Thứ sáu 26/04/2024 15:44
Người lao động mưu sinh dịp cuối năm và nỗi lo “Tết”

Kỳ 2: Cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cận Tết, nỗi lo cơm áo gạo tiền như càng đè nặng lên người lao động. Ăn ngày hôm nay, không biết ngày mai là thực trạng mà nhiều người lao động đang rơi vào. Bởi lẽ rất nhiều người trong số họ, sau những vất vả hàng ngày thì họ không có một đồng tích lũy.
Kỳ 2: Cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động
Nhiều người lao động không có tích luỹ. Ảnh minh họa

59% lao động không có tích luỹ

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, hiện có 42% người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; 59% không có tích luỹ; 11,7% có tích luỹ nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng, 16,7% có tích luỹ, duy trì từ 1 - 3 tháng; 12,7% có tích luỹ, có thể "cầm cự" trên 3 tháng. Ngoài ra, 38% công nhân đang nợ nần, trong số này có 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn.

Cũng theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn Lao động các tỉnh, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc.

Liên đới từ những công nhân mất việc, có 42.000 gia đình, tương đương 100.000 người bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, trong số lao động bị ảnh hưởng việc làm thì có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi và 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang bầu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy là công nhân một công ty điện tử tại KCN Sài Đồng, Hà Nội. Tháng 3/2020, công ty giảm bớt nhân sự, chị Thủy nghỉ việc sau hơn 7 năm làm công nhân với số lương thực nhận gần nhất là hơn 5 triệu. Quê ở tận Sơn La nên vợ chồng chị Thuỷ thuê nhà trọ sát nơi làm việc.

“Tiền lương hàng tháng từng ấy thì đã mấy hơn 2 triệu trả tiền thuê trọ, cộng với tiền điện nước, chi phí sinh hoạt thì 5 triệu không đủ để duy trì cuộc sống của hai vợ chồng. Đấy là hai đứa con đã gửi về nhà nhờ ông bà nội ngoại trông chừng và hỗ trợ”, chị Thủy cho biết.

Trước khi về làm tại KCN Sài Đồng, chị Thủy có nhiều năm làm công nhân may. Cuộc sống ở thành phố lớn với nhiều chi phí đắt đỏ, lương làm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, gần như không tiết kiệm được khoản nào.

“Nghỉ làm tuần này là tuần sau đã hết sạch tiền để trang trải. Hai vợ chồng cũng bảo nhau cố gắng làm ăn, nhưng số tiền tích lũy chẳng có bao nhiêu vì cứ dành dụm được chút nào lại thất thoát chút ấy vì những việc phát sinh như ốm đau, bệnh tật…”, chị Thủy nói.

Về Tết, chị cho biết, việc Tết nhất với chị chỉ có niềm vui là được nghỉ vài ngày để về quây quần bên gia đình, con cái. Khó khăn thì khó, nhưng ít nhất có chút thời gian để tạm quên đi những nhọc nhằn khi bươn chải, mưu sinh.

Vợ chồng anh Trần Thanh Tú (Nghệ An), công nhân một công ty tại KCN Bắc Thăng Long cho biết thường xuyên trong cảnh “giật gấu vá vai”, vay mượn chi tiêu chờ đến kỳ lĩnh lương.

“Năm nay là vất vả nhất, việc ít, lương thấp. Trang trải tiền nhà trọ, ăn uống sinh hoạt của hai vợ chồng với đứa nhỏ ở ngoài này là gần hết lương. Vợ chồng tôi phải xoay xở cân đối, làm sao chi tiêu đủ ngoài này mới dám gửi chút ít về quê để ông bà lo ăn học cho đứa lớn, tháng nào dư dả thì gửi về cho con hơn 1 triệu, tháng ít thì 600-700 nghìn, có khi chẳng gửi được đồng nào. Có tháng phải vay tạm bạn bè”, anh Tú chia sẻ.

Cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động

Tại tọa đàm "Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng - thực trạng và giải pháp", ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nêu ra một thực trạng, đó là 59% công nhân lao động không có tích lũy, 11,7% có tích lũy nhưng chỉ đủ duy trì 1 tháng. Có người tuần này đủ tiền đóng tiền trọ đến tuần tới không còn tiền đóng học cho con...

"42.000 lao động bị mất việc tương đương 42.000 gia đình bị ảnh hưởng, cả trăm ngàn nhân khẩu bị tác động. Nếu tính trên con số 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

Những ngày này rất hay nghe công nhân nói "phải về nhà sớm" hay than thở "Tết đến quá sớm". Bình thường, về nhà sớm, Tết đến sớm hẳn là thông tin vui vẻ nhưng cuối năm nay những lời đó thốt ra rất xót xa", ông Tiến nhận xét.

Bên cạnh đó, tình trạng công nhân, người lao động không có tích lũy cũng rất bi đát.

Ông Tiến nêu nhiều con số, chỉ 11,7% công nhân có tích lũy để có thể duy trì cuộc sống dưới 1 tháng, 16,7% nếu mất việc có thể cầm cự cuộc sống từ 1-3 tháng; chỉ có 12,7% lao động mất việc có tích lũy đủ để duy trì cuộc sống trên 3 tháng. Có tới 38% công nhân đang nợ nần, trong đó có tới 14% rất khó có khả năng trả nợ.

Cũng tại tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy lớn, nhất là thời điểm tết Nguyên đán đang cận kề.

Theo ông Hiểu, trong bối cảnh bình thường, nhiều người lao động đã phải sống tằn tiện, gửi con về quê, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng.

“Đối với người lao động, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập. Sau 2 năm chống chọi với đại dịch, người lao động đã không còn tích lũy thì việc chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế như lao động nữ, lao động nhiều tuổi, lao động là người khuyết tật…”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.

Kỳ 1: Những vất vả ngày cuối năm
Hà Nội: Hàng nghìn việc làm bán thời gian cho người lao động dịp Tết
Sớm nghiên cứu hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị mất việc làm
Hà Nội: Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động năm 2023
Duy Linh - Hồng Giang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động