Thứ sáu 22/11/2024 21:58
“Gỡ” bài toán phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội:

Kỳ 1: Nơi nhộn nhịp, chỗ “cửa đóng, then cài”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
7 năm kể từ đợt thí điểm đầu tiên, tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận nay đã trở thành điểm hẹn văn hóa của người dân và du khách vào mỗi dịp cuối tuần. Trái ngược với hình ảnh sôi động, nhộn nhịp của tuyến phố đi bộ giữa lòng phố cổ thì ở phía Tây TP, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn lại rơi vào nghịch lý tạm thời đóng cửa vì vắng khách.
Phố Tạ Hiện là điểm đến yêu thích của giới trẻ và du khách quốc tế. Ảnh Khánh Huy
Phố Tạ Hiện là điểm đến yêu thích của giới trẻ và du khách quốc tế. Ảnh Khánh Huy

Từ tuyến phố “không ngủ”

19h, phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) đã tấp nập du khách. Con phố thường được gọi tên dân dã là “phố bia”, “phố Tây” chỉ dài chừng hơn 100m nép mình giữa dãy nhà cổ với kiến trúc hoài niệm. Càng về đêm, tuyến phố càng nhộn nhịp hơn tạo nên sự độc đáo riêng có về “phố không ngủ”. Tuyến phố nối dài từ Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - Hàng Bạc thông sang hàng Ngang, Hàng Đào nay được mệnh danh là “thiên đường giải trí” của giới trẻ. Khu phố kinh doanh các mặt hàng ẩm thực vỉa hè, nơi có những quán bar nổi tiếng.

Từ khi có chính sách quy định cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường sau dịch Covid-19 (không quy định đóng cửa trước 21h đêm), tuyến phố Tạ Hiện trở thành địa điểm yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Nhiều người bày tỏ họ được “xả tress” sau một tuần bận rộn với công việc.

Nếu phố Tạ Hiện là điểm đến hấp dẫn của giới trẻ Hà thành thì tại tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận là địa chỉ yêu thích của các gia đình. Đáp ứng nhu cầu giải trí, các đơn vị nghệ thuật Thủ đô đều đặn tổ chức chương trình nghệ thuật với nhiều vở diễn đặc sắc. Các trích đoạn hay có phụ đề tiếng Anh tạo sự kết nối, tương tác với du khách quốc tế.

Phục vụ khán giả nhí là các hoạt động nghệ thuật tung hứng với màn xiếc nhào lộn, thăng bằng, đu dây hay xiếc thú trước đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng được biểu diễn từ các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội, thưởng thức màn múa rối cạn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Khán giả trung niên dạo qua khu vực tượng đài Vua Lê trên đường Lê Thái Tổ để nghe các nghệ sĩ hát xẩm, hát ca trù. Hay đền Bạch Mã nghe hát Văn, đền Hương Tượng địa chỉ 64 Mã Mây thưởng thức nghệ thuật Tuồng. Trước cửa rạp Chuông Vàng 72 Hàng Bạc, biểu diễn cải lương, ca kịch dân tộc. Đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc biểu diễn âm nhạc truyền thống.

Thu hút nhiều lứa tuổi khán giả là loại hình sân khấu kịch nói Thủ đô được Nhà hát Kịch Hà Nội tổ chức định kỳ ngay trước cửa rạp Công nhân trên phố Tràng Tiền và sân khấu Quảng Lạc với nhiều trích đoạn sân khấu vui tươi, dí dỏm tạo tiếng cười sảng khoái. Mỗi dịp nghỉ lễ, phố đi bộ Hồ Gươm thường tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch thu hút người dân đến thưởng thức.

Sau 7 năm hoạt động, nhờ được đầu tư không gian văn hóa nghệ thuật cùng với thiết chế văn hóa di sản từ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận đã trở thành “địa chỉ đỏ” của du khách vào mỗi dịp cuối tuần. Trung bình, mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đón 25.000 - 35.000 khách. Dịp lễ, Tết, con số này tăng lên 40.000 - 50.0000 người/ngày.

Đến hình ảnh vắng vẻ lạ kỳ

Trái ngược với sự nhộn nhịp, đông đúc của tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) phải tạm thời đóng cửa, một phần lý do vì vắng khách.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn bắt đầu mở cửa năm 2018 được kỳ vọng sẽ trở thành tuyến phố ẩm thực, không gian nghệ thuật truyền thống xẩm, chèo, dân ca… Đối lập với kỳ vọng của người dân và du khách, sau gần 5 năm triển khai, trong đó gần 2 năm tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, đến nay tuyến phố thưa vắng khách.

Dù được đầu tư, tu sửa, trang trí làm đẹp cảnh quanh và tái khởi động vào tháng 5/2022 với đa dạng các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật, ẩm thực đường phố, nhưng phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa tạo sức hút với du khách. Do tình hình hoạt động kém hiệu quả, vào tháng 2/2023 chính quyền sở tại đã phải tạm dừng khu phố để tu sửa.

Có mặt tại tuyến phố những ngày cuối tuần, không gian cảnh quan đẹp, nên thơ không kém phố đi bộ Hồ Gươm, nhưng tuyến phố dài 900m lác đác vài cửa hàng hoạt động. Số lượng người đến chủ yếu là người dân trong khu vực tập thể dục, rất hiếm đoàn khách tham quan.

Nhìn tuyến phố đi bộ được cải tạo, sửa chữa đẹp đẽ từng có những ngày du khách đông nườm nượp hồi tháng 5/2022 hay dịp Noel cuối năm 2022 thì nay là không gian vắng vẻ đến lạ kỳ.

Cách đó chừng vài cây số, tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình) chính thức mở cửa đón khách từ tối ngày 23/12/2022. Theo ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), sau 6 tháng triển khai tuyến phố đi bộ đón lượng khách ổn định. Mục tiêu hướng đến trở thành khu phố ẩm thực thứ hai của Thủ đô sau thành công của phố ẩm thực Tống Duy Tân.

Ghi nhận của PV, các tuyến phố đi bộ Hà Nội cơ bản đáp ứng nhu cầu giải trí, tạo không gian sinh hoạt văn hóa của người dân. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh còn mang tính chất nhỏ, lẻ, thiếu điểm nhấn, chưa tạo đột phá về kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội. Cùng với thực trạng mở ồ ạt các tuyến phố đi bộ hiện nay nhưng chất “chênh” lượng thì “mỏ vàng” phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội vẫn đang bị “bỏ ngỏ”.

Thực hiện Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL về việc Ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”, TP Hà Nội đang nỗ lực triển khai nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch đêm tại các tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phố đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây, phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã,…

Sắp tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu thành lập 3 tuyến phố đi bộ mới là phố chuyên kinh doanh ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết (năm 2023); phố đi bộ khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (năm 2023) và phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam (năm 2024).

(Còn nữa)

Tái hiện đám cưới của người Hà Nội xưa trên phố đi bộ
Hà Nội sắp có thêm 3 tuyến phố đi bộ
Nâng cao chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại phố đi bộ
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động