Thứ ba 26/11/2024 06:50
Thiếu sân chơi tại các chung cư ở Hà Nội

Kỳ 4: Công tác giám sát, thanh tra xử lý là vấn đề quan trọng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về câu chuyện thiếu các không gian công cộng, sân chơi trẻ em, các chuyên gia cho rằng, trong những năm vừa qua, thành phố (TP) đã có những quy hoạch, định hướng và quản lý nói chung. Nhưng riêng đối với các không gian công cộng trong các nhóm nhà ở và khu đô thị, gần như chưa có sự giám sát thực hiện chặt chẽ.
Cần thêm những không gian cây xanh, vui chơi cho người dân. Ảnh: Duy Linh
Cần thêm những không gian cây xanh, vui chơi cho người dân. Ảnh: Duy Linh

Diện tích dành cho khu vui chơi công cộng là tiêu chí bắt buộc

Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp của HĐND TP, vấn đề không gian công cộng, vườn hoa sân chơi cho trẻ nhỏ luôn là vấn đề bức xúc của cử tri và Nhân dân Hà Nội.

Bởi, theo quy chuẩn của xây dựng Việt Nam, mỗi người dân trong khu đô thị phải được hưởng trung bình 2m2 không gian/người, nhưng hiện nay đều không đạt cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ các khu dân cư trong nội thành, mà ngay cả các quận mới vùng vành đai hiện đang còn quỹ đất, nhưng nếu không được chú trọng, không bắt buộc đưa vào trong quy hoạch thì chắc chắn sẽ không còn khoảng đất trống nào cho các khu vui chơi công cộng.

Trong quy hoạch phát triển đô thị từ trước tới nay, diện tích dành cho khu vui chơi công cộng là một tiêu chí bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả các chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi xây dựng xong và đi vào hoạt động thì các khu đất làm sân chơi lại không còn là điểm vui chơi nữa mà nó được chuyển đổi sang mục đích khác

Cụ thể hơn, từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu tất cả các địa phương khi xây dựng các khu đô thị đều phải dành quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không địa phương nào thực hiện, cũng không có vị lãnh đạo tỉnh, thành nào bị xử lý về việc này…

Tăng cường giám sát, thanh tra xử lý

Về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì không gian công cộng là yếu tố rất lớn liên quan đến chất lượng sống của người dân, và đặc biệt liên quan đến phân loại đô thị.

Trong các đô thị mới, theo tiêu chuẩn xây dựng bắt buộc phải có không gian công cộng bao gồm sân chơi phục vụ cho 1 - 2 nhà chung cư nhất định, vườn dạo có diện tích từ 3.000m2 - 1ha. Ngoài ra, một số khu đô thị lớn cần có các công viên 3ha trở lên. Ở đây, với tầng bậc không gian xanh như vậy sẽ tạo ra tính kết nối với người dân, đáp ứng nhu cầu thường xuyên hàng ngày của cư dân, nâng cao chất lượng sống của họ để tạo ra một cộng đồng hài hòa

Những điều này không phải là ý tưởng của một nhà thiết kế, một chủ đầu tư mà được thể chế hóa trong quy chuẩn xây dựng, trong quy hoạch của Việt Nam hiện nay.

"Hiện nay sân chơi trong nội đô TP Hà Nội chỉ đạt 1,7m2/người, thấp hơn mức bình quân. Còn nếu về không gian xanh công cộng gồm cây xanh hè phố và những nơi khác nữa thì Hà Nội mới đạt 5m2, trong khi tối thiểu phải đạt 7m2. Mục tiêu Hà Nội phấn đấu là đạt 12 – 15m2 cây xanh/ người. Rõ ràng chúng ta không đạt được mức này", KTS Nghiêm chia sẻ. Quy chuẩn có, tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể từng hạng mục, nội dung như thế nào lại chưa cụ thể. Chính việc đó dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư “lập lờ đánh lận con đen”, “quên” hay biến sân chơi, vườn hoa thành những bãi đỗ xe hoặc sử dụng vào mục đích khác. Vì vậy, KTS Nghiêm cho rằng, bên cạnh việc quan tâm đến công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, thì công tác giám sát, thanh tra cũng là nhiệm vụ quan trọng để có thể phát hiện các vi phạm, xử lý kịp thời.

“Chúng ta chỉ mới có quy định cứ xong đủ hạ tầng kỹ thuật là được, chứ chưa đề cập đến hạ tầng xã hội. Do đó, bây giờ phải bổ sung thêm quy định phải có đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì mới cho chủ đầu tư cho phép người dân vào ở. Để làm tốt điều này, công tác giám sát, thanh tra xử lý là vấn đề quan trọng”, KTS Nghiêm chia sẻ.

Cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng quy hoạch dự án, không được làm các công trình thu lời trước rồi mới để ý tới việc phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

Đặc biệt, cần có giải pháp bổ sung mảng diện tích xanh để lấp đầy sự thiếu vắng không gian công cộng làm chỗ chơi cho trẻ em, chỗ đi dạo cho người già. Nhà phát triển dự án cần lắng nghe ý kiến, nhu cầu của người dân ở từng khu vực để xây dựng những không gian công cộng tối thiểu và phù hợp cho cư dân của mình.

Đồng thời, cần kiểm kê quỹ đất có thể phát triển vườn hoa sân chơi trong khu dân cư, trong đó lồng ghép với nhiệm vụ kiểm kê quỹ đất công, đặc biệt là các quỹ đất công đang sử dụng lãng phí, sai mục đích để ưu tiên phát triển vườn hoa sân chơi; khôi phục không gian công cộng hiện có, đẩy lùi tệ nạn lấn chiếm, sử dụng sai mục đích để khôi phục, nâng cấp các không gian vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư.

“Hiện nay đang sửa đổi Luật Thủ đô, vậy phải có cơ chế nào đó để ngân sách Nhà nước hỗ trợ việc tạo lập các sân chơi này”, theo KTS Nghiêm.

“Năm 2016, TP có quy hoạch về công viên cây xanh với hàng loạt chỉ tiêu. Trong đó đưa ra chỉ tiêu hơn 7.000 ha làm công viên cây xanh. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Gần đây nhất, để giải quyết yêu cầu trước mắt, TP đã có kế hoạch chỉnh trang lại công viên, xây dựng kết hợp chỉnh trang công viên hiện có như Công viên Thống Nhất, Công viên Hòa Bình, công viên Tuổi Trẻ nhằm tạo thuận lợi cho người dân", KTS Nghiêm cho biết, đồng thời nhận định rằng để đẩy mạnh không gian xanh, TP nên có ưu đãi về nguồn vốn ngân sách. Ngoài ra, cũng phải huy động nguồn lực xã hội cùng sức mạnh của hệ thống chính trị, đoàn thể… tham gia xây dựng đường phố xanh, sân chơi cho người dân.

(Còn nữa)

Kỳ 1: “Quên” đầu tư cho hạ tầng, sân chơi dần “biến mất”
Kỳ 2: “Bí bách” vì không có chỗ thư giãn, vui chơi
Kỳ 3: Quỹ đất dành cho sân chơi chưa được chủ đầu tư quan tâm?
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động