Chủ nhật 28/04/2024 00:44
Cẩn trọng với những “dịch vụ tâm linh” thời 4.0:

Kỳ 2: Sự thật về cắt bùa, giải hạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cao Thị Trang, SN 1991, quê ở tỉnh Lạng Sơn, học xong lớp 12, Trang xuống Bắc Ninh làm thuê rồi lấy chồng tại đây và đã có 2 con, làm nghề bán quần áo thuê. Vào năm 2021, Trang thường lên mạng xã hội và thấy nhiều người mê tín, muốn làm bùa ngải, giải hạn… nên cô ta nảy sinh ý định lừa đảo. Bản thân Trang thi thoảng có đi chùa, đi đền để cầu cúng nên cũng biết một chút về cách cúng lễ.
-	Cao Thị Trang bị CQCA khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cao Thị Trang bị CQCA khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CQCA

“Sập bẫy” vì quá mê muội vào tâm linh

Để thực hiện hành vi, Trang đã lập nhiều tài khoản Tiktok, Zalo, Facebook để tham gia các nhóm tâm linh trên các nền tảng mạng này. Tại các hội nhóm, khi thấy người nào có nhu cầu xem bói, giải hạn, làm bùa… Trang sẽ vào bình luận, giới thiệu “Thầy Tâm” có khả năng giúp họ làm lễ. Và “Thầy Tâm” chính là Trang đóng vai.

Khoảng tháng 9/2023, Trang dùng tài khoản Tiktok “@quynh.anh200019” và một số tài khoản Tiktok khác bình luận nội dung liên quan đến việc Trang đã sử dụng bùa ngải của “Thầy Tâm” ở Bắc Ninh có hiệu quả tốt. Vì mong muốn bạn trai quay lại với mình nên chị T.T.H, SN 1995, trú huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã liên hệ với Trang nhờ “Thầy Tâm” làm bùa ngải.

“Thầy Tâm” giới thiệu mình làm thủ nhang ở đền Lẫm, phường Vạn An, TP Bắc Ninh, có khả năng cúng bùa, giải hạn, hoá giải chuyện tình cảm. Nghe vậy, chị H liền nhờ “Thầy Tâm” xem tâm linh cho mình. Sau đó, “Thầy Tâm” nói đã “soi” và thấy bạn trai chị H đã có người yêu mới, cần phải làm lễ sớm nếu không thì chuyện tình sẽ kết thúc. Đồng thời, khẳng định chỉ trường hợp nào thấy làm lễ chắc chắn hóa giải được thì mới làm và chỉ sau nửa tháng thì sẽ quay lại yêu nhau. Chi phí làm lễ là 10,8 triệu đồng. Không hề nghi ngờ, chị H liền chuyển khoản cho Trang.

Thấy “ngon ăn”, 15 ngày sau Trang gọi lại cho chị H nói rằng “soi” thấy bạn trai của chị bị dính bùa yêu do trước đấy chị H đã làm lễ giải bùa ở các thầy khác không đúng nên bị vận vào. Nếu không giải bùa thì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, về sau sẽ bị tai nạn chảy máu. Để tạo niềm tin và lừa thêm tiền của nạn nhân, Trang hẹn gặp chị H và nói phải làm lễ trực tiếp tại đền Lẫm mới hiệu quả.

Khi nghe thầy phán, chị H vô cùng hoang mang, lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của bạn trai nên đã đến gặp Trang để làm lễ. Chi phí lần này là 18 triệu đồng, chị H đã chuyển khoản cho Trang. Nhận được tiền, Trang đi mua 1 triệu đồng tiền hoa quả, vàng mã rồi cùng chị H đến đền Lẫm làm lễ.

Đến ngày 30/9/2023, Trang gọi điện báo cho chị H lễ giải bùa vẫn chưa xong, cần làm lần 2, vì bạn trai bị phạm vào sức khỏe, tính mạng nặng quá, cần làm sớm… Trang thông báo cho chị H tiền lễ lần 2 hết 15,3 triệu đồng. Tối cùng ngày, chị H gọi cho Trang hỏi về việc làm lễ, Trang nói đã làm lễ lần 2 xong nhưng cần phải làm thêm lễ “tạo ấn” để bảo vệ sức khỏe cho bạn trai chị vì mới được giải bùa nên sức khỏe rất yếu, dễ bị dính bùa lại. Chi phí 13 triệu đồng.

Thấy mình nói gì chị H cũng tin và chuyển tiền ngay nên Trang tiếp tục bịa chuyện, nói với chị H rằng do làm lễ giải bùa nên đã xóa hết các lễ se duyên nên cần làm lễ se duyên, lễ này giúp gắn kết tình cảm giữa chị H với bạn trai, chi phí 18,3 triệu đồng.

Ngày 5/10/2023, Trang lại gọi điện cho chị H nói rằng mình “soi” thấy chị H bị dính bùa rất nặng, nếu không làm lễ sẽ gặp tai nạn, ảnh hưởng tính mạng, lễ hết 12 triệu đồng. Tuy nhiên, lần này chị H bảo với Trang đã hết sạch tiền nên không làm lễ nữa, mặc kệ đến đâu thì đến. Trang liền dọa “để lâu chết người không giải được đâu…”, nghe vậy chị H sợ tai nạn chết nên phải vay mượn bạn bè, người thân được 8 triệu đồng chuyển cho Trang.

Không lâu sau, khi nghe một người bạn nói, bạn trai chuẩn bị vợ chứ không có chuyên quay lại với mình, lúc này chị H mới bừng tỉnh khỏi cơn mê muội. Nhận ra bấy lâu nay mình bị lừa nên chị H đã làm đơn tố cáo đến CATP Bắc Ninh.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, CATP Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Thị Trang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài việc 6 lần nhận tiền của chị H để làm lễ giải bùa, giải hạn, với thủ đoạn tương tự, Trang còn lừa một nạn nhân khác là chị Hoàng Thị D, trú tại tỉnh Phú Thọ.

Chị D thường xuyên theo dõi các nhóm bùa ngải trên mạng xã hội nên có một tài khoản Facebook tên Linh Linh (do Trang lập ra) giới thiệu có biết thầy uy tín làm bùa cắt trùng tang. Vì chị D và bạn trai đang trục trặc trong chuyện tình cảm nên đã liên hệ với Linh Linh để hỏi về vấn đề bùa yêu. Sau khi nói chuyện thì Linh Linh lại giới thiệu “Thầy Tâm” cho chị D để làm bùa yêu.

Sau đó, chị D được “Thầy Tâm” dẫn dắt là lễ cúng bái để nối lại tình cảm với người yêu. Ngày 2/11/2023 lần lễ đầu tiên chí phí 8 triệu đồng. Tiếp đó, Trang lại bịa chuyện người yêu chị D dính bùa ngải nên mới chia tay, giờ muốn quay lại phải làm thêm lễ phí 9,5 triệu đồng. Song, không có tiền chị D chuyển trước cho Trang 5 triệu đồng, số còn lại hứa sẽ chuyển vào ngày 6/11/2023.

Tuy nhiên, ngày 3/11, chị D bất ngờ được CATP Bắc Ninh mời đến làm việc vì liên quan đến việc lừa đảo làm bùa ngải. Đến CQCA, chị D mới ngã ngửa khi biết “Thầy Tâm” chính là Cao Thị Trang.

-	Một trong những tài khoản mạng xã hội Trang dùng để lừa đảo
Một trong những tài khoản mạng xã hội Trang dùng để lừa đảo

Cần bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan

Tại CQCA, Trang tỏ ra ân hận về những việc làm của mình, cô ta khai nhận mình không biết gì về việc cúng bái, bùa ngải… cũng không phải thủ nhang của đền Lẫm. Khi Trang đưa nạn nhân đến đền Lẫm giả làm lễ, thủ nhang của đền cũng không biết việc này.

Theo các chuyên gia tâm lý, các thầy bói rởm thường khuyếch đại, bịa ra những mối tai ương bất hạnh của những người nhẹ dạ cả tin, mê muội để dọa dẫm, gây hoang mang lo sợ rồi bày đặt cho việc cúng lễ, làm bùa, giải bùa, lập đàn dâng sao, yểm đảo… Cần phải bài trừ tệ nạn bói toán mê tín dị đoan, sử dụng biện pháp chế tài xử lý triệt để và quyết liệt với các hành vi mê tín dị đoan và hình sự hóa các hành vi lừa đảo.

Theo một cán bộ điều tra CA tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, các hiện tượng mê tín dị đoan, lễ hội phản cảm ngày càng có chiều hướng phát triển mạnh và gia tăng trong đời sống. Mê tín dị đoan, mê muội tin vào những thứ hư vô không chỉ làm tổn hại kinh tế cá nhân, gia đình mà còn làm nảy sinh tâm lý hoang mang, trông chờ vào các vận may từ bùa phép sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Việc xóa bỏ, ngăn chặn các hoạt động, mê tín dị đoan là một trong những vấn đề cần thiết đòi hỏi có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Trên thực tế, pháp luật đã có các quy định cụ thể về tội hành nghề mê tín, dị đoan với mức phạt lên đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù đến 3 năm. Đồng thời, Tại Khoản Đ, Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng hành nghề bói toán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kỳ 1: Nở rộ và công khai trên không gian mạng
Hai phụ nữ tuyên truyền mê tín dị đoan trong chợ
Nhờ "thầy" làm bùa se duyên, cô gái mất hàng chục triệu đồng
Bị u não nhưng trì hoãn đi khám vì tưởng bị “ma bắt”
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động