Thứ sáu 22/11/2024 16:12
Có một Hà Nội giàu bản sắc được kết tinh bởi văn hóa Tràng An - xứ Đoài:

Kỳ 3: Những mạch ngầm hội tụ, hòa quyện để tỏa sáng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 1/8/2023, đánh dấu tròn 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12. Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Hà Nội.
Kỳ 3: Những mạch ngầm hội tụ, hòa quyện để tỏa sáng
Màn múa Rồng của các nghệ nhân làng Triều Khúc, tái hiện hình ảnh con Rồng cháu Tiên, với mong ước mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an, nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Ảnh: Minh An

Đánh thức những tiềm năng

Việc sáp nhập địa giới hành chính giúp giá trị về di sản của Thủ đô càng được phát huy. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Hà Nội đã xây dựng, bảo tồn được một nguồn tài sản văn hóa di sản to lớn và vô cùng quý giá. Nhiều công trình văn hóa, thể thao lớn đã hoàn thành nhân kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, tiêu biểu như lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo báo cáo gần đây, Hà Nội là nơi sở hữu lượng di sản văn hóa đồ sộ bậc nhất Việt Nam với 5.922 di sản văn hóa vật thể và 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội là nơi tập trung số lượng đáng kể các di tích lịch sử văn hóa từ những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước đến các di tích lịch sử tín ngưỡng, tôn giáo như các nhà thờ, chùa chiền, đền, miếu, tiêu biểu: Thăng Long tứ trấn, chùa Trấn Quốc - ngôi chùa được coi là cổ nhất của Thăng Long Hà Nội, nhà thờ lớn Hà Nội, chùa Bà Đá,…

Bên cạnh đó, các kiến trúc Phật giáo, kiến trúc dân gian, kiến trúc Pháp thể hiện rõ ở các công trình đình (đình Kim Liên, đình Quan Nhân,...); đền (đền Chèm, đền Quán Thánh, đề Voi Phục,...); chùa (chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ,...); miếu; phủ (phủ Tây Hồ) và các công trình nằm rải rác tại các quận, huyện trong thành phố, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm với hơn 100 di tích.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), các lớp kiến trúc của Hà Nội là sự hòa hợp giữa các nền văn hóa, trong nước và giữa nét văn hóa phương Đông (với đại diện tiêu biểu là văn hóa Trung Hoa) và văn hóa phương Tây (với đại diện là văn hóa Pháp), được phân thành 4 loại là kiến trúc khu phố cổ, kiến trúc thành cổ, kiến trúc Đông Dương và kiến trúc hiện đại đô thị mới với những đại diện tiêu biểu là như nhà cổ Mã Mây, Hoàng thành Thăng Long, Phủ Chủ tịch và tòa nhà Quốc hội… cùng một số công trình văn hóa, nghệ thuật: Tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, tượng đài Hòa Bình, con đường gốm sứ…

Trong đó, Hà Nội có có 2 di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể của nhân loại là Hoàng thành Thăng Long và Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngoài ra, Hà Nội có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như chùa Hương Tích, hồ chùa Thầy, thành cổ Sơn Tây,... với bề dày lịch sử của vùng đất xứ Đoài.

Hà Nội còn được mệnh danh là “đất trăm nghề”, nơi hội tụ 1.350 làng nghề truyền thống cung cấp nguồn sinh kế cho một triệu người, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng đã đi vào lịch sử với những nét riêng vốn có, nổi danh khắp các vùng miền trong cả nước. Có thể kể đến như: Làng gốm Bát Tràng, làng nghề thêu, ren Quất Động, làng dệt tơ lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng nghề sơn mài Hạ Thái, sơn khảm trai Chuông Ngọ, làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Sơn Đồng, mây tre đan Phú Vinh,...

Theo số liệu thống kê, hiện nay Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất trong cả nước với 1.095 lễ hội. Các lễ hội ở Hà Nội khá phong phú và đa dạng vừa mang những nét chung của lễ hội Việt Nam vừa mang những nét riêng, độc đáo như: Lễ hội chùa Hương, lễ hội “tứ trấn” Thăng Long là đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Trấn Vũ, đền Kim Liên; hội làng Phù Đổng (Gia Lâm), hội đền Sóc Sơn (Sóc Sơn) thờ Thánh Gióng, hội Chử Đồng Tử (Gia Lâm), hội Phù làng Tây Hồ thờ bà chúa Liễu với tục hát chầu văn hội đấu thần - Hội chùa Láng (quận Đống Đa),…

"Thăng Long - Hà Nội có một kho tàng di sản vật thể to lớn, phong phú và đa dạng. Đây là một “tài sản vô giá” mà người Thăng Long - Hà Nội và cả nước đã sáng tạo ra. Chúng đã, đang và sẽ là nguồn lực văn hóa to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hiện nay và trong tương lai", PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Giao thoa và bồi đắp

Việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đồng nghĩa Hà Nội mở rộng nền văn hóa khi có sự giao thoa, bồi đắp giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Tràng An - Thăng Long. Hai văn hóa này không hề phủ định nhau và tương trợ nhau tạo nên sự phong phú cho văn hóa Thủ đô, tạo điều kiện cho nhau phát huy những giá trị tích cực, cùng phát triển và tỏa sáng.

Điều đó được thể hiện ở việc trong nhiều sự kiện, văn hóa xứ Đoài và văn hóa Tràng An - Thăng Long đều hiện diện, các nghệ sĩ, nghệ nhân đại diện cho hai văn hóa này vẫn phối hợp, cùng nhau mang đến buổi biểu diễn ấn tượng nhất cho các du khách, góp phần quảng bá cho văn hóa, du lịch của Thủ đô.

Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những nghệ nhân tò he của huyện Phú Xuyên trưng bày sản phẩm, miệt mài thể hiện tài năng ngay trên khu phố đi bộ hồ Gươm. Chúng ta cũng có thể xem nhiều tiết mục múa rối của những đơn vị tiêu biểu về múa rối của Thủ đô, gồm làng Đào Thục (Đông Anh); làng Chàng Sơn, Thạch Xá của huyện Thạch Thất; Nhà hát múa rối Thăng Long trong cùng một sự kiện ở Bảo tàng Dân tộc học.

Kỳ 3: Những mạch ngầm hội tụ, hòa quyện để tỏa sáng
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã dùng hết tâm huyết để từng bước khôi phục lại con giống bột - món đồ chơi trung thu truyền thống của trẻ em Hà Nội vốn đã thất truyền trong thời gian dài. Ảnh: Khánh Huy

Trong 15 năm qua, những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội cùng với tinh hoa văn hóa xứ Đoài được tôn vinh. Hà Nội đã thực hiện thành công cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (tiền thân là Nếp sống văn minh – gia đình văn hóa và Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư) với sự tham gia của đông đảo Nhân dân Thủ đô.

Các mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa và đơn vị văn hóa tiếp tục phát huy vai trò tích cực, lan tỏa lối sống văn minh, thanh lịch. Việc tổ chức đám cưới, lễ tang theo tinh thần lành mạnh, tiết kiệm nhưng vẫn giữ gìn thuần phong mỹ tục trong giao tiếp cộng đồng cũng được đề cao.

Ngoài ra, danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” đã được Hà Nội duy trì nhiều năm liền vào dịp giải phóng Thủ đô, để biểu dương, khen thưởng những cá nhân ưu tú đang sinh sống, lao động, học tập, làm việc ở Hà Nội đã có thành tích xuất sắc, đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của Thủ đô.

Từ ngày Hà Nội mở rộng đến nay, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, quần chúng phát triển cả về số lượng, chất lượng, với các sự kiện văn hóa diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Thành phố luôn quan tâm dành những điều kiện tốt nhất để phát triển văn học nghệ thuật. Giải thưởng Thăng Long của thành phố hay các Liên hoan sân khấu của Thủ đô, Giọng hát hay Hà Nội,… là những giải thưởng lớn, biểu dương, tôn vinh kịp thời các giá trị văn học, nghệ thuật của Hà Nội.

Để giữ gìn những nét đẹp văn hóa Tràng An - xứ Đoài, chính quyền thành phố đã nỗ lực xây dựng, ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng,…

Hai năm nay, Hà Nội thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, với nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hà Nội đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, nhất là việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với đó là việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực thiết kế sáng tạo với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.

Thủ đô cũng xây dựng các chính sách như: Mức tiền thưởng đối với giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; lĩnh vực thể thao quần chúng; xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ NSND, NSƯT,…

(Còn nữa...)

Kỳ 2: Văn hóa Tràng An - biểu tượng nét đẹp kinh kỳ mãi trường tồn Kỳ 2: Văn hóa Tràng An - biểu tượng nét đẹp kinh kỳ mãi trường tồn

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Cụm từ “người Tràng An” ở đây có nghĩa là người ...

Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam

“Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh, trời đất Hà Tây tay em dệt lụa…”. Những lời ca ngọt ngào ấy khiến ai nghe ...

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động