Kỳ cuối: Cần sự chung sức của cả cộng đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột sân chơi được "ra đời" bởi các nhóm cộng đồng. Ảnh: Duy Linh |
Những giải pháp hữu hiệu
Việc thiếu sân chơi hay việc sân chơi bị lấn chiếm giải quyết không phải một sớm một chiều. Trong thời gian qua, không “đao to búa lớn” nhưng người dân Hà Nội đã có những giải pháp hữu hiệu trong “cuộc chiến” sân chơi này.
Khoảng sân chơi hơn 600m2 của tổ dân phố số 8, phường Kim Liên, quận Đống Đa đã không còn nhếch nhác. Khoảng sân quang đãng, được lắp đặt các thiết bị thể dục, đồ chơi, vườn hoa… nhộn nhịp những trẻ nhỏ chơi, người già thảnh thơi nói chuyện. Chốc chốc, lại có vài đứa trẻ nô đùa, rượt đuổi nhau quanh những chiếc ghế đá có ông, bà ngồi thư giãn.
Theo người dân ở đây, trước kia, khoảng sân này bị một số hộ dân chiếm dụng để làm quán bia, bãi để xe gây ồn ào và rất mất mỹ quan. Trong khi đó người già, trẻ nhỏ lại thiếu một sân chơi công cộng. Chính điều này đã thôi thúc họ đấu tranh giành lại, để xây dựng một công viên thu nhỏ giữa lòng khu tập thể cho người dân có chỗ giải lao sau ngày học tập, làm việc vất vả.
Cũng theo người dân, ngoài việc khéo léo, bền bỉ thuyết phục để mọi người nhận thức được đầy đủ lợi ích của sân chơi trong khu dân cư, người dân ở đây còn kêu gọi xã hội hóa kinh phí để tạo dựng sân chơi. Từ sự tài trợ từ người dân trong tổ, các nhà hảo tâm cùng các doanh nghiệp trên địa bàn, KGCC khang trang của người dân thuộc tổ dân phố số 8 hình thành như một niềm tự hào của họ.
Không quyết liệt đòi lại KGCC như người dân, nhưng chung ý tưởng tạo ra những sân chơi cho trẻ em, nhóm thiện nguyện gồm các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng ở Hà Nội có tên Think Playgrounds cũng muốn “làm điều gì đó cho Thủ đô”, để thiếu nhi bứt ra khỏi trò chơi máy tính, có không gian vui chơi an toàn. Và những sân chơi hoàn toàn miễn phí với đồ chơi ngộ nghĩnh làm bằng vật liệu tái chế đã ra đời, tạo điều kiện cho thiếu nhi vừa được vui chơi, vừa phát triển thể chất và tinh thần.
Dưới đôi bàn tay của những kiến trúc sư trẻ, những miếng gỗ thừa, lốp xe ôtô hỏng, bàn ghế hỏng… sau một thời gian ngắn đã biến thành những đồ chơi thú vị như đồ chơi vượt chướng ngại vật, xích đu, ghế xoay… màu sắc lại sinh động, bắt mắt đã trở thành những hạng mục không thể thiếu trong các sân chơi công cộng. Khu vui chơi gần 100m2 ở xóm Phao (bãi giữa sông Hồng), Tuệ Viên gần 200m2 ở Long Biên, sân chơi ở các khu tập thể Phương Mai, Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Tự, Ngọc Khánh…
Và chính quyền cũng không còn làm ngơ, trước đây, phường Giảng Võ đã ban hành Nghị quyết về xử lý nghiêm vi phạm trật tự đô thị tại các khu chung cư, tập thể trên địa bàn. Trong đó, kiên quyết giải quyết trật tự đô thị tại từng sân, từng khu vực, đặc biệt giao trách nhiệm quản lý cho tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn.
Hoặc như phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) lực lượng chức năng đã thường xuyên ra quân kiểm tra, tăng cường mật độ tuần tra, xử lý vi phạm, để giải quyết những lộn xộn tại các sân chơi ở khu chung cư, nhà tập thể trên địa bàn. UBND phường cũng giao cho tổ dân phố, trưởng tòa nhà quản lý các sân chơi chung này, có vấn đề phát sinh thì báo ngay cho UBND phường để có biện pháp xử lý...
Việc xử lý tình trạng lấn chiếm sân chơi chung tuy gặp nhiều khó khăn nhưng theo lãnh đạo một số địa phương, nếu có sự quyết tâm thì việc lấy lại KGCC tại các chung cư không phải là khó. Thực tế, khi lực lượng chức năng kiên quyết ra tay, nhiều các sân chơi nhà tập thể đã không còn tình trạng lấn chiếm sân để kinh doanh.
Có thể thấy, để chống tái lấn chiếm sân chung khu chung cư, tập thể, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân thì cần đồng bộ hóa các giải pháp như xây dựng hàng rào phù hợp, lắp đặt các trang thiết bị vui chơi, thể dục và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm...
Đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên
Không gian cộng đồng không chỉ là một chỗ chơi, mà còn là một không gian xã hội giúp mọi người chia sẻ và tổ chức các hoạt động tập thể, giúp gắn kết với nhau hơn. Có thể thấy, hiệu quả đáng ghi nhận từ những khu vui chơi, vườn hoa công cộng đã đem lại rất cao. Mặc dù nhiều nơi chỉ có một vài thiết bị đơn sơ, chưa được tạo lập thành hệ thống nhưng vẫn được người dân phấn khởi đón nhận.
Cũng để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi, vườn hoa công cộng, UBND thành phố (TP) Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8826/UBND-XDGT gửi các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã về việc quản lý, đầu tư vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn TP. Trên cơ sở kiến nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, TP cũng đã chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng sân chơi, vườn hoa tại 118 phường, xã, thị trấn, với tổng diện tích 59ha. Sau khi giải quyết nhu cầu còn thiếu đợt đầu cho 118 phường, xã, thị trấn nói trên, nhu cầu cần giải quyết giai đoạn sau sẽ là 334 phường, xã, thị trấn (thuộc 23 quận, huyện, thị xã), với tổng diện tích 167ha.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý các sân chơi, vườn hoa, được chủ động trong việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư lắp đặt các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Đồng thời, Hà Nội cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới. Riêng 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.
Ngoài ra, không ít những chủ trương, quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đã “hiện thực hóa” và đi vào cuộc sống như: Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, đưa vào sử dụng công viên Hòa Bình rộng hơn 20ha, công viên Yên Sở 300ha, xây dựng công viên Kim Quy quy mô lên tới 198ha theo mô hình Disneyland tại huyện Đông Anh, Dự án khu công viên - hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Mai Dịch, công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, công viên hồ điều hòa Nhân Chính, khu công viên thể thao cây xanh Hà Đông…
Với chủ trương của TP, hy vọng nhu cầu về sân chơi cho trẻ em sẽ được giải quyết, các em nhỏ sẽ được trẻ lại những không gian vui chơi, giải trí thực sự lành mạnh để có thể phát triển đầy đủ cả thế chất và tinh thần. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại