Kỳ 1: Xe máy “đua” cùng ô tô trên đường cấm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại các tuyến đường vành đai, tình trạng xe máy "hồn nhiên" đi vào đường cấm diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Duy Linh |
“Đua” cùng ô tô, quay đầu đi ngược chiều trên đường cấm
Đường Vành đai 2 trên cao được thiết kế với 4 làn xe chạy ở 2 chiều, tốc độ lưu thông tối đa 80km/h, đoạn cầu nhánh tốc độ 60km/h. Đường được thiết kế riêng phục vụ phương tiện ô tô, giảm tải ùn tắc khu vực bên dưới, tuy nhiên nhiều người điều khiển phương tiện xe máy vẫn vô tư đi vào phần đường không được phép.
Vào giờ cao điểm, đường Minh Khai bên dưới đông đúc, ùn tắc thì số phương tiện xe máy cố tình vi phạm đi trên đường trên cao diễn ra nhiều hơn. Không chỉ vi phạm đi trên đường cấm, nhưng chiếc xe máy lưu thông trên đường Vành đai 2 còn ngang nhiên như chốn không người. Từng hàng xe cứ nối đuôi nhau, có lúc còn cố tình tạt ngang đầu, "cướp" đường của xe ô tô để di chuyển.
9h sáng, lúc này mặc dù lưu lượng người ở trên các tuyến đường Đại La, Trường Chinh… đã vãn bớt, nhưng vẫn lác đác có những người điều khiển xe máy cố lách để leo lên đường Vành đai 2 “đua” cùng ô tô. Không những “đua” tốc độ cùng với xe ô tô, những người điều khiển xe máy còn lạng lách, đi ngông nghênh ở giữa các làn đường. Đến các điểm xuống Ngã Tư Vọng hoặc Ngã Tư Sở, những chiếc xe này cứ len lỏi qua những chiếc gương ô tô mà đi xuống!
Thường xuyên di chuyển trên tuyến đường Vành đai 2, anh Nguyễn Khắc Thanh (ở quận Long Biên) cho biết, ban đầu khi thấy xe máy đi lên đường Vành đai 2 anh cũng thấy khá khó chịu. “Vận tốc tối đa cho phép trên đường Vành đai 2 là 80km nên đa phần các xe ô tô trên này đều chạy khá nhanh. Nhiều khi thấy những chiếc xe máy xuất hiện trên đoạn đường này làm tôi khá là e ngại” - anh cho biết.
Cũng theo anh Thanh, những người điều khiển xe máy đó đã đi vào đường cấm mà tốc độ họ đi cũng rất cao. Anh cho rằng, nếu nhỡ trong trường hợp giật mình, phanh gấp, việc người điều khiển xe máy bị ngã, trượt là rất dễ dàng xảy ra.
“Không thể tưởng tượng được tình huống đó sẽ thế nào khi mà xe ô tô trên này đều di chuyển với tốc độ ít nhất trên 60km/h”, anh nói.
Còn với anh Phạm Hải Lê (ở quận Thanh Xuân), việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở Hà Nội xảy ra như cơm bữa. Tuyến đường dành riêng cho ô tô, nhưng có sự xuất hiện của xe máy, xe ba gác, xe thô sơ… như một chuyện tất lẽ dĩ ngẫu. Tuy nhiên, cũng có khi anh thấy thực sự phiền phức.
“Cách đây vài hôm, đang di chuyển ngon trớn thì tôi giật mình thấy hàng đoàn người đi xe máy… ngang nhiên đi ngược chiều. Việc đi lên đường cấm đã là phạm luật, thì việc đi ngược chiều nó lại thêm 1 lần phạm luật nữa. Hôm đó tôi cũng chứng kiến có xe trước tôi phải phanh đột ngột để tránh người điều khiển xe máy đột ngột quay đầu. Người ta phải hiểu việc xe đang đi nhanh phải phanh gấp nó tiềm ẩn những nguy hiểm như thế nào chứ?!”, anh nói.
