Thứ sáu 22/11/2024 03:08
Trầm cảm ở trẻ em và thanh, thiếu niên:

Kỳ 1: Báo động tình trạng trẻ tự sát để "giải thoát"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi trẻ có những dấu hiệu về sức khoẻ tâm thần, cộng thêm nhiều yếu tố tác động như việc học hành, các mối quan hệ với bạn bè, cha mẹ mà không được giải toả thì càng dẫn đến bế tắc. Trẻ tự loay hoay trong mớ tâm trạng hỗn độn, ngổn ngang và bối rối tìm cách tự giải thoát.
Kỳ 1: Báo động tình trạng trẻ tự sát để
BS. Chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Yến - Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi (ảnh Đ.H)

Những chuyện không muốn viết

Liên tiếp trong thời gian gần đây trên cả nước xảy ra các sự việc đau lòng liên quan đến trẻ vị thành niên tự sát. Mới nhất là tối 13/4, Trung tâm thông tin Chỉ huy 114 Công an thành phố Hà Nội đã giải cứu an toàn cho một nam sinh (SN 2007) có ý định nhảy từ nhà tầng thứ 19 của một toà nhà trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân để tự tử. Nam sinh này nảy sinh ý định tự tử do có nhiều áp lực, uất ức. Việc giải cứu được nam sinh này là điều vô cùng may mắn, đã ngăn chặn sự việc đau lòng xảy đến với gia đình em.

Một trường hợp khác xảy ra tại Cà Mau ngày 8/4, khi đang trong giờ học ở trường, nam sinh lớp 6 ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã nhảy lầu. May mắn là sau cú nhảy, học sinh này không bị thiệt mạng mà bị thương bên phần vai trái và cột sống. Qua xác định ban đầu từ nhà trường, học sinh này có dấu hiệu của trầm cảm, đã nhiều lần đòi tự tử.

Sự may mắn đấy không phải trường hợp nào cũng có được, mà gần đây xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng khi những đứa trẻ đã mãi mãi ra đi, để lại bao dự định, ước mơ dang dở. Đó là trường hợp một học sinh nữ học lớp 8 ở Bắc Giang đã tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng của mình ngày 31/3. Trong nội dung lá thư để lại và các trang nhật ký, học sinh này đã nói về việc mình "sắp đi xa". Theo một số giáo viên nơi em theo học thì học sinh này học giỏi, chăm ngoan, ít nói, có biểu hiện trầm cảm.

Với trường hợp nam sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy xuống đất từ tầng 28 của một toà nhà trên địa bàn quận Hà Đông ngày 1/4 thì lý do em tìm đến cái chết bởi thấy "cuộc sống mệt mỏi". Nội dung thư để lại em viết: "Việc này không phải lỗi của ai mà là của chính mình".

Giật mình bởi những con số

Phân tích một số nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên tự tử trong thời gian gần đây, TS-BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết: Ở trẻ vị thành niên, vấn đề rối loạn lo âu trầm cảm khá phổ biến, ước tính tỷ lệ này chung trong dân số là 25% thì ở trẻ vị thành niên là 20%. Với những trường hợp trẻ tự tử gần đây, không thể loại trừ bản thân các con đã có bệnh tâm thần từ trước mà gia đình không nhận biết được hoặc quá xem nhẹ.

Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, trên thế giới cứ trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử.

Theo số liệu thống kê ở Mỹ: tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi 10-19 tuổi. Ở Việt Nam, tự sát là 1/10 nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi. Tại Hà Nội, một nghiên cứu năm 2012 cho thấy, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát lứa tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm tuổi 15-19 tuổi ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tiền sử và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi.

BS. Chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Yến - Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi. Trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống. Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như sự giảm sút học hành, giảm quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội hoặc các hành vi mang tính chống đối: bỏ học, sử dụng chất kích thích…

Tuy nhiên, qua thực tế điều trị và tham vấn của mình, BS. Yến cho biết một thực tế vô cùng quan ngại là khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, về chán sống thì nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực.

Còn theo BS. Trần Hồng Thu thì trầm cảm thường bắt đầu rất sớm, khi trẻ học lớp 5, lớp 6 đã có biểu hiện nhưng bố mẹ không biết, còn trẻ chưa đủ can đảm để tự sát nên đến tuổi lớn có thể tự quyết định mà mình không phát hiện ra. "Khi con lớn bộc lộ các dấu hiệu thì phải can thiệp chứ nhiều phụ huynh cứ nghĩ con mình không bị thế, bệnh tâm thần ở đâu đâu chứ không có ở nhà mình".

BS. Thu phân tích, thực tế bệnh trầm cảm hiện hữu, xuất hiện nhiều, tồn tại khắp nơi từ công sở tới gia đình, họ hàng. Mọi người chưa nhận thức được, nghĩ đến tâm thần là trốn chạy, né tránh, giấu nhẹm đi. Hoặc họ nghĩ việc này không chết người được thì... kệ.

"Trầm cảm là bệnh nguy hiểm chết người, chúng ta cần phải quan tâm. Chúng ta quan tâm các bệnh thể chất khác mà không quan tâm đến bệnh tâm thần. Đáng nhẽ một người được sống, được tận hưởng cuộc sống, đóng góp cho gia đình, cho xã hội thì chỉ vì quan điểm cổ hủ, lạc hậu mà thậm chí mất mạng. Đây là điều rất thương tâm, đau lòng", BS. Hồng Thu bày tỏ.

Còn nữa

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động