Thứ năm 12/12/2024 04:48
Gieo “hạt giống đỏ” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội

Kỳ 1: Tiến Xuân “mùa gieo hạt giống đỏ”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đảng bộ xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội, là Đảng bộ vững mạnh với 15 chi bộ trực thuộc, gồm 384 đảng viên, trong đó, đảng viên là người đồng bào DTTS chiếm gần 70%. Có được kết quả đáng khích lệ này là sự bám sát cơ sở, phát hiện và bồi dưỡng “hạt giống đỏ” để phát triển đảng viên là người đồng bào DTTS…

LTS: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” soi đường công tác Đảng tại các xã vùng xa của Hà Nội. Thời gian qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên trong dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng tại Hà Nội đảm bảo cả về lượng và chất. Từ số báo này, Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.

Kỳ 1: Tiến Xuân “mùa gieo hạt giống đỏ”
Diện mạo đổi mới của xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Tiến Xuân đổi mới từng ngày

Đến Tiến Xuân những ngày này, nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ thanh bình, nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp. Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc tại trụ sở xã thơm mùi sơn mới, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiến Xuân, Quách Hữu Nghiệp, cười nói, Tiến Xuân “thay da đổi thịt” từng ngày. Là xã miền núi, Tiến Xuân có tổng diện tích tự nhiên gần 3.500ha, dân số trên 8.000 người, trên địa bàn xã có 2 dân tộc anh em Kinh và Mường cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm hơn 60%.

Nhiều năm trước, đến Tiến Xuân nhiều người e ngại vì hệ thống giao thông của xã chủ yếu là đường đất, hạ tầng thiết yếu như trạm y tế, trường học còn sơ sài và lạc hậu. Người dân trong xã có truyền thống canh tác nông nghiệp (năm 2 vụ lúa), trồng rừng, trồng cây, chăn nuôi. Lao động chính trong hộ gia đình chuyển từ làm nông nghiệp sang làm việc tại các công ty, DN, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Có được diện mạo nông thôn mới như hôm hay, ông Quách Hữu Nghiệp cho biết, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, xã Tiến Xuân đã huy động được hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động để bê tông hóa đường làng, ngõ xóm các thôn: Quê Vải, Gò Chói, Đồng Dâu, Gò Mè, Miễu; đường 446 đi thôn Bình Sơn; cứng hóa các tuyến mương, bai Quê Vải, Cửa Làng, Đồng Hiến, Gò Chung, Ngọn Hồ.

Đặc biệt, Nhân dân địa phương đã hiến gần 10.000m2 đất xây dựng trường học, nhà văn hóa và làm đường giao thông. Xã Tiến Xuân đã có một trường đạt chuẩn quốc gia và là xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2. Cùng với đó, Đảng ủy, UBND xã Tiến Xuân đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, quy hoạch một số diện tích canh tác thuộc các thôn chuyển sang trồng giống lúa cao sản, rau sạch và hoa.

Xã cũng vận động bà con chuyển đổi 30ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dưa chuột Nhật xuất khẩu. Bên cạnh đó, xã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả. Mô hình trồng tre Bát độ lấy măng cũng được nhân rộng, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống của bà con.

Kỳ 1: Tiến Xuân “mùa gieo hạt giống đỏ”
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân, Quách Hữu Nghiệp chia sẻ về công tác phát triển Đảng.

Đồng bào dân tộc thiểu số tự hào khi trở thành đảng viên

Phó Bí thư Thường trực xã thông tin, Đảng bộ xã Tiến Xuân có 15 chi bộ đảng trực thuộc gồm 4 chi bộ khối nhà trường (2 trường tiểu học, một trường mầm non và một trường trung học cơ sở), 7 chi bộ khối nông thôn ứng với 7 thôn trên địa bàn, 1 chi bộ hợp tác xã, 1 chi bộ trung tâm y tế, 1 chi bộ công an xã và một chi bộ quân sự xã. Toàn xã có 384 đảng viên, trong đó 374 đảng viên chính thức và 10 đảng viên dự bị. Đảng viên là người DTTS chiếm hơn 65%, trong đó 15% là đảng viên nữ và 32% là đảng viên trẻ tuổi.

Với giọng đầy tâm huyết, ông Quách Hữu Nghiệp khẳng định, công tác phát triển đảng được địa phương hết sức quan tâm. Từ khi còn là xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đến khi sáp nhập về huyện Thạch Thất, Hà Nội, việc “gieo hạt giống đỏ” luôn được Đảng ủy xã đặt lên hàng đầu. “Hồ Chủ tịch đã dạy rồi “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, chúng tôi thấm nhuần và luôn coi trọng công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên là người DTTS” – lời Phó Bí thư Thường trực xã Tiến Xuân.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác phát triển đảng của xã đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, kết nạp 40 đảng viên, trong đó, đảng viên là người dân tộc chiếm hơn 50%. Nói về bí quyết để thu hút thế hệ trẻ vào Đảng, ông Quách Hữu Nghiệp nói: “Rất đơn giản, chúng tôi hướng đến truyền thống gia đình. Lấy sự gương mẫu của các đảng viên là cha, chú trong gia đình để định hướng con, cháu. Nối tiếp truyền thống, thế hệ trẻ ở xã Tiến Xuân luôn có ý thức phấn đấu để tiếp tục phát triển nền nếp tự hào của gia đình, dòng họ”.

Như lời ông Quách Hữu Nghiệp, để công tác phát triển đảng viên đạt lượng và chất thì việc “nuôi nguồn” đảng viên là then chốt. Thực hiện chỉ đạo từ Huyện ủy Thạch Thất, hàng năm, huyện Thạch Thất ban hành kế hoạch phát triển đảng viên mới, đánh giá, tổng kết kỹ càng. Đảng ủy thường xuyên yêu cầu các chi bộ rà soát nguồn, cử quần chúng học lớp nhận thức về Đảng, trong đó chú ý tới những thanh niên năng động, cầu tiến và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2024, xã Tiến Xuân cử 17 thanh niên học lớp nhận thức về Đảng, đảm bảo nguồn cho năm sau. Gần đây, do làm tốt khâu chuẩn bị nguồn, đảng viên được kết nạp thường trong độ tuổi 25 - 27 tuổi.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân, Quách Hữu Nghiệp chia sẻ, Đảng ủy xã Tiến Xuân cũng gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS như: nhiều thanh niên đi lao động ở các địa phương khác ảnh hưởng đến phát triển Đảng. Có những quần chúng rất tốt nhưng lại mải lo mưu sinh, làm việc tại các công ty ở nội thành Hà Nội nên không còn nhiều thời gian sinh hoạt tại xã, việc này khiến công tác dân vận, thuyết phục của Đảng ủy sẽ phải dày công hơn.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Chi bộ Thôn 2, xã Tiến Xuân cho biết, về sự thu hút tham gia vào Đảng tại xã Tiến Xuân, ông Quách Hữu Nghiệp khẳng định, xã đã triển khai hiệu quả mô hình “Chi bộ 4 tốt” (Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; Chất lượng sinh hoạt tốt; Đoàn kết, kỷ luật tốt; Cán bộ, đảng viên tốt); phát động, vận động đảng viên tham gia phong trào “Dân vận khéo”. Từ việc đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên đề, đưa những chủ đề bám sát cuộc sống, đặc biệt là đồng bào DTTS mà nhiều người mong muốn được vào Đảng; các đảng viên hăng hái tham gia sinh hoạt, đóng góp ý kiến xây dựng địa phương.

(Còn nữa)

Mô hình “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” do Hội phụ nữ xã Tiến Xuân phụ trách được Huyện ủy Thạch Thất đánh giá cao bởi, đảm bảo gìn giữ phong tục tập quán về văn hóa (trang phục, ma chay, cưới hỏi, tang văn minh, tiến bộ, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp, nông thôn mới…). Tại Hội thi Dân vận khéo cụm 3 huyện Thạch Thất năm 2024, Đảng uỷ xã Tiến Xuân đạt giải Nhì.

Nhật Nam - Nguyễn Phương – Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động