Thứ bảy 14/12/2024 07:25
Có một Hà Nội giàu bản sắc được kết tinh bởi văn hóa Tràng An - xứ Đoài:

Kỳ 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận uỷ Thanh Xuân Bùi Huyền Mai nhấn mạnh sau điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội trở thành nơi hội tụ, giao thoa văn hóa, hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Đoài. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài luôn nhận được sự quan tâm của TP.
Kỳ 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài
Không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Quý

Giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài cần đi vào chiều sâu

Với vị thế là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô - Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long - Hà Nội, tiếp nhận những yếu tố mới, nét đẹp văn hóa từ kinh đô Thăng Long - Hà Nội để làm phong phú hơn bản sắc của riêng mình.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận uỷ Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cho rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài đóng vai trò quan trọng, góp phần khẳng định các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo cùng những đặc trưng di sản vốn có.

Những năm gần đây, các giá trị di sản văn hóa xứ Đoài từng bước được khai thác phát triển du lịch như làng cổ Đường Lâm, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Mía, Thành cổ Sơn Tây,…; các làng nghề như mộc Chàng Sơn, tạc tượng Sơn Đồng, chuồn chuồn tre Thạch Xá,…

Đặc biệt, không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây tuy mới hoạt động nhưng cũng đã thu hút sự chú ý của đông đảo Nhân dân Thủ đô, các du khách. Bên cạnh các sân khấu biểu diễn nghệ thuật, còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực xứ Đoài.

Nhờ có di tích Thành cổ Sơn Tây mà không gian phố đi bộ Thành cổ từ khi chính thức được khai trương đến nay đã rất thành công và luôn giữ được lượng du khách đông và ổn định mỗi tuần. Theo số liệu của UBND Thị xã Sơn Tây, tính đến tháng 4/2023, sau gần một năm triển khai thí điểm hoạt động tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, lượng khách đến với tuyến phố đã đạt hơn 420 nghìn lượt khách, trung bình mỗi tối hoạt động thu hút khoảng gần 10 nghìn lượt khách.

Các chuyên gia đều đánh giá cao hoạt động của phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây vì phù hợp với đường hướng phát triển văn hóa của TP, đưa những giá trị di sản vật thể, phi vật thể đến công chúng, góp phần kéo nhiều du khách đến xứ Đoài.

Bên cạnh những kết quả tích cực cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế, việc khai thác, phát triển du lịch văn hóa tại vùng đất xứ Đoài những năm qua còn nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều nơi mới chỉ đón được lượng du khách khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều vấn đề trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài như: Bảo tồn các lễ hội; một số giá trị tiêu biểu tín ngưỡng, tôn giáo xứ Đoài; di sản xứ Đoài trong kết nối không gian văn hóa và cảnh quan kiến trúc; truyền thống khoa cử và các nhà khoa bảng xứ Đoài…

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý đề xuất tập trung đầu tư cho giáo dục di sản, tạo nền tảng để xây dựng các kế hoạch hoạt động phát huy giá trị; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị không gian văn hóa của Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây,… Việc tổ chức các hoạt động giáo dục di sản cũng thúc đẩy du lịch di sản trên địa bàn.

GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài cần tiếp tục đi vào chiều sâu, với những dự án cụ thể để khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa xứ Đoài trong phát triển kinh tế - xã hội.

PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, xứ Đoài chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa Hà Nội, dần hình thành vùng văn hóa nông thôn trong lòng đô thị, tuy có sự thay đổi về cơ sở vật chất nhưng giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đoài vẫn như mạch nguồn âm thầm tiếp nối, tạo nên sắc thái riêng biệt của Sơn Tây - Hà Nội. Vì vậy, cần có tư duy, tầm nhìn và phương thức giữ gìn lối sống của người dân xứ Đoài như là những tiểu vùng văn hóa trong vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội thời hiện đại.

Kỳ 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài
Du khách nước ngoài trải nghiệm không gian Tết Việt tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Khánh Huy

Tập trung xây dựng điểm nhấn vào Thị xã Sơn Tây

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, việc cần làm ngay là tập trung xây dựng điểm nhấn vào Thị xã Sơn Tây, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài, trong đó, ba di sản đặc sắc nên được quan tâm trước tiên gồm Tòa Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, lễ hội đền Và. Trong đó, việc tôn tạo, phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây phải là một nội dung đặc biệt quan trọng.

Trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thành Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Đây là tòa thành thời Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn về hình dáng, quy mô và có khả năng phục hồi tốt nhất ở nước ta.

Thành cổ Sơn Tây có vị thế đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm mà xung quanh có mật độ di tích lịch sử văn hóa đậm đặc nhất như Khu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Tây Đằng, chùa Mía..., là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm hội tụ nổi bật nhất của văn hóa xứ Đoài.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc phục dựng các hạng mục còn lại của Thành cổ như nó vốn có (các dinh thự, võ miếu, trại lính, kho vũ khí…), để Thành cổ Sơn Tây trở thành mô hình của trấn, thành thời nhà Nguyễn, làm cơ sở cho các địa phương khác phục dựng thành cổ khi có điều kiện.

Bên cạnh đó, Thị xã Sơn Tây cần tìm hiểu, sưu tầm bổ sung thông tin về một số sự kiện nổi bật diễn ra tại đây từ thời nhà Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ Việt Nam đã giành được độc lập. Làm được điều này, giá trị của di tích sẽ được nâng lên đáng kể, xứng tầm với vai trò của di tích trong lịch sử.

TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, khẳng định ngoài Kinh thành Huế, Thành cổ Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn Thành cổ Sơn Tây đã đạt được những thành tựu rất khả quan nhưng Thị xã Sơn Tây cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo một cách bài bản hơn nữa.

Từ những thành công ban đầu, Thị xã Sơn Tây triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và Nhân dân về việc mở rộng phạm vi tuyến phố, dự kiến mở rộng toàn bộ tuyến đường xung quanh Thành cổ, nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí và cơ sở hạ tầng chung quanh khu vực bờ hào Thành cổ và của khu vực chợ Nghệ Sơn Tây; nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức mở thêm các khu ẩm thực đêm, khu vui chơi mua sắm tại các tuyến phố lân cận.

Với làng cổ Đường Lâm, đây là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia - một quần thể di tích với 50 di tích có giá trị được xếp hạng, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm, ban hành Đề án "Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm”,... nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn.

Một trong những dự án tiêu biểu cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm là không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài creative. Đây là một trong những không gian sáng tạo đầu tiên tại Làng cổ nhằm mang đến nhiều hơn những cơ hội trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của Đường Lâm nói riêng, làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn nói chung.

Trưởng ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài creative được cải tạo từ một công trình cũ tại Làng cổ Đường Lâm, thông qua việc tái hiện kiến trúc cổ cùng các kỹ thuật làm nhà truyền thống khác, tạo nên không gian đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài. Sự ra đời của không gian văn hóa này hứa hẹn nhân lên cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống làng cổ với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, khơi nguồn sáng tạo phong phú, đặc sắc trong tương lai.

Ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết Ban quản lý sẽ tiếp tục đồng hành với người dân trong việc xây dựng ý tưởng về không gian sáng tạo, cũng như hỗ trợ các hoạt động quảng bá, giới thiệu tới du khách, để các mô hình văn hóa như trên sẽ được nhân rộng. Cụ thể gồm các hoạt động: vận động cải tạo những ngôi nhà cũ để trống hoặc có kiến trúc không phù hợp thành không gian sáng tạo, với các chủ đề đặc sắc và đa dạng gắn kết với đời sống, văn hóa, lịch sử làng cổ,… phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, tăng thu nhập cho người dân.

Kỳ 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài
Tại Đường Lâm cũng trưng bày, giới thiệu một số trang phục truyền thống của Làng cổ ở Đường Lâm (trang phục, trang sức, phụ kiện cổ truyền thống như trang phục đám cưới, sinh hoạt thường nhật, trong sản xuất...). Ảnh: Khánh Huy

Tại chuyến khảo sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm và khu di tích Đền Và trên địa bàn thị xã Sơn Tây vào tháng 5/2023, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, làng cổ ở Đường Lâm và các di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây có giá trị văn hóa lịch sử to lớn, trong đó, làng cổ ở Đường Lâm là di tích hiếm có, thuộc dạng độc nhất vô nhị của cả nước.

Từ chuyến khảo sát này, trên cơ sở đánh giá tình hình công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích này thời gian qua; làm rõ từ thực tiễn những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại, lãnh đạo TP sẽ xem xét, chỉ đạo trước hết là công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời xây dựng các cơ chế nhằm đạt được 3 mục tiêu, vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị vô giá của di tích; vừa phát huy tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, dịch vụ; đồng thời nâng cao điều kiện sống, bảo đảm sinh kế, gia tăng thu nhập cho người dân.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn, Thị xã Sơn Tây cũng đề xuất, kiến nghị với TP đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu đô thị ST4; hướng dẫn thị xã thực hiện điều chỉnh Quy bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ ở Đường Lâm; kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí, cho phép và hỗ trợ thực hiện Quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch thị xã Sơn Tây, bao gồm các nội dung: Mở rộng khuôn viên và đầu tư hạ tầng cụm di tích đền vua Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, khu di tích Đền Và, Văn Miếu, thành cổ; xây dựng cụm công viên sông Tích kết nối các điểm di tích bằng đường thủy và đường bộ,...

Trong một cuộc hội thảo xác định giá trị làng cổ Đường Lâm, GS Tomoda - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Quốc tế - Trường Đại học Sona Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) cho biết: "Việt Nam thật may mắn khi còn giữ được làng cổ ở Đường Lâm, thế hệ sau này nhìn vào biết được thế hệ ông cha mình đã sống, sinh hoạt, lao động như thế nào. Giữ được làng Việt cổ là giữ cho đời sau biểu hiện của tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Để mất làng cổ Đường Lâm là Việt Nam mất đi một di sản văn hóa vô cùng quý giá, không gì có thể đong đếm được".

(Còn nữa...)

Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam
Kỳ 2: Văn hóa Tràng An - biểu tượng nét đẹp kinh kỳ mãi trường tồn
Kỳ 3: Những mạch ngầm hội tụ, hòa quyện để tỏa sáng
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động