Đồng thời, anh cũng cho biết, đi lên đến nút xuống Ngã Tư Vọng, anh mới biết có lực lượng CSGT đang xử phạt những người điều khiển xe máy đi vào đường Vành đai 2. Biết luật, sợ bị phạt mà bất chấp những tiềm ẩn nguy hiểm của chính mình và những người khác là điều khó có thể chấp nhận - theo anh Lê.
Không chỉ Vành đai 2 trên cao, tuyến Vành đai 3 với lưu lượng xe tải, xe container rất nhiều và di chuyển với tốc độ cao, nhưng nhiều người lái xe máy vẫn không... nề hà mà leo lên thi gan.
Nhiều lái xe khi lưu thông trên đường Vành đai 3 đã không ít lần phải giật mình tránh và nhường đường cho xe máy phóng với tốc độ cao trên tuyến đường này. Anh Trần Thanh Tùng (Hà Nội) hàng ngày thường xuyên đi lại trên tuyến này cho biết, nhiều khi xe đang chạy với tốc độ 80km/h phải giảm tốc độ đột ngột để né tránh xe máy từ phía sau vọt lên, vô cùng nguy hiểm.
“Hồn nhiên”… vi phạm
Cũng có đôi lần đi lên đường Vành đai 2 “song hành” cùng ô tô, chị Nguyễn Lan (ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị cũng biết đường đó cấm xe máy, nhưng tại đường bên dưới… đông quá.
“Đường đông lại còn nhiều đèn xanh, đèn đỏ, vậy nên lúc vội cũng đi lên đường trên cao cho nó nhanh. Việc tiềm ẩn tai nạn giao thông như mọi người nói mình thấy sẽ khó xảy ra vì là đường một chiều (?!)”, chị hồn nhiên nói.
Chị Vũ Thị Dư (ở quận Long Biên) cũng cho biết, chị cũng đã từng điều khiển xe máy đi trên đường Vành đai 2. “Hôm ấy đúng hôm CSGT ra quân xử lý vi phạm nên tôi cũng bị họ bắt dừng để phạt. Thú thực ban đầu cũng không dám lên trên đó đi, nhưng xong thấy nhiều người lên nên tôi nghĩ có lẽ cũng không sao…”, chị cho biết.
Khi được hỏi có biết tuyến đường đó cấm xe máy không, chị ngập ngừng không muốn trả lời, nhưng khi phóng viên hỏi có thấy biển cấm ở đầu đường không, chị chống chế: “Cũng không mấy để ý!”.
Không như chị Dư, anh Lê Văn Long (ở quận Thanh Xuân) cho biết, anh làm nghề tài xế công nghệ. Việc đi xe máy trên đường dành riêng cho ô tô, vành đai 2, 3 anh và đồng nghiệp hầu như đã… từng đi.
“Nhiều khi do áp lực nhận chuyến, đường Hà Nội vốn đông đúc ở các giờ cao điểm, đèn xanh đèn đỏ nhiều nên biết là vi phạm nhưng vẫn cố đi lên đường trên cao đi để tranh thủ ít thời gian”, theo anh Long.
Việc xe máy lưu thông trên các tuyến đường cấm là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn, khi được hỏi đến điều này, anh Long chỉ cười trừ rồi… im lặng.
Việc xử phạt xe máy đi vào đường cao tốc được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng). Đặc biệt, xe máy đi vào đường cao tốc gây tai nạn giao thông, mức phạt cao hơn, từ 4 - 5 triệu đồng (trước đây chưa quy định). Ngoài ra, xe máy đi vào đường cao tốc còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng; đi vào đường cao tốc không đúng quy định gây tai nạn giao thông bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Trong một số trường hợp, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xe máy đi vào đường cao tốc còn có thể bị xử lý hình sự. |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại