Thứ sáu 22/11/2024 09:32
Người Hà Nội thượng tôn pháp luật - giữ gìn cơ sở đoàn kết

Kỳ 4: trợ giúp pháp lý hỗ trợ Nhân dân hiểu biết về pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với ý nghĩa nhân văn của trợ giúp pháp lý (TGPL), trong thời qua, việc tham gia của các trợ giúp viên pháp lý trong việc TGPL miễn phí, TGPL trong quá trình tố tụng đã góp phần quan trọng trong việc giúp cho hội đồng xét xử đưa ra được những bản án công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ tốt được quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân…
Trợ giúp viên pháp lý gặp gỡ những người liên quan trong vụ án ngay trong giai đoạn đầu vụ án. Ảnh: C.P
Trợ giúp viên pháp lý gặp gỡ những người liên quan trong vụ án ngay trong giai đoạn đầu vụ án. Ảnh: C.P

Trợ giúp viên pháp lý hỗ trợ, tư vấn giáo dục trẻ vị thành niên

Theo chị Nguyễn Minh Thu, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội, với chức năng, nhiệm vụ được giao, các trợ giúp viên pháp lý đã tham gia bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội ở ngay giai đoạn đầu của vụ án.

Có những vụ, trợ giúp viên pháp lý tham gia tranh tụng ở cả 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, giúp bị cáo là người chưa thành niên phạm tội giảm hình phạt, chuyển hình phạt tù sang án treo, góp phần mang lại những bản án công tâm, có tình, có lý, giúp thanh thiếu niên phạm tội có cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời.

Chị Nguyễn Minh Thu còn nhớ câu chuyện về vụ việc một nhóm trẻ vị thành niên diễn ra mới đây. Một buổi tối, N.V.T, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đi chơi cùng nhóm bạn thì thấy một nhóm khác cũng đang đi đường. Nhác thấy có người giống người quen của mình, T chỉ tay lên nhóm trên kia và bảo với mọi người. Nhưng từ việc chỉ tay đó khiến một vụ xô xát xảy ra.

Quá trình điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố nhóm của T theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, trong nhóm T có 2 người là người dưới 18 tuổi nên được cơ quan điều tra gửi văn bản cho Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội cử trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu.

Được cử tham gia vụ việc, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Thị Thanh Xuân đều nhận định, đây là vụ việc khởi tố theo yêu cầu của bị hại, cả hai bên bị buộc tội, đều có lỗi khi sự việc xảy ra. Quá trình làm việc, trợ giúp viên pháp lý đã tư vấn, chia sẻ quy định của pháp luật về sự việc trên giúp T và các bạn nhận ra sai lầm của mình.

Mẹ của em N.V.T, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, chị hơi bất ngờ khi gặp trợ giúp viên pháp lý, chị thấy hai bạn khá trẻ tuổi nhưng khi tiếp xúc chị thấy hai trợ giúp viên rất hiểu biết và có tâm trong nghề nghiệp, trợ giúp viên giúp đỡ rất nhiệt tình.

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân huyện Thường Tín. Ảnh: Vũ Quý
Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân huyện Thường Tín. Ảnh: Vũ Quý

Trợ giúp pháp lý miễn phí: điểm tựa của người yếu thế

Tại Hà Nội, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội đã hình thành đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chuyên trách, được chuẩn hóa về chuyên môn nghề luật và kỹ năng TGPL. Theo bà Nguyễn Tú Anh, hoạt động TGPL hướng về cơ sở, chú trọng những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc pháp luật của người dân ngay tại các xã, thôn, làng, xóm… nơi người dân cư trú và sinh sống. Thông qua TGPL đã giúp cho chính quyền hiểu dân, tạo diễn đàn đối thoại dân chủ giữa người dân với chính quyền, góp phần giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, khắc phục, điều chỉnh kịp thời những bất cập của hoạt động công vụ, giữ gìn đoàn kết cộng đồng, ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, thúc đẩy kinh tế pháp triển.

Là một trong những người được tiếp cận và được TGPL miễn phí, ông Nguyễn Văn Thường (Phó trưởng thôn phụ trách cụm 3 xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín) cho biết, hiện nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý của người dân, nhất là người nông dân, người cao tuổi, người yếu thế… ngày càng tăng; yêu cầu về chất lượng, tính chuyên nghiệp của công tác trợ giúp cũng ngày càng cao.

“Đối với những người làm nông như chúng tôi, nhu cầu tiếp cận pháp luật về luật đất đai là rất cần thiết bởi các mâu thuẫn tranh chấp ở nông thôn chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai. Bản thân tôi cùng các gia đình trong thôn đang gặp phải vấn đề tranh chấp đất đai trong nội bộ thôn, tuy nhiên phương án giải quyết chưa đạt được do bị động hiểu biết về luật đất đai và luật hòa giải” – ông Nguyễn Văn Thường cho biết.

Còn theo bà Lê Thị Phượng (thôn Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín), thời gian qua, các cuộc TGPL cho người dân trên địa bàn xã rất bổ ích, tập trung các vấn đề người nghèo, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, người khuyết tật, người cao tuổi… quan tâm.

Một số gia đình có băn khoăn về chính sách dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được các trợ giúp viên pháp lý tư vấn hướng giải quyết. “Gia đình tôi hiện có một số giấy tờ liên quan đến sở hữu đất đai, tuy nhiên chưa nắm rõ được là có còn giá trị hay không. Sau khi được luật sư tư vấn thì tôi đã có hướng đi và bắt đầu xử lý từng khâu trong việc hoàn thiện'' - bà Lê Thị Phượng bày tỏ.

TGPL là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Công tác TGPL đã chứng minh chủ trương, chính sách này là phù hợp với đông đảo nguyện vọng của Nhân dân, với thực tiễn phát triển của đất nước. Công tác truyền thông về Trợ giúp pháp lý là một trong những hoạt động quan trọng, giúp người dân tiếp cận và biết về chính sách TGPL khi có nhu cầu.

Hệ thống TGPL có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tiếp cận công lý. Hệ thống này có vai trò kép, đó là hỗ trợ quần chúng hiểu biết về pháp luật và giúp đỡ quần chúng trong việc theo đuổi các vụ việc ở các hệ thống tư pháp để tìm kiếm sự đền bù/khắc phục khi các quyền và lợi ích hơp pháp bị vi phạm. TGPL cung cấp những dịch vụ pháp lý miễn phí để giúp quần chúng theo đuổi các quyết định và lựa chọn nhằm đạt được giải pháp cuối cùng cho vấn đề…

(Còn nữa)

Kỳ 3: Hòa giải ở cơ sở là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực
Kỳ 2: đưa các quy định của pháp luật đi vào quy chế, quy ước
Kỳ 1: Sự chung sức của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công cuộc thực thi pháp luật
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động