợi.

Kỳ 1: Nở rộ và công khai trên không gian mạng
Kỳ 2: Sự thật về cắt bùa, giải hạn
Kỳ 3: Làm thầy cúng rởm, nhóm bạn trẻ trả giá đắt
Kỳ 4: Không để niềm tin bị kẻ xấu lợi dụng
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động