Thứ sáu 22/11/2024 02:48
Trầm cảm ở trẻ em và thanh, thiếu niên:

Kỳ 3: "Giải mã" những yếu tố gây bệnh trầm cảm ở trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự thiếu hiểu biết về sức khoẻ tâm thần cũng như cái nhìn thành kiến, kỳ thị người mắc bệnh tâm thần đã khiến cho người bệnh ngày càng rơi vào hố sâu thăm thẳm, không thể tìm lối thoát. Và có thể đã có những trường hợp tự tử không ai biết lý do, đã có những cái chết trôi vào dĩ vãng.
Kỳ 3:
Khám sức khoẻ tâm thần cho trẻ tại BV Tâm thần ban ngày Mai Hương (ảnh BVCC)

Nhiều yếu tố tác động khiến trẻ mắc bệnh

Từ những hiểu biết ít ỏi về sức khoẻ tâm thần, mọi người cho rằng bệnh tâm thần là cái gì xấu xa, đáng xấu hổ, đáng khinh. Người bị tâm thần là vô dụng, là mất trí... nên với những dấu hiệu của rối loạn trầm cảm ở trẻ mọi người đều khó nhận diện được. Vì thế đã bỏ lỡ nhiều cơ hội điều trị, can thiệp với người bệnh.

BS. Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) chia sẻ, trong quá trình thăm khám, điều trị, bản thân bác sỹ đã chứng kiến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Có trường hợp người mẹ có con học đến lớp 12 tự sát thì mẹ mới được phát hiện cũng mắc bệnh trầm cảm-nghĩa là cả 2 mẹ con đều mắc. Nhưng đáng tiếc, con chết rồi mới đi chữa cho mẹ. Mọi người quy kết con tự tử do áp lực học hành nhưng điều này chỉ đúng một phần, còn bản chất là có bệnh sức khoẻ tâm thần mà không được chữa.

Theo BS. Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, BV Nhi Trung ương, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần như: cảm xúc, tư duy và vận động. Trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng giảm tập trung chú ý, giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay hứng thú cũ, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần. Thường đi kèm thêm các biểu hiện như buồn chán hầu như cả ngày, cảm giác tự ti, luôn có suy nghĩ bị tội và không xứng đáng, nhìn tương lai ảm đạm và bi quan, ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, suy nghĩ về cái chết hoặc các hành vi tự sát… rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon hoặc ăn nhiều.

Phân tích về nguyên nhân gây bệnh trầm cảm, BS. Hồng Thu cho rằng: Bản chất là bệnh không phải nguyên nhân hoàn toàn do áp lực mà nguyên nhân của bệnh tâm thần chưa ai biết được, nhưng trong đó không phủ nhận giả thuyết đầu tiên là do yếu tố sinh học góp phần hình thành phát sinh nên bệnh này.

Yếu tố sinh học là rối loạn chất dẫn truyền thần kinh trung gian định lượng trong não những người này có sự giảm sút rõ rệt và có tính chất gia đình nên khẳng định có yếu tố sinh học chứ không phải tất cả do áp lực.

Giả thuyết thứ 2 là do stress có liên quan; Thứ 3 là do khả năng chống đỡ của từng người, do trình độ văn hoá, giáo dục của mỗi người, khả năng chống đỡ của họ đến đâu.

"Cả 3 cái phối hợp vào gây nên bệnh chứ không phải cái nào đơn lẻ cả, một mình sinh học chưa chắc đã phát sinh bệnh; một mình stress cũng không thể gây nên bệnh mà cả 3 cái phối hợp lại", BS. Hồng Thu nói.

Tháo gỡ "nút thắt" trong thế giới nội tâm của trẻ

Từ những nguyên nhân gây bệnh rối loạn trầm cảm lo âu ở trẻ, các bác sỹ chuyên khoa đã đưa ra những lời khuyên để người lớn có thể tháo gỡ được những "nút thắt" trong thế giới nội tâm của trẻ.

TS-BS. Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khoẻ Vị thành niên, BV Nhi Trung ương cho biết, ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất thì trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý. Trong giai đoạn này, sự phát triển cái “tôi” ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn.

"Cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con", BS. Vinh nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo BS. Ngô Anh Vinh, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Cha mẹ hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, những mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến. Thay vì ép buộc thì bố mẹ nên khích lệ con để con cảm nhận được sự tin tưởng, đồng cảm và thấu hiểu từ gia đình. Cha mẹ hãy làm người bạn đồng hành của con, quan tâm con đúng mực, mang lại cho con sự tin tưởng để con có thể sẻ chia, tâm sự mỗi khi gặp khó khăn trong học tập và trong các mối quan hệ xã hội.

Bên cạnh gia đình thì nhà trường cũng cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Các trường học nên có phòng tư vấn tâm lý để kịp thời nắm bắt, tư vấn, giúp đỡ trẻ vị thành niên khi các em gặp vướng mắc trong cuộc sống.

"Cha mẹ cũng đừng nhầm lẫn giữa tâm lý buồn chán, lo âu bình thường với buồn chán, lo âu bệnh lý. Đồng thời cũng không nên chủ quan, xem nhẹ tâm lý, bố mẹ cứ nghĩ con phải thế này thế kia trong khi trẻ rất cô đơn, không biết chia sẻ với ai", TS. Hồng Thu nói.

Còn theo ThS-BS. Lê Công Thiện-Trưởng phòng trẻ em và Thanh thiếu niên, Viện sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, tại Việt Nam, việc quan tâm, chăm sóc con cái, phần lớn là thuộc về các bà mẹ. Tuy nhiên, với một đứa trẻ thì sự quan tâm của cả gia đình là điều vô cùng cần thiết vì tư duy, cách quan tâm, cách hỏi han của ông bà, cha mẹ đến với đứa trẻ là khác nhau. Nếu chỉ một mình mẹ hỏi han, quan tâm thì không chắc đã bao quát được hết và đáp ứng đúng điều trẻ cần. Vì vậy, hãy xem việc quan tâm con cái là công việc, phân chia đồng đều.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Tức giận khi bác sĩ kết luận con bị bệnh tâm thần
Kỳ 1: Báo động tình trạng trẻ tự sát để "giải thoát"
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động