Thứ sáu 26/04/2024 04:42
Phía sau những trận đòn ghen và bản án ly hôn

Kỳ 3: Bản án ly hôn kỳ lạ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngay khi tòa xử, người vợ đang ở trong nước, chỉ cách phòng xử án chưa đầy 2km nhưng vẫn bị HĐXX nhận định sinh sống ở nước ngoài, không liên lạc được. Người được “thông cảm” đang có dấu hiệu vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hình sự… khi chung sống và có con với người tình.
Hình mẫu “tiểu tam” cũng được khắc họa khá sinh động qua những bộ phim truyền hình                                                                                              Ảnh: L.T
Hình mẫu “tiểu tam” cũng được khắc họa khá sinh động qua những bộ phim truyền hình. Ảnh: L.T

Cái giá của sự hy sinh

“Chào nhà báo! Bạn có khỏe không? Bên này sắp Tết rồi nên mọi người bận tối mặt. Hàng hóa bọn chị dạo này bán kém hơn cùng kì năm trước. Nguyên nhân à? Phần lớn do dịch Covid-19 gây ra nên người dân thích tích lũy đề phòng hơn hào phóng mua sắm”. Thỉnh thoảng tôi và chị Trần Thị Liên (tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi-P.V), hiện đang sinh sống tại Liên bang Nga vẫn có những cuộc trò chuyện như thế qua messenger. Khó có thể nhận ra rằng người phụ nữ lạc quan, xinh xắn, tràn đầy năng lượng kia cách đây 3 năm chỉ như một cành cây khô khốc, hoàn toàn không có sức sống.

Ngày ấy, chị tìm đến tòa soạn với vẻ mặt mệt mỏi, đôi mắt sung húp vì khóc nhiều. Sự mất niềm tin và tuyệt vọng thể hiện qua từng lời nói. Nhẹ nhàng đặt bản án ly hôn lên mặt bàn, chị không giấu được sự thất vọng. Theo chị, đây là bản án hết sức phi lý. Nhưng đau đớn hơn, người chồng sau bao nhiêu năm sinh sống chung, mọi tình yêu chị đều dành cho anh ta đã đang tâm lợi dụng chị đi vắng liền làm đơn xin ly hôn gửi tới tòa án.

Ngược dòng thời gian, năm 2014, ông Phạm Minh Thân- chồng chị liên tiếp gặp rủi ro trong kinh doanh, khi cùng góp vốn mở quán karaoke, rồi nhà hàng với bạn bè nhưng kết quả mang lại chỉ là những lỗ vốn. Để duy trì cuộc sống gia đình, nuôi hai con ăn học nên căn hộ tại một chung cư thuộc Khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã được hai vợ chồng chấp thuận rao bán.

Cả nhà kéo nhau về thuê căn hộ tại khu tập thể thuộc quận Hà Đông. Thương chồng con, năm 2014 chị Liên quyết định trở lại nước Nga, nơi mình trước đây từng cùng chồng làm ăn buôn bán quần áo, gây dựng sự nghiệp. Nơi đất khách quê người, cuộc sống và công việc không còn thuận lợi như quãng thời gian trước đó 10 năm khiến chị Liên phải xin làm giúp việc cho chủ các ki ốt bán quần áo.

Ở nhà, hễ cần tiền nuôi con, đóng học, trả tiền nhà đến nuôi mẹ già và người chăm nom mẹ, ông Thân đều nhấc điện thoại giục chị Liên gửi tiền về. Vợ đi được vài tháng, ông Thân đã phải lòng và gắn bó với một người phụ nữ khác có tên Hoàng Thị Lan. Người phụ nữa này đã ly dị với chồng trước.

Biết ông Thân có vợ, con, bất chấp pháp luật và luân thường đạo lý, người phụ nữ này vẫn cặp kè với người tình. Mọi việc chỉ vỡ lở khi người thân gia đình chị Liên phát hiện ra những tấm hình đầy tình tứ chụp ông Thân và người tình trên facebook.

Những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam đón chào năm mới 2016, rồi tiếp đó là năm 2017, với bao gia đình đó là những ngày đoàn tụ, còn với chị Liên đây lại là những ngày cô đơn lạnh lẽo và đầy buồn tủi nhất. Có lúc chị ứa nước mắt khi được con trai báo tin bố đưa người tình về quê, lúc uất nghẹn khi người tình của chồng dùng điện thoại nhắn tin chửi ngược rằng ngu, không biết giữ chồng.

Đúng là không giữ được thật. Thay vì lén lút quan hệ, ông Thân công khai chuyển hẳn về nhà người tình ở. Cuối cùng, ông này đơn phương làm đơn gửi tới tòa án xin ly hôn.

Có địa chỉ thật, đang ở trong nước, tòa vẫn khẳng định bị đơn ở nước ngoài?

Ngày 15-11-2017, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án sơ thẩm về việc ly hôn giữa nguyên đơn là ông Phạm Minh Thân và bị đơn là là bà Trần Thị Liên. Chỉ ông Thân có mặt tại phiên tòa. Căn cứ để tòa xử vắng mặt chị Liên là vì: “Tòa đã tiến hành ủy thác tư pháp nhưng đến nay (ngày 15-11-2017) vẫn không thấy trả lời”.

Điều này cho thấy phiên tòa mở vào ngày 15-11-2017 nhưng việc tòa án hỏi thông tin xuất, nhập cảnh của chị Liên lại diễn ra từ 1 năm trước nhưng vẫn tự tin cho rằng đến thời điểm xử chị Liên không có mặt tại Việt Nam. Trên thực tế, trong năm 2017 chị Liên nhiều lần về Việt Nam, đặc biệt, thời điểm tòa tiến hành xử ly hôn chị Liên vẫn ở trong nước, cách phòng xét xử chưa đầy 2km.

Ngay cả việc dễ dàng nhất là niêm yết công khai thủ tục xét xử ly hôn tại nơi cư trú cuối cùng của chị Liên tại địa chỉ nơi chị đang thuê nhà trong thời hạn 01 tháng theo quy định của pháp luật cũng không được tòa tiến hành. Cho dù vị thẩm biết rất rõ chỗ ở của chị Liên.

Sau phiên tòa, khi biết tin chị Liên đã tới gặp trực tiếp vị thẩm phán để nói lên những uất ức của một phiên tòa không công tâm.

Đi sâu vào điều tra, phân tích các nguồn chứng cứ, chúng tôi thấy rằng, phiên tòa diễn ra ngay thời điểm ông Thân và người tình có dấu hiệu vi phạm Luật Hôn nhân, Luật Hình sự… khi họ về chung sống với nhau một thời gian dài. Tại nơi ở của người tình, hiện diện nhiều tài sản như ti vi, dàn âm thanh, tủ lạnh…vốn là tài sản chung của ông Thân với vợ là chị Liên, nay được ông ta chuyển về đây.

Người tình của ông Thân cũng vừa sinh cho ông này cô con gái, giấy khai sinh con, ghi rõ tên bố là ông Thân được lập vào ngày 10-10-2017, nghĩa là trước khi phiên tòa diễn ra được 1 tháng 5 ngày. Nơi ở của ông Thân được ghi trong bản án chính là nhà của người tình… Trong các thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé, ông Thân khẳng định đây là con đẻ của mình.

Nếu HĐXX, đại diện Viện KSND và đặc biệt là vị thẩm phán- chủ tọa phiên tòa biết được một loạt sự phi lý, có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự, TTDS, các quy định khác trong việc xác minh chứng cứ trước phiên xử… có lẽ họ sẽ không cho ra đời một bản án thiếu công tâm đến vậy. Đương nhiên, chị Liên đã làm các thủ tục kháng cáo theo quy định.

Luật sư Lại Huy Phát, Đoàn luật sư TP Hà Nội chỉ ra dấu hiệu vi phạm bộ Luật TTDS. Chẳng hạn, theo Khoản 2, Điều 397, Chương XXVIII về: Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn…nói rõ: “Thẩ̉m phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ... Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này thì điều kiện đầu tiên là hai bên phải thực sự tự nguyện ly hôn. Ở đây mới chỉ có ông Thân yêu cầu ly hôn chứ không thấy chị Liên có ý kiến gì.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Cơn nóng giận phút chốc biến nạn nhân thành thủ phạm Kỳ 2: Cơn nóng giận phút chốc biến nạn nhân thành thủ phạm
Kỳ 1: “Tiểu tam” không vô hình
Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động