Thứ hai 02/09/2024 08:15
Người Hà Nội thượng tôn pháp luật

Kỳ 2: đưa các quy định của pháp luật đi vào quy chế, quy ước

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo ông Nguyễn Trung Thanh (Yên Hoà, quận Cầu Giấy) hậu bối của Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên, quy chế của dòng họ ngoài việc đảm bảo gìn giữ các truyền thống vốn tốt đẹp của ông cha ta, đồng thời còn phát huy, câu thúc mỗi người trong dòng họ phải sống theo những quy chuẩn, quy định của luật pháp.
Ông Nguyễn Trung Thanh nâng niu cuốn quy chế dòng họ Nguyễn Như. Ảnh: N.D
Ông Nguyễn Trung Thanh nâng niu cuốn quy chế dòng họ Nguyễn Như. Ảnh: N.D

Các quy định của pháp luật đi vào quy chế dòng họ

Không giấu giếm sự tự hào, ông Nguyễn Trung Thanh cho biết, ông đã tốn nhiều công sức để soạn ra quy chế của dòng họ. Bản quy chế được đúc kết lại từ chính những điều răn dạy của ông cha, kế thừa những chỉ bảo của tiền nhân để hôm nay, ngoài việc gìn giữ truyền thống của dòng họ, người trong tộc còn biết đối nhân xử thế, cư xử lề lối, tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, một nước dù lớn hay nhỏ, dù ở thời kỳ chế độ quân chủ phong kiến hay chế độ dân chủ cũng phải có các quy định, thể chế theo từng thời kỳ cụ thể để đảm bảo bộ máy điều hành thống nhất chung trong quốc gia của mình. Đó là Luật pháp.

Đối với dòng họ, nó là quy chế, là tộc ước. Bao gồm những quy định chung cho toàn thể mọi thành viên trong họ thực hiện theo. Nó không chỉ cho hiện tại mà cả các thế hệ mai sau để đảm bảo gìn giữ các truyền thống vốn tốt đẹp của ông cha ta, đồng thời phát huy, câu thúc mỗi người trong dòng họ phải sống theo những quy chuẩn cụ thể, rõ ràng và tỉ mỉ hơn những quy định của luật pháp” – ông Nguyễn Trung Thanh cho biết.

Ông chỉ rõ, trong bản quy chế dòng họ Nguyễn Như có quy định trong nội bộ gia đình, mỗi người đều phải noi dấu tiền nhân sống biết tôn trọng đạo lý, trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới, thật sự yêu thương đùm bọc, nhắc nhở, giúp đỡ nhau làm tròn nghĩa vụ đối với gia đình, gia tộc và xã hội.

Đối với mỗi gia đình thì các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước họ tộc về những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các thành viên trong gia đình và người thân. Mỗi cá nhân phải tự cam kết không vi phạm pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy ước dòng họ đề ra, không mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục lạc hậu, phòng, chống tệ nạn xã hội…

“Quy chế dòng họ là quy định dưới luật, quản thúc người ta bằng tình máu mủ ruột rà, bằng việc trên bảo dưới nghe… với những quy định rất thường, rất gần gũi nhưng lại hữu hiệu nhất đối với từng con người sống thượng tôn pháp luật. Vì thế mà trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tuân thủ lối sống văn minh, văn hoá, dòng họ tôi không có cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật” – ông Nguyễn Trung Thanh cho biết.

Người dân Cổ Nhuế thực hiện giữ gìn cảnh quan đường phố theo quy ước. Ảnh: C.P
Người dân Cổ Nhuế thực hiện giữ gìn cảnh quan đường phố theo quy ước. Ảnh: C.P

Triển khai quy ước tích cực, hiệu quả

Thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư với mục đích phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật… nhiều phường, xã ở Hà Nội đã triển khai xây dựng và thực hiện theo quy ước tổ dân phố một cách tích cực, hiệu quả.

Quy ước của Tổ dân phố Hoàng 19 (Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dễ đi vào lòng người bởi những quy định rất gần gũi, thân thiết. Bản Quy ước được đích thân Tổ trưởng dân phố phát đến từng nhà và yêu cầu các gia đình giữ gìn cẩn thận, nhắc nhở nhau cùng thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Kim Hòa, Phó Bí thư, Tổ trưởng Tổ dân phố Hoàng 19, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, quy ước của Tổ dân phố được xây dựng trên cơ sở những điều lệ của một cộng đồng người chung sống trong cùng một khu vực, nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với hộ gia đình, giữa gia đình này với gia đình khác, giữa cá nhân, hộ gia đình với tổ chức, giữa tổ chức này với tổ chức kia bảo đảm phù hợp với đạo lý, nguyện vọng chung, thuần phong mỹ tục và không trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài những quy định về gìn giữ nếp sống văn hoá, quy ước còn quy định về phòng cháy, chữa cháy và phòng chống bão lụt; quy định về phòng chống dịch bệnh; quy định về chấp hành pháp luật… “Cái hay của quy ước là vẫn thuộc quy định của pháp luật, nhưng nó đơn giản, dễ hiểu và mộc mạc hơn, không khiến cho người ta có cảm giác bị quản thúc, cứng nhắc” – bà Nguyễn Thị Kim Hoà nói.

Về việc tuyên truyền, vận động cũng như theo dõi việc thực hiện các quy định pháp luật ở địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Hoà đã chủ động lập nhóm zalo của tổ dân phố và thêm đại diện mỗi hộ gia đình 1 người vào nhóm từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Từ thời điểm lập nhóm zalo, bà thông tin các vấn đề của tổ dân phố trong zalo cũng như bảng thông tin ở nhà sinh hoạt cộng đồng... Thời điểm đầu, mọi người còn chưa quan tâm lắm nhưng sau này, vì đặc thù công việc đi làm, thời gian ra nhà sinh hoạt cộng đồng ít nên nhóm zalo đã phục vụ nhu cầu của người dân rất tốt, thuận tiện khi chỉ cần có điện thoại là đọc được toàn bộ nội dung liên quan đến tổ dân phố. Bất kỳ thông tin công khai bà đều gửi vào trong nhóm, để rồi bây giờ có gia đình cả vợ chồng, con cái đều xin vào nhóm zalo để cập nhật tin tức tổ dân phố.

“Ở tổ dân phố đa số là dân nhập cư hoặc người đi thuê nhà nên mang các điều ở quy ước ra chia sẻ hoặc nói với người dân thì vô cùng khó khăn, không ai muốn nghe nên mình không thể tổ chức buổi tuyên truyền trực tiếp được. Do vậy, khi hội nghị Nhân dân đầu năm, tôi sẽ đưa một mục nào đấy gần gũi với các việc mà tổ dân phố hoạt động đem lại lợi ích cho Nhân dân, nằm trong quy ước để chia sẻ với người dân” – bà Nguyễn Thị Kim Hoà nói.

Thông báo trên zalo mời các thành viên của tổ dân phố ra nhà sinh hoạt cộng đồng họp và mọi người hưởng ứng, ngày hôm sau ra họp gần như đầy đủ. Hoặc thông báo về việc tổng vệ sinh toàn tổ dân phố, kêu gọi người dân ra nhà sinh hoạt cộng đồng để chia tổ đi quét dọn cũng như người dân sẽ dọn dẹp khu vực trước cửa nhà mình. Ngày hôm sau, mọi người ra tham gia rất đông và nhà nào cũng tự giác vệ sinh sạch sẽ khu vực trước cửa nhà mình…

(Còn nữa)

Kỳ 1: Sự chung sức của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công cuộc thực thi pháp luật Kỳ 1: Sự chung sức của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công cuộc thực thi pháp luật
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động