Kỳ 3: Giải pháp căn cơ để đi đường dài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần giải pháp căn cơ, giúp người lao động có việc làm ổn định. Ảnh: Khánh Huy |
Tuyển dụng hàng nghìn lao động trước Tết Nguyên đán
Đầu tháng 1/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động,Thương binh và Hà Nội) tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề việc làm bán thời gian. Phiên giao dịch có tổng số 40 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh và xuất khẩu lao động với 1.966 chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, phiên giao dịch nhằm tạo điều kiện cho học viên, sinh viên, người lao động được trải nghiệm các hoạt động thực tế tại Sàn giao dịch việc làm, được thực hành các kỹ năng tìm kiếm việc làm; tiếp cận, tìm hiểu thị trường lao động, có cơ hội tìm việc làm thêm, việc làm bán thời gian trước Tết Nguyên đán năm 2023 và tiếp xúc, phỏng vấn trực tiếp với các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng để lựa chọn được công việc phù hợp.
Đồng thời, đảm bảo phát triển triển thị trường lao động được hiệu quả, bền vững và kịp thời hỗ trợ người lao động có nhu cầu việc làm, việc làm thêm gia tăng thu nhập đáp ứng nhu cầu chi tiêu, ổn định cuộc sống trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển đồng đều và bền vững, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hoạt động của doanh nghiệp.
Trong tổng số 40 doanh nghiệp tham gia, có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm tỷ lệ cao nhất 70%. Ngoài ra, còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: sản xuất, xuất khẩu lao động, viễn thông, vận tải - kho vận,…
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cao nhất: 832/1.966 lao động, chiếm tỷ lệ 42,3%; nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật là 340/1.966 lao động, chiếm tỷ lệ 17,2%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học - cao đẳng đạt 794/1.966 lao động, chiếm tỷ lệ 40,5%.
Trong đó, các ngành thương mại - dịch vụ có nhu cầu tuyển lớn, nhất là lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong dịp Tết. Trong các chỉ tiêu tuyển dụng, yêu cầu chính của doanh nghiệp đối với các ứng viên là đáp ứng được yêu cầu công việc và đặc biệt là khả năng thích ứng với từng công việc cụ thể. Đây là điều kiện cho người lao động, các học viên, sinh viên tìm kiếm được việc làm, công việc thích hợp với khả năng, sở trường của bản thân, kiếm thêm thu nhập trong dịp Tết Nguyên đán này.
Dù là phiên tuyển dụng nhiều vị trí bán thời gian nhưng mức lương được các doanh nghiệp đưa ra trong kỳ tuyển dụng này khá cạnh tranh. Trong đó, mức thu nhập từ 15 triệu đồng trở lên dành cho các vị trí quản lý, trưởng phòng,…có kinh nghiệm thâm niên, có khả năng chịu được môi trường làm việc áp lực công việc cao. Mức lương 10 – 15 triệu đồng dành cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, các vị trí kinh doanh, kỹ sư, giám sát, trưởng – phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm nhiều năm và chuyên môn tốt.
Mức lương từ 7 – 10 triệu đồng là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lao động phố thông có tay nghề, công nhân sản xuất. Từ 5 – 7 triệu đồng chủ yếu là vị trí việc làm thời vụ, hoặc dành cho sinh viên mới ra trường, người lao động phổ thông ở các vị trí tập sự, đơn giản chưa yêu cầu chuyên môn cao.
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Hà Nội tập trung nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề, đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng chuyên môn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất thiếu. Việc duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm bán thời gian dịp cận Tết là rất thiết thực giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nhân lực phục vụ trong dịp Tết, nhất là ở khối ngành dịch vụ, vui chơi giải trí, ăn uống. Dự báo trong dịp Tết, TP Hà Nội sẽ tăng thu hút khách quốc tế cũng như khách nội địa, đặc biệt ở ngành du lịch nên cần nhân sự cho các công việc bán thời gian để đảm bảo không bị thiếu hụt trong dịp này.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các chỉ tiêu có chất lượng cùng với quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, sinh viên chuẩn bị ra trường tìm kiếm được công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng có thêm thu nhập cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian của các doanh nghiệp tăng cao.
Vào mỗi dịp cuối năm, cận Tết nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian đều tăng lên, tuy nhiên nếu so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 thì chưa thể khôi phục được. Nhiều lĩnh vực đã sụt giảm nhu cầu, song nhìn chung tính chất công việc bán thời gian là những công việc đơn giản, không yêu cầu nhiều kỹ năng chuyên môn phức tạp, mà đòi hỏi nhiều hơn về sức khỏe, sự chăm chỉ, tỉ mỉ và có ý thức trong công việc.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao công tác phân tích và dự báo thị trường lao động, bởi vì khi nắm bắt được số liệu về thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về nguồn cung - cầu mới có những đánh giá, dự báo sát về thị trường lao động phù hợp. Qua đó hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kết nối cung cầu lao động.
Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã đề nghị các sở, ban, ngành TP, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội rà soát, đánh giá nhu cầu việc làm, lao động của các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đảm bảo cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho nhóm lao động có xu hướng từ các lĩnh vực đang gặp khó khăn sang các lĩnh vực khác, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp, giới thiệu cơ sở đào tạo nghề đảm bảo điều kiện để người lao động thất nghiệp (hưởng trợ cấp thất nghiệp) tham gia đào tạo nghề, sớm quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp tuyển dụng giúp người lao động thất nghiệp tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, hiệu quả; quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo, cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; chủ động có các giải pháp cơ cấu lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt trong dịp Tết.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thường xuyên nắm bắt tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp. Kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp. Đặc biệt là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; các chương trình dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn…
UBND các quận, huyện, thị xã có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, kết nối cung cầu lao động không để đứt gãy lao động cục bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an sinh xã hội.
Phải có chính sách thỏa đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ người lao động
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho rằng cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tiếp tục thực hiện những chính sách đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Cũng theo ông Thắng, khi phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân phải đồng bộ các dịch vụ kèm theo như khu vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện,…phục vụ các nhu cầu của người lao động.
Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Tống Văn Lai đề nghị, trong lúc người lao động bị giãn việc, doanh nghiệp có thể tranh thủ tổ chức đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho công nhân, lao động để đón những đơn hàng mới. Việc hỗ trợ người lao động nâng cao kĩ năng, tay nghề sẽ đem lại hiệu quả cao trong bối cảnh hiện nay bởi khi ổn định đơn hàng nếu thiếu lao động có tay nghề, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng và mất chi phí rất lớn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm nếu không giải quyết tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hơn lúc nào hết, phải có chính sách thỏa đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, vừa để doanh nghiệp duy trì, tồn tại, có cơ hội tiếp tục phát triển. Bên cạnh chính sách cấp bách, cần chính sách lâu dài về bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư, vay vốn,…Tổng Liên đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp ý kiến để báo cáo, đề xuất những chính sách hỗ trợ sát thực tiễn cho người lao động.
Xét đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc Báo cáo về tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có ý kiến: Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Theo đó, Ủy ban Quan hệ lao động nghiên cứu, khuyến nghị nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bên liên quan trong việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, việc làm.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp, trường hợp cần thiết đề xuất biện pháp hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.
(Còn nữa...)
Kỳ 1: Những vất vả ngày cuối năm | |
Kỳ 2: Cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại