Kỳ 1: Sự đồng thuận từ Trung ương tới các địa phương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhối cảnh đường vành đai 4 - vùng thủ đô |
Chính phủ quyết liệt chỉ đạo
Sáng 23/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc và dự kiến kéo dài đến ngày 16/6. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư 5 DA cao tốc quan trọng như: DA Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM.
Trước đó, tại nhiều phiên họp khác, Quốc hội, Chính phủ… cũng cho nhiều ý kiến chỉ đạo liên quan đến DA đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội.
Tháng 1/2022, ngay từ những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, TP Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên về chủ trương đầu tư xây dựng DA đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là DA hạ tầng rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị cho các địa phương trong vùng Thủ đô. Việc thực hiện các DA nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các địa phương, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển hạ tầng và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030.
Các tuyến đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho cho người dân trong vùng.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về DA đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, thành lập một tổ công tác do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm tổ trưởng. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan làm thành viên hai tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ triển khai các DA, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Tháng 5/2021, trong Thông báo số 92/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo căn cứ tính hiệu quả để tập trung khẩn trương, nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian vừa qua, trong đó có tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sát sao với DA trọng điểm
Ngày 19/5, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về DA đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và DA đường vành đai 3 TPHCM. UBTVQH tán thành sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư các DA này tại kỳ họp thứ 3. UBTVQH nhận thấy, đây là 2 DA rất quan trọng và nằm trong tổng thể xem xét các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán vốn... bảo đảm tuân thủ khung của chính sách đã đề ra trong 5 năm.
Trên cơ sở xem xét tính cấp bách của các DA, UBTVQH thống nhất triển khai, thực hiện DA đường vành đai 3 TPHCM với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2026, quyết toán năm 2027.
Với đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, theo UBTVQH cần nghiên cứu giãn tiến độ 1 năm, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027. Việc giãn tiến độ như vậy để bảo đảm tính khả thi và cân đối, bố trí phần vốn cho các DA quan trọng khác, đồng thời tránh trường hợp tập trung bố trí vốn quá nhiều vào một DA nhưng không bảo đảm tiến độ triển khai, giải ngân. Theo tờ trình của Chính phủ, DA Vành đai 4 vùng Thủ đô chiều dài tuyến 112,8 km, đi qua Hà Nội 58,2 km; Hưng Yên 19,3 km; Bắc Ninh 25,6 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn một DA khoảng 85.810 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28.200 tỷ, ngân sách địa phương 28.200 tỷ, vốn BOT 29.410 tỷ. Mục tiêu là hoàn thành DA trong giai đoạn 2021-2025.
Không chỉ UBTVQH, DA vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP HCM đã được Bộ Chính trị cho ý kiến; dự kiến trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp ngay trong tháng 5. Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chính phủ đề nghị bổ sung 3 nội dung, trong đó có nội dung bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 DA trọng điểm, gồm: Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Báo cáo về chủ trương đầu tư DA đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây là một trong 5 vành đai của TP Hà Nội. DA là sự cụ thể hóa đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trên cả nước có khoảng 2.000km đường bộ cao tốc. Đây còn là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, ngày 24/1/2022, của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, Vành đai 4 là DA quan trọng, trách nhiệm của Thường vụ Quốc hội rất lớn, làm sao phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, tránh tình trạng "chuẩn bị đầu tư rất nhanh, thông số rất hoành tráng, nhưng tiến hành thì kéo dài, phân tán, dàn trải nguồn lực, thậm chí sai phạm". DA xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7 tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. DA được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; được chia thành 3 nhóm dự án với 7 DA thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng... |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại