Hà Nội: tiếp tục chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTư vấn tuyển dụng cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh năm 2023. Ảnh: PD |
Giải quyết việc làm cho hơn 28 nghìn người lao động trong 2 tháng đầu năm
Không có việc làm từ trước Tết Nguyên đán 2024, , mới đây, anh Lê Trung Thành (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tìm được việc làm. Anh Thành chia sẻ, trước đây, anh làm nghề xây dựng, thu nhập tương đối cao nhưng phải đi xa, nay đây mai đó. Cảnh sống xa nhà, xa vợ con, lại ham vui nên anh không để ra được nhiều tiền. Do đó, anh quyết định nghỉ làm ở công ty xây dựng, để tìm việc mới.
Mới đây, anh Thành tham gia phiên giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức và đã tìm được công việc mới phù hợp. Anh Lê Trung Thành chỉ là một trong số hàng chục ngàn người lao động (NLĐ) trên địa bàn TP Hà Nội đã tìm được việc làm trong hai tháng đầu năm.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nội, trong tháng 2/2024, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 12.715 lao động, trong đó tạo VL cho 3.119 NLĐ từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 195,5 tỷ đồng.
Số NLĐ nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 1.003 lao động. Số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 8.928 lao động. Cũng trong tháng 2/2024, Sở LĐTBXH Hà Nội tiếp nhận, ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 4.757 người, số tiền được hỗ trợ là 161,9 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đơn vị đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.859 NLĐ, hỗ trợ học nghề cho 55 người với kinh phí 230,2 triệu đồng… Tính chung, trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn TP Hà Nội giải quyết việc làm cho 28.262 lao động, đạt 17,4% kế hoạch năm, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát triển thị trường lao động, tạo việc làm hiệu quả
Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp là nhiệm vụ được TP Hà Nội luôn coi trọng, đặc biệt, trong bối cảnh năm 2024 và thời gian tới, khi thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn. TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm và triển khai các biện pháp thiết thực khác nhằm thúc đẩy tạo VL hiệu quả.
Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, dự báo trong những năm tới, đặc biệt trong năm 2024, thị trường lao động vẫn còn có những khó khăn nhất định, vì thế, TP Hà Nội tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm hiệu quả.
Trong năm nay, TP Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 165.000 lao động. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn sẽ thực hiện đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000, trung cấp 29.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 180.000). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2% (trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%).
Theo ông Nguyễn Tây Nam, để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết, TP Hà Nội sẽ làm tốt việc tổ chức đào tạo nghề cho các lực lượng lao động, hướng đào tạo nghề với thị trường lao động Thủ đô. Hàng năm, Sở LĐTBXH đều tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, qua đó đã giúp cho nhiều người dân Thủ đô được tiếp cận các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp và họ có việc làm.
Bên cạnh đó, hiện nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm trên địa bàn TP rất lớn, trong khi nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, hoặc hoạt động cầm chừng, từ đó tình trạng NLĐ đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.
“Trong năm nay, TP Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, bố trí bổ sung nguồn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội, để cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo nói chung, và các đối tượng khác nói riêng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của NLĐ trên địa bàn. Đây là kênh quan trọng để mọi người dân đủ điều kiện được vay vốn tự tạo việc làm trên chính quê hương mình”- ông Nguyễn Tây Nam cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Tây Nam, một giải pháp nữa cũng được TP Hà Nội chú trọng là đẩy mạnh, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm, bao gồm 1 sàn trung tâm và 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh nằm tại các quận, huyện, thị xã. Ngoài tổ chức trực tiếp, TP sẽ tổ chức các phiên việc làm online, các phiên lưu động tại các địa bàn…
“Chúng tôi cũng đang tính toán việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề tư vấn hỗ trợ học nghề dành cho các đối tượng khuyết tật, sau cai nghiện, kể cả các trường hợp phải chấp hành án phạt tù trước khi hết hạn, để định hướng nghề nghiệp cho họ sau khi trở về” – ông Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.
Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, cùng với các chính sách hỗ trợ tạo việc làm trong nước, các giải pháp tạo việc làm khác cũng sẽ được thực hiện đồng bộ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, phát triển các thị trường mới ở châu Âu, châu Mỹ, đồng thời củng cố các thị trường truyền thống thông qua việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Dự kiến năm 2024, TP sẽ đưa 4.000 lao động đi xuất khẩu lao động, chủ yếu tập trung tại một số thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... |
Sẽ tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm lưu động trong năm 2024 | |
Dồi dào việc làm cho người lao động ngay sau Tết |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại