Thứ sáu 19/04/2024 09:14

13% trẻ Việt trong độ tuổi 13-17 tuổi cảm thấy cô đơn toàn thời gian

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù số liệu khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam được thu thập trước khi dịch Covid-19 xảy ra nhưng đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng... Nếu chúng ta khảo sát sau thời gian chống dịch thì tỷ lệ này sẽ cao hơn.
13% trẻ Việt trong đô tuổi 13-17 tuổi cảm thấy cô đơn
Trẻ gặp vấn đề về tâm lý nhưng chỉ có 30% cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con (ảnh minh hoạ)

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo công bố số liệu cuộc khảo sát hành vi sức khoẻ học sinh toàn cầu tại Việt Nam ngày 25/4. Cuộc khảo sát này do Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan chuyên môn thực hiện từ năm 2019.

Đây là cuộc khảo sát lần thứ 2 được thiết kế công phu, để nghiên cứu thực trạng và xu hướng của các yếu tố nguy cơ và các hành vi sức khỏe ở trẻ lứa tuổi 13-17. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các yếu tố, hành vi liên quan chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc lá rượu bia, hoạt động thể chất, tai nạn thương tích, sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe khác.

PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Trường Đại học Y tế công cộng (đại diện nhóm nghiên cứu) cho biết, tham gia khảo sát có gần 7.800 học sinh lớp 8-12 (tương ứng với 13-17 tuổi) của 81 trường tại 20 tỉnh, thành phố. So với khảo sát năm 2013, có một số chỉ số cải thiện rõ như: tỷ lệ nhẹ cân giảm 1/2; tỷ lệ học sinh sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá giảm…

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng lên, tỷ lệ thừa cân tăng gấp đôi. Một số hành vi nguy cơ như uống nước ngọt có ga, ăn thức ăn nhanh đều tăng lên.

Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng cho thấy có những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần. Số liệu được thu thập trước khi dịch Covid-19 xảy ra đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn một trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cho rằng, đây là nhóm yếu tố nguy cơ cần lưu ý vì số liệu này được thu thập trước khi dịch Covid-19 xảy ra, trước khi chúng ta thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, trẻ ở nhà nhiều, không được đến trường, không được tiếp xúc với bạn bè nhiều. Nếu khảo sát tại thời điểm hiện tại thì có lẽ tỷ lệ này cao hơn. Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm bố mẹ biết đồng hành cùng các con không cao. Đây là là điều bậc phụ huynh cần suy nghĩ.

“Tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%. Chỉ số này cho thấy phụ huynh cần nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng trẻ để biết con đang lo lắng gì, có vấn đề gì. Trẻ ở lứa tuổi này gặp nhiều vấn đề về học hành, yêu đương… Vì thế, nếu cha mẹ không đồng hành thì có thể trẻ không vượt qua được”, TS. Tuyết Hạnh phân tích.

Bên cạnh đó, tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ biết trẻ đang làm gì trong thời gian rảnh rỗi cũng chỉ khoảng 40%. Ngoài ra, tỷ lệ học sinh từng quan hệ tình dục có giảm nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi chiếm tỷ lệ khá cao và có xu hướng tăng lên so với khảo sát năm 2013.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang giải quyết gánh nặng bệnh tật kép, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì chúng ta đồng thời đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 81% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân mỗi năm, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mãn tính.

Sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân do gia tăng các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, kèm theo tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường, mỡ máu. Hầu hết các yếu tố này được hình thành từ giai đoạn rất sớm trong cuộc đời.

Vì vậy, việc bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trẻ, thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống các yếu tố nguy cơ là một chính sách ưu tiên của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Hà Nội: Hơn 8.400 học sinh lớp 6 được tiêm vắc-xin COVID-19 an toàn
Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch
Hà Nội: Tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi an toàn, khoa học
Khánh thành 5 điểm trường cho trẻ em vùng cao
WHO cảnh báo gia tăng đáng kể và đột ngột các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ
T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động