Kỳ 3: Làm thầy cúng rởm, nhóm bạn trẻ trả giá đắt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhóm đối tượng Tùng, Hằng, Nam, Dương, Minh, Duy, Phong, Trung thời điểm bị bắt. Ảnh: CQCA |
Kế hoạch lừa đảo tinh vi
Là nhóm bạn chơi với nhau khi đều học tập và sinh sống tại Hà Nội nên từ tháng 5 đến tháng 7/2023, Trần Đình Nam, Nguyễn Thế Minh, là sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Nguyễn Hữu Phong, Bùi Ngọc Duy, là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Dương Ngô Tùng, là sinh viên Trường ĐH Công nghệ Đông Á; Hoàng Văn Trung, Nguyễn Thị Hằng và Hoàng Thị Minh Dương đã bàn nhau lên mạng xã hội facebook lừa đảo thông qua các dịch vụ tâm linh.
Kế hoạch của nhóm này là giả làm thầy bói, thầy cúng, có điện thờ, có khả năng cúng lễ để lừa những người cần đặt lễ, cầu cúng tài lộc, dâng sao giải hạn, cầu trúng số… để họ chuyển tiền đặt lễ sau đó chiếm đoạt.
Sau khi đã lên kế hoạch chi tiết, Tùng thuê một căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm để cả nhóm ăn ở và “làm việc”. Ngày 10/5/2023, cả nhóm chuyển đến căn hộ và bắt đầu hoạt động. Tùng mua một fanpage với hàng nghìn lượt người theo dõi có giá 700.000 đồng rồi đổi tên thành “Thầy Thế” và liên tục đăng các bài viết với nội dung: cầu tài lộc may mắn, giải mệnh - đổi đời - tiền tài sung túc, trúng số độc đắc, xin số tâm linh... để lại số điện thoại, ngày sinh, tuổi thầy xem, thầy giúp.
Để trang “Thầy Thế” được nhiều người biết đến, tin tưởng để làm lễ, Tùng sử dụng dịch vụ chạy quảng cáo ứng dụng facebook với số tiền khoảng hơn 100.000.000 đồng/tháng và cùng Hằng lập nhiều tài khoản facebook để bình luận lên trang “Thầy Thế” với nội dung: cảm ơn vì đã được làm lễ, đã trúng số…
Tùng mua 8 sim điện thoại cho cả nhóm để lập các tài khoản zalo: “Bùi Văn Thế”, “Cô Hương”, “Thầy Bùi Văn Thế”, “Thầy Tam Nguyên”, “Cô Hiên”, “Thầy Mo Tâm Linh”, “Thầy Thế”, “Thầy Pháp Tâm Linh”. Khi có người nhắn tin đến, cả nhóm sẽ giới thiệu có điện thờ tại Đền Hùng, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Khi trao đổi với bị hại, các đối tượng sẽ đưa ra các thông tin xấu theo kịch bản mà Tùng đã soạn sẵn từ trước như: nhà có âm binh, có vong người chết trẻ theo, hướng nhà xấu, mồ mả không tốt, có thể nhờ đặt lễ để cúng giải hạn, cúng để trúng số độc đắc,... và phải đặt tiền lên điện để dâng lễ cầu cúng, cúng xong sẽ trả lại.
Tùng còn đặt mua hộp giấy trên mạng để giả làm “hộp bùa” với giá 30.000đ/hộp bán cho bị hại với giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng. Sau khi bị hại nhận “hộp bùa”, chúng tiếp tục đưa ra các thông tin xấu, đến khi bị hại tin tưởng chuyển tiền để đặt lễ giải hạn thì chúng tải ảnh cúng lễ trên mạng gửi cho bị hại để lừa những người này là đang cầu, cúng lễ thật.
Sau đó, chúng lại tiếp tục đưa ra các thông tin gian dối để yêu cầu bị hại tiếp tục chuyển tiền cho đến khi những người này không chuyển tiền nữa hoặc đòi lại tiền thì hủy kết bạn zalo, chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền đã chuyển. Tùng mua 2 tài khoản ngân hàng trên mạng để phục vụ cho việc lừa đảo do mình và Hằng quản lý.
Một trong những nạn nhân của nhóm này là chị L, trú tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, gia đình làm ăn thua lỗ, cần cúng giải hạn nên cuối tháng 5/2023, chị L lên facebook và thấy trang “Thầy Thế” đăng bài viết có khả năng cúng lễ, cầu tài lộc… Chị L liền nhắn tin vào trang này thì được Nam trả lời và hướng dẫn chị L kết bạn với tài khoản zalo “Thầy Bùi Văn Thế” do Nam sử dụng.
Theo kịch bản, Nam giới thiệu mình là “Thầy Bùi Văn Thế” rồi hỏi tên tuổi, địa chỉ của chị L để “viết sớ” dâng lên điện và giới thiệu chị L mua một “hộp bùa”. Ngày 2/6/2023, chị L nhận được “hộp bùa” và thanh toán số tiền 500.000 đồng cho shipper, kiểm tra chị L thấy có một mảnh giấy màu vàng - đỏ và một đồng xu. Nam nhắn tin hướng dẫn chị L chích máu ở tay để thấm vào mảnh giấy và mang giấy, đồng xu theo bên người để giải hạn.
Sau đó, Nam nói nhà chị L có âm binh, có vong người chết trẻ là nữ theo, cần phải đặt tiền trên điện để làm lễ, xong sẽ gửi trả lại tiền. Nam bảo Minh giả làm “Thầy Thế” nói chuyện điện thoại với chị L và nói rằng khi “viết sớ” dâng lên điện đã làm cháy bát hương trên điện, nếu chị L muốn giải hạn thì phải chuyển tiền đặt lễ ngay.
Tin tưởng “Thầy Thế” chị L chuyển tiền 8 lần để đặt lễ, với tổng số tiền là 321.000.000 đồng. Khi thấy chị L không chuyển thêm tiền mà yêu cầu chuyển trả lại tiền đặt lễ thì Nam đã hủy kết bạn zalo, chặn mọi liên lạc với chị L. Ngoài chị L, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người khác ở nhiều địa phương trên cả nước, số tiền chiếm được chúng chia nhau ăn tiêu.
Cái giá phải trả
Căn cứ vào tài liệu điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã khởi tố điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, tuyên án Dương Ngô Tùng 12 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hằng 11 năm 6 tháng tù; Trần Đình Nam 10 năm tù; Nguyễn Thế Minh, Hoàng Thị Minh Dương và Bùi Ngọc Duy đều áp dụng hình phạt 8 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hữu Phong và Hoàng Văn Trung đều áp dụng hình phạt 9 năm 6 tháng tù.
Theo cơ quan tố tụng, hành vi của các đối tượng là nguy hiểm, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tin tưởng vào tâm linh và sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo. Đáng nói, các đối tượng đều là sinh viên các trường ĐH, được đào tạo về công nghệ thông tin nhưng không sử dụng kiến thức đó để làm những công việc kiếm được những đồng tiền chính đáng, mà chỉ vì lòng tham nhất thời, muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng, không phải mất sức lao động mà các bị cáo tự đưa mình vào con đường tù tội, khép lại tương lai đang rộng mở trên giảng đường ĐH, phụ công lao của cha mẹ, thầy cô.
Hành vi phạm tội của các đối tượng đã gây bất bình trong dư luận, lợi dụng “tâm linh” để kiếm tiền, thậm chí nhiều bị hại đang trong hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn do nợ nần làm ăn thua lỗ hoặc gia đình đang gặp vận hạn, khi được các đối tượng tư vấn lại vay mượn tiền, tài sản để cúng lễ giải hạn khiến họ lại càng khó khăn, cùng cực.
Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng nói riêng. Vụ án không chỉ là bài học cảnh tỉnh cho các bị cáo mà còn là bài học cho các bị hại và người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác để tránh gặp phải các trường hợp tương tự xảy ra.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Nở rộ và công khai trên không gian mạng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại