Kỳ 2: Những tai nạn nghiêm trọng khi lưu thông trên đường cấm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe máy và xe tải trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc hồi đầu năm 2023. Ảnh: H.Q |
Hậu quả nghiêm trọng khi "cố tình"đi vào đường cấm
Theo Sở GTVT Hà Nội, đường Vành đai 2, 3 trên cao, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc… là các tuyến đường dành riêng cho ô tô. Tại hai đầu của các tuyến đường này, cơ quan chức năng đã lắp đặt hệ thống biển báo phân làn, biển cấm mô tô, xe máy và người đi bộ tham gia giao thông. Tại những điểm lên, xuống, lối mở dọc hai chiều của đường cao tốc, hệ thống biển báo trên cũng được “nhắc lại” theo QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ.
Quy định là vậy, tuy nhiên vi phạm tại những tuyến đường cao tốc trên cao diễn ra phổ biến, với tính chất nghiêm trọng, gây nên tình trạng mất an toàn giao thông và dai dẳng suốt thời gian dài.
Việc bất chấp luật lệ để điều khiển xe máy đi vào đường dành riêng cho ô tô đã khiến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Đơn cử, hồi tháng 5/2023 tại km 4+00 trên Đại lộ Thăng Long (cao tốc Láng - Hòa Lạc) thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa xe khách với xe máy khiến một người tử vong.
Thời điểm trên, xe khách BKS 15F-001.XX do anh T.V.L (SN 1994, trú tại Hải Phòng) điều khiển đang lưu thông trên Đại lộ Thăng Long theo hướng từ Hòa Lạc về Trần Duy Hưng thì xảy ra tai nạn với xe máy BKS: 88H1-352.XX do chị N.T.T.V (SN 2000, trú tại Vĩnh Phúc) điều khiển. Va chạm giữa hai phương tiện khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ.
Vào tháng 11/2022, trên đường Vành đai 3 trên cao đoạn qua Linh Đàm hướng đi Pháp Vân thuộc khu vực phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong.
Tháng 11/2018, chiếc xe máy mang BKS 29D-236.82 do 2 thanh niên điều khiển đi theo hướng từ Thanh Trì - cầu Vượt Mai Dịch, khi tới khu vực đối diện số nhà 251 Khuất Duy Tiến thì bất ngờ va chạm với một xe tải do lái xe Phạm Văn N (SN 1985, ở Tiền Hải, Thái Bình) điều khiển. Cú va chạm mạnh khiến 2 nam thanh niên ngồi trên xe máy nằm gục xuống đường, 1 người bị gãy chân, người còn lại bất tỉnh tại chỗ.
Mới đây nhất, ngày 2/9, một nhóm thanh thiếu niên từ 16 đến 22 tuổi đi xe máy tốc độ cao trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng từ trung tâm TP Hà Nội về huyện Thường Tín. Theo CQCA xác định ban đầu, các thanh thiếu niên vi phạm nhiều lỗi: điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy chở 3 - 4 người...
Xe máy quay đầu bỏ chạy trên đường vành đai 2 trên cao khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Ảnh: Văn Trọng |
Hành vi coi thường tính mạng
Mặc dù đã có chế tài xử phạt nhưng dường như người tham gia giao thông vẫn bỏ lơ những quy định này và cố tình vi phạm, khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng liền quay đầu bỏ chạy gây nguy hiểm đến các phương tiện khác đang lưu thông.
Việc đi lên đường dành riêng cho ô tô khiến những tai nạn có thể xảy ra và hậu quả để lại rất khôn lường. Thiệt thòi đầu tiên là chính những người điều khiển xe máy, sau đó là gia đình, người thân… Và không chỉ người điều khiển xe máy chịu thiệt hại, những người điều khiển ô tô nhỡ va chạm cũng chịu những rắc rối không kém.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp xe máy đi vào đường cấm, các chuyên gia luật cho biết, đi đúng phần đường là một trong những quy tắc giao thông hàng đầu được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Theo đó, tại khoản 1, Điều 9 và khoản 1, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường, làn đường quy định; phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
Trong trường hợp này đã gây ra tai nạn thì cần phải xem xét có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án theo Điều 260 tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không.
Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất do hành vi của mình gây ra như chi phí hư tổn xe, chi phí những ngày xe không hoạt động phải thay thế xe khác...
Trong trường hợp người gây ra tai nạn đã chết, nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường
Việc người tham gia giao thông đi không đúng phần đường quy định là hành vi coi thường luật pháp, coi thường người tham gia giao thông khác và thậm chí coi thường ngay cả tính mạng của mình. Người vi phạm chỉ biết "cho tiện", "cho nhanh" mà không nghĩ đến rủi ro sẽ mang đến cho họ hậu quả rất nghiêm trọng.
Quy định pháp luật về trách nhiệm dân sự, hình sự và bồi thường thiệt hại trong trường hợp người điều khiển xe máy do đi vào đường cấm gây tai nạn đã quy định rõ. Tuy nhiên trong thực tế, việc tai nạn xảy ra vẫn gây ra những phiền phức không đáng có đối với những người lái xe ô tô không may va chạm.
Ngoài việc mất thời gian đi lại, làm việc với cơ quan chức năng, người lái xe ô tô còn có thể đối mặt với sự quấy nhiễu của gia đình nạn nhân. Không chỉ tài xế mà cả gia đình đều căng thẳng tột độ cho đến khi sự việc được giải quyết. Tài xế ô tô là nạn nhân, nhưng lại thường bị đổi xử như thể họ là thủ phạm gây tai nạn.
Ở nhiều nước phương Tây, người đi vào đường cấm nếu vi phạm luật giao thông dẫn đến cái chết của chính mình thì gia đình không thể bắt vạ người lái ô tô, thậm chí chết rồi vẫn bị lấy bảo hiểm ra bồi thường cho những thiệt hại của chủ ô tô nếu xe đó hư hỏng.
Còn ở ta, nhiều người khi tham gia giao thông vẫn có tư tưởng "xe to đền xe bé" khi xảy ra tai nạn. Bởi vậy, khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra, tài xế "xe to" không tránh khỏi sự phiền phức khi phải đối mặt với những "yêu sách" của người nhà "xe bé".
Ngoài ra, họ còn bị cuốn vào những rắc rối không mong muốn khi phương tiện bị tạm giữ để phục vụ điều tra. Và trong thời gian chờ mọi việc ngã ngũ thì tài xế ô tô đã lãnh đủ những thiệt hại về vật chất, tinh thần và thời gian.
Hành vi đi vào đường cấm là rất nguy hiểm, thể hiện ý thức chấp hành luật lệ giao thông rất kém và gây nguy hiểm cho người khác. Bởi vậy gần đây khi sửa đổi Nghị định số 100/2019 Chính phủ đã nâng mức xử phạt của hành vi này, có thể lên đến 18.000.000 đồng. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Xe máy “đua” cùng ô tô trên đường cấm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại