Thứ năm 12/12/2024 04:39
Gieo “hạt giống đỏ” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội

Kỳ 2: cánh tay nối dài nơi “rẻo cao” của Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng luôn được Đảng ủy xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chú trọng về cả số lượng, chất lượng.
Kỳ 2: cánh tay nối dài nơi “rẻo cao” của Hà Nội
Huyện ủy Mỹ Đức làm việc với Đảng ủy xã An Phú về kết quả thực hiện công tác đảng năm 2024 và phương hướng năm 2025 ngày 28/11/2024. Ảnh:V.B

Vươn lên từ một xã khó khăn

Trở lại xã An Phú, chúng tôi bất ngờ bởi bao quanh những dãy đá vôi giờ xuất hiện những “thung lũng sen”. Mô hình trồng sen lấy hoa và hạt này được biết đến là mô hình kinh tế hiệu quả. Hộ ông Hanh là một trong nhiều hộ ở xã An Phú đã linh hoạt, chủ động trong nếp nghĩ để thay đổi đời sống ở vùng “rẻo cao” này.

Nhắc đến An Phú là nhắc đến một xã miền núi của huyện Mỹ Đức, với hơn 2.450 hộ và hơn 10.000 nhân khẩu. Trong đó, có 13 thôn, dân số hơn 10.000 người, đồng bào DTTS chiếm 57%, chủ yếu là dân tộc Mường. Nơi đây nằm giáp ranh 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam.

Bí thư Đảng ủy xã An Phú Nguyễn Văn Hiển chia sẻ, kể từ khi hợp nhất về Thủ đô, xã An Phú luôn nhận được sự quan tâm lớn của huyện, TP và được đánh giá cao trong sự nỗ thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi TP Hà Nội giai đoạn 2012 -2018. Kết quả rõ nét, tại xã An Phú, cuộc sống của đồng bào dân tộc có nhiều khởi sắc, nhất là khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đưa vào sử dụng tại đây góp phần tạo thuận lợi trong việc đi lại, học tập, mở rộng giao thương buôn bán giữa các vùng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa…

Từng thuộc diện vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn của Hà Nội, xã An Phú có xuất phát điểm rất thấp khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, xã An Phú chỉ có duy nhất 1/19 tiêu chí về quy hoạch đạt chuẩn, còn lại đa phần vẫn ở mức rất thấp. Tuy nhiên, sau 10 năm nỗ lực, huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, đến nay xã An Phú đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Đồng bào DTTS nơi đây đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh các mô hình kinh tế mới như trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người dân xã An Phú đến nay đã đạt khoảng 56 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hiện còn 0,8 %. Xã An Phú cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021; 100% số hộ được dùng điện an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; số hộ có nhà kiên cố đạt 96,2%; 100% các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn và đường ngõ xóm được bê tông hóa, nhựa hóa phục vụ cho nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương. Xã thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”. 13/13 thôn có nhà văn hóa, 12/13 thôn đạt và duy trì danh hiệu Làng văn hóa, có 2.011/2.186 hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa (đạt 91,99%), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%, tăng 65% so với năm 2012” – Bí thư Đảng ủy xã An Phú Nguyễn Văn Hiển chia sẻ với giọng đầy phấn khởi.

Kỳ 2: cánh tay nối dài nơi “rẻo cao” của Hà Nội
Ảnh 2: Hội nghị kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Trường Trung học cơ sở An Phú, ngày 27/11/2024. Ảnh: V.B

Đảng viên vận động đồng bào từng bước xóa bỏ phong tục lạc hậu

Bên chén trà sen đậm vị An Phú, ông Nguyễn Văn Hiển nói, Đảng bộ xã An Phú có 328 đảng viên đang sinh hoạt tại 21 chi bộ trực thuộc, gồm: 13 chi bộ thôn, 4 chi bộ nhà trường, 1 chi bộ trạm y tế, 1 chi bộ Công an xã, 1 chi bộ hợp tác xã nông nghiệp, 1 chi bộ quân sự xã. Trong 328 đảng viên toàn đảng bộ có 169 đảng viên là người DTTS, chiếm 51,6%.

Theo Bí thư Đảng ủy xã An Phú Nguyễn Văn Hiển, những năm qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và đảng viên là người DTTS nói riêng luôn được xã An Phú chú trọng về cả số lượng, chất lượng. “Từ đầu năm 2024 đến nay, xã An Phú đã kết nạp được 9 đảng viên mới, trong đó 4 đảng viên là người dân tộc Mường” – ông Nguyễn Văn Hiển cho hay và khẳng định, đội ngũ đảng viên người DTTS thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng với bà con đồng bào DTTS, góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, giúp bà con thêm tin tưởng vào Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các đảng viên phát huy vai trò tiên phong đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Để công tác phát triển Đảng, đặc biệt nhân rộng đảng viên trong đồng bào DTTS, Đảng ủy xã phân công các đồng chí ủy viên ban chấp hành, trưởng các đoàn thể quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng quần chúng trong độ tuổi đoàn viên, thanh niên có lý tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng.

Đồng thời, phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn, hướng dẫn các chi bộ cơ sở thống kê, rà soát và lập danh sách quần chúng ưu tú để bồi dưỡng. Ngoài ra, để làm tốt công tác phát triển Đảng là người DTTS, hàng năm cấp ủy các cấp đều chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và các giải pháp phát triển đảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Nhất là quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở vùng đồng bào DTTS để phát hiện quần chúng ưu tú bồi dưỡng, kết nạp.

Bí thư Đảng ủy xã An Phú cho biết, để làm tốt hơn nữa công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên vùng DTTS, thời gian tới Đảng ủy xã tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với công tác phát triển đảng viên, nhất là vùng DTTS. Cùng với đó, làm tốt công tác bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên. Tổ chức tốt các phong trào thi đua để từ đó phát hiện những nhân tố tiêu biểu, ưu tú giới thiệu cho Đảng.

(Còn nữa)

Chi bộ luôn dẫn đầu trong công tác phát triển đảng viên trên địa bàn xã là Chi bộ thôn Gốc Báng với 21 đảng viên, trong đó 19 đảng viên là người DTTS.

Trò chuyện cùng phóng viên, Bí thư Chi bộ thôn Gốc Báng Bùi Xuân Thiệp cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi bộ thôn Gốc Báng đã phát triển được 2 đảng viên mới, trong đó, cả 2 đảng viên đều là người DTTS. Các đảng viên trong chi bộ thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng ưu tú, đặc biệt là thanh niên đồng bào DTTS, giúp đỡ các quần chúng ưu tú để phát triển đảng hàng năm.

Kỳ 1: Tiến Xuân “mùa gieo hạt giống đỏ” Kỳ 1: Tiến Xuân “mùa gieo hạt giống đỏ”
Nhật Nam - Nguyễn Phương – Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